Nếu không hoàn toàn là một thánh nhân hay một nhà thần nghiệm, bạn sẽ luôn sống trong nỗi sợ cái chết và đời sau. Đó đơn thuần là một phần nhân sinh. Nhưng chúng ta có thể và phải, vượt lên nỗi sợ của chúng ta trước Thiên Chúa.
Khi còn là đứa trẻ, tôi sống với nhiều nỗi sợ. Tôi từng có một tưởng tượng rất sinh động và thường lặp đi lặp lại, hình dung thấy những kẻ sát nhân núp dưới giường mình, rắn độc bò trườn trên chân, những bã thuốc độc trong thức ăn, những kẻ bắt nạt đang tìm nạn nhân để hành hạ, và cả trăm cách khác khiến tôi phải chết, những mối đe dọa đủ kiểu đang lẩn khuất trong bóng tối. Khi còn nhỏ, tôi thường sợ, sợ bóng tối, sợ chết, sợ đời sau, và sợ Thiên Chúa.
Khi trưởng thành, những tưởng tượng của tôi cũng trưởng thành, không còn hình dung rắn bò khắp nơi hay có kẻ giết người rình rập. Tôi bắt đầu thấy mạnh mẽ lên, tự chủ, hình dung những sự vô minh với các góc tối của nó là một cơ hội để lớn lên hơn là một mối đe dọa sự sống. Nhưng dẹp đi nỗi sợ rắn rết, sợ kẻ sát nhân giấu mặt và sợ bóng tối, là một chuyện. Còn để vượt qua được nỗi sợ cái chết, sợ đời sau, và sợ Thiên Chúa lại là chuyện khác, khó hơn nhiều. Những nỗi sợ này là những con quỷ cuối cùng cần phải trừ đi, và phép trừ tà này không bao giờ tiễu trừ hoàn toàn được. Chính Chúa Giêsu đã run rẩy trong nỗi sợ chết, trước những chuyện vô minh mà chúng ta phải đối diện trong cái chết. Nhưng Ngài không run rẩy trước Thiên Chúa, và đó là sự khác biệt. Khi đối diện với cái chết và sự vô minh, Ngài có thể trao trọn bản thân cho Thiên Chúa Cha, với niềm tin của một người con, như đứa bé bám vào cha yêu thương của mình, và chính điều đó cho Ngài sức mạnh và can đảm để tiếp tục đi qua cái chết vô danh, cô độc và bị hiểu lầm, với phẩm giá, trìu mến và tha thứ.
Chúng ta không bao giờ cần phải sợ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng đáng tin cậy. Nhưng tin tưởng Thiên Chúa cũng bao hàm một nỗi sợ lành mạnh trước Thiên Chúa, bởi một nỗi sợ nhất định là một phần tự có của tình yêu. Kinh thánh nói rằng: Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của khôn ngoan. Nhưng nỗi sợ đó, nỗi sợ lành mạnh, phải được hiểu là một sự tôn kính, một sự kinh đảm yêu thương, một tình yêu sợ mình khiến người yêu thất vọng. Nỗi sợ lành mạnh là nỗi sợ của tình yêu, sợ mình phản bội, sợ mình không chung thủy với một tình yêu nhưng không. Chúng ta không sợ người mà chúng ta tin tưởng, không sợ người đó đột nhiên trở nên độc đoán, bất công, ác độc, không thể hiểu nổi, tàn bạo, và không còn yêu thương. Không. Mà chúng ta sợ rằng liệu chúng ta có xứng đáng với niềm tin tưởng được đặt nơi chúng ta không, có thể là niềm tin của ai đó, và có thể là niềm tin của Chúa.
Nhưng chúng ta phải tin tưởng rằng Thiên Chúa thông hiểu con người. Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta luôn ý thức để tâm đến Ngài. Thiên Chúa chấp nhận bản tính lang bạt của tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa chấp nhận những mệt mỏi và kiệt nhọc của chúng ta. Thiên Chúa chấp nhận nhu cầu cần lơ đãng và thoát ly của chúng ta. Thiên Chúa chấp nhận rằng chúng ta thường dễ chìm vào giải trí hơn là cầu nguyện. Và Thiên Chúa còn chấp nhận sự kháng cự của chúng ta với Ngài, cả nhu cầu muốn kiêu ngạo khẳng định sự độc lập của mình. Như một người mẹ trìu mến ôm đứa con đang la hét giãy đạp, nhưng lại đang cần được bồng ẵm và nâng niu, Thiên Chúa cũng có thể xử trí những cơn giận, thương thân và kháng cự của chúng ta. Thiên Chúa hiểu con người, nhưng chúng ta phải đấu tranh để hiểu con người có ý nghĩa gì trước mặt Thiên Chúa.
Trong nhiều năm, tôi sợ rằng tôi đã quá chìm vào trong những chuyện của đời này, tự nhận mình là một con người có tâm linh, tôi luôn sợ rằng Chúa muốn nhiều hơn nữa nơi tôi. Tôi cảm thấy tôi phải dành thêm thời gian để cầu nguyện, nhưng thường thì đến lúc đó tôi lại quá mệt để cầu nguyện, quá hứng thú xem một trận cầu trên tivi, hay quá thích thú được ngồi lại với gia đình, đồng nghiệp, hay bạn bè, nói về đủ chuyện ngoài những chuyện tâm linh. Trong nhiều năm, tôi sợ rằng Thiên Chúa muốn tôi phải tâm linh tuyệt đối. Có lẽ là thế thật. Nhưng khi có tuổi, tôi bắt đầu nhận ra rằng hiện diện với Chúa trong cầu nguyện và hiện diện với Chúa trong lòng, thì giống như hiện diện với một người bạn đáng tin cậy vậy. Trong một tình bạn nhẹ nhàng thoải mái, bạn bè không dành hết thời gian để nói về tình cảm dành cho nhau. Mà họ nói về đủ thứ chuyện, tán gẫu, thời tiết, công việc, con cái, những cơn đau đầu, những chuyện đau lòng, mệt mỏi, những chuyện vừa xem được trên tivi, đội bóng yêu thích, những chuyện chính trị, và chuyện đùa mới nghe được. Và dù thế, thỉnh thoảng đôi bạn thân cũng than phiền rằng lý tưởng nhất mình nên nói về những chuyện sâu sắc hơn đi chứ. Có nên không nhỉ?
Gioan Thánh Giá đã dạy rằng, trong bất kỳ tình thân lâu dài nào, đến tận cùng những chuyện quan trọng nhất bắt đầu xảy ra dưới bề mặt, và những đàm đạo bên ngoài trở thành thứ yếu. Ngồi lại với nhau, thoải mái với nhau, cảm giác như đang ở nhà, đó là những gì chúng ta trao cho nhau trong tình thân.
Và trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, cũng đúng như thế. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta làm con người, và Thiên Chúa muốn chúng ta, những con người với đủ yếu đuối lơ đãng, hiện diện trong Ngài với sự thanh thản, thoải mái và cảm giác như đang ở nhà. Nỗi sợ Thiên Chúa có thể là tôn kính mà cũng có thể là nhút nhát, mà tôn kính thì lành mạnh còn nhút nhát là hoang tưởng.
Rev. Ron Rolheiser, OMI