NGƯỜI HÀNH HƯƠNG

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chọn chủ đề Năm Thánh 2025 là: “Những người hành hương của hy vọng.”  Chủ đề này được gợi hứng từ thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma: “Đức Trông cậy không làm thất vọng” (Rm 5,5).  Vị Mục tử của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ mời gọi các tín hữu ý thức thân phận hành hương của mình, đồng thời cố gắng sống thánh thiện, nên giống Đức Giê-su, Đấng là niềm hy vọng cho thế giới.

Sống trên đời, mỗi chúng ta là người hành hương, hay là lữ khách.  Người hành hương là người đang trên đường và, hướng tới một đích điểm.  Điểm đến của những cuộc hành hương thường là những nơi thánh, gắn bó với Chúa, với Đức Mẹ và với các thánh.  Khi ý thức mình chỉ là phận hành hương hay phận lữ khách, Ki-tô hữu hướng về Thiên Chúa và mục đích tối hậu của đời người, hướng về Quê Trời là quê hương vĩnh cửu.  Vì luôn hướng về Thiên Chúa và về Quê Trời, nên Ki-tô hữu coi những gì ở trần gian chỉ là tạm thời.  Như người lữ hành bỏ lại những gì mình gặp gỡ hai bên đường, để chú tâm tiến về phía trước, Ki-tô hữu sống giữa thế gian, mà không dính bén thế gian, nhưng luôn coi thế gian chỉ là cõi tạm.

Các Bài đọc Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta một chủ đề chính: trần gian này sẽ qua đi.  Vũ trụ sẽ có ngày bị tận diệt.  Ki-tô hữu tin đó là ngày tận thế.  Thỉnh thoảng chúng ta thấy có những bộ phim nói về ngày tận thế, với những tai họa hủy diệt làm cho cả một thành phố tan tành trong mây khói.  Đó cũng chỉ là những giả tưởng.  Trong Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước, có một thể loại văn chương được gọi là “khải huyền.”  Thể loại văn chương này thường dùng những hình ảnh hiện tại để nói về tương lai, và thường đi kèm những tai ương và thảm họa, làm cho con người lâm vào cảnh quẫn bách đau thương.

Giáo lý về “Tận thế” hay “Cánh chung” là một tín điều của Giáo hội Công giáo.  Từ điển Công giáo giải thích như sau: “Tận thế là thuật ngữ chỉ sự kết thúc của thế giới – bao hàm vũ trụ vật chất, không gian và thời gian – vào ngày Chúa quang lâm.”  Chúa Giê-su loan báo sẽ có ngày tận thế (x. Mt 13,49) và ngày ấy đến lúc nào thì chỉ mình Chúa Cha biết (x. Mt 24,34-36).  Người cũng hứa ở lại với các môn đệ cho đến ngày tận thế (x. Mt 28,20).

Ngày tận thế đã đến chưa?  thưa, chưa đến.  Vậy phải hiểu thế nào về lời loan báo của Giáo hội Ki-tô từ hai ngàn năm nay?  Giáo hội dựa vào giáo huấn của Chúa Giê-su để mời gọi chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, vì không biết giờ nào Chúa đến.  Lời mời gọi tỉnh thức được nhắc đến nhiều lần trong các Tin Mừng.  Tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời; tỉnh thức để nhận ra phẩm giá của anh chị em đồng loại; tỉnh thức để nhận thấy thời gian là món quà quý giá Chúa ban; tỉnh thức để chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa thể hiện qua vẻ huy hoàng của vũ trụ, để tôn trọng và chăm sóc trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta.  Hơn nữa, nếu ngày tận thế chưa xảy đến theo nghĩa ngũ hành bị thiêu rụi, thì ngày ấy lại đến với mỗi người vào lúc cuối đời.  Đó là lúc họ phải trình diện trước nhan Chúa để tường trình với Ngài về cuộc sống dương thế, với những thành công và thất bại; những công phúc và tội lỗi.  Ngày đó còn được gọi là “ngày phán xét riêng.”  Chẳng ai thoát được ngày phán xét này.

Nhờ đâu mà chúng ta được tha thứ và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu?  Thư gửi tín hữu Híp-ri trả lời: nhờ Đức Giê-su, Đấng đã dâng mình trên thập giá để làm của lễ xin ơn tha tội cho trần gian (Bài đọc II).  Kể từ hy tế thập giá của Đức Giê-su, phụng vụ của Cựu ước không còn cần thiết nữa, vì nghi thức phụng vụ xưa chỉ là hình bóng.

Công đồng Vatican II đã trình bày Giáo hội như dân Chúa đang trên đường lữ hành.  Như dân Ít-ra-en xưa đã đi qua sa mạc để về Đất hứa, Giáo Hội – tức là Ít-ra-en mới – đang tiến bước trong thời đại này tìm về thành đô tương lai bất diệt (x. LG 9).  Dân này ở vào “thời cuối cùng,” đang tiến bước giữa lòng lịch sử loài người với sứ mạng của Đức Ki-tô cũng như đang sống thân phận lữ hành hướng tới thời hoàn tất cánh chung.  Ki-tô hữu là người lữ hành trong đoàn người lữ hành là Giáo hội.  Đích điểm của cuộc lữ hành này là gặp gỡ Chúa cách huyền nhiệm ngay ở đời này, như bảo đảm cho việc thấy Chúa “mặt giáp mặt” ở đời sau.

Chúng ta đang cùng với Giáo hội tưởng nhớ những người đã qua đời.  Đứng trước ngôi mộ của người thân, chúng ta càng cảm nhận sự mỏng giòn của kiếp nhân sinh.  Cây thập giá trên mộ Ki-tô hữu báo trước sự phục sinh, như chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.”  Những người nằm dưới ngôi mộ đang thầm thì nhắc chúng ta về kinh nghiệm cuộc đời, nhất là kinh nghiệm về sự chết.  Hãy thinh lặng để lắng nghe thông điệp của họ.

Chúa nhật hôm nay cũng là ngày Thế giới người nghèo do Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thiết lập.  Đức Bác ái Ki-tô giáo và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt gặp gỡ nhau trong đức tin của người tín hữu.  Một tác giả đã viết: “không ai nghèo đến mức không có gì để cho đi, và không ai giàu đến mức không cần nhận một thứ gì đó.”  Khi cho đi là khi ta nhận lãnh.  Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy điều này.  Xin Chúa chúc phúc cho lòng quảng đại của chúng ta đối với anh chị em nghèo khó.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên