THÁNH NHÂN HAY TỘI NHÂN?

Cuối cùng, chúng ta là thánh nhân hay tội nhân?  Tận sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta là lòng tốt hay ích kỷ?  Hay chúng ta là người hai mặt, với hai nguyên lý bẩm sinh, một tốt một xấu, luôn luôn đối nghịch nhau?

Chắc chắn, trong kinh nghiệm của mình, chúng ta cảm nhận có một xung đột.  Có một thánh nhân trong chúng ta muốn noi gương những gì cao cả của cuộc sống, và cũng có một cái tôi khác trong chúng ta lại muốn đi trên con đường xấu.  Tôi cảm mến lòng chân thành của Henri Nouwen khi cha nói lên xung đột này: “Tôi muốn là thánh nhân nhưng tôi không muốn bỏ lỡ bất kỳ cảm xúc nào của một tội nhân.”  Điều này do áp lực lưỡng cực bên trong chúng ta làm cho chúng ta khó thực hiện những lựa chọn luân lý rõ ràng.  Chúng ta muốn những điều đúng đắn, nhưng cũng muốn những điều sai trái.  Tất cả mọi lựa chọn đều là một sự từ bỏ nên tranh chấp giữa thánh nhân và tội nhân bên trong chúng ta tự nó biểu lộ qua sự bất lực không thể thực hiện những chọn lựa chắc chắn của chúng ta.

Nhưng chúng ta không chỉ cảm thấy áp lực này khi đấu tranh để có một quyết định luân lý rõ ràng, chúng ta còn cảm nhận áp lực này hàng ngày trong các phản ứng liên tục với những tình thế tác động bất lợi cho chúng ta.  Nói đơn giản, chúng ta luôn bị giằng co giữa nhỏ nhen và quảng đại, giữa hằn thù và tha thứ, bất cứ lúc nào chúng ta thụ động chịu tác động từ những người khác.

Ví dụ, tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm như sau: chúng ta đang làm việc trong một tâm trạng tốt, nghĩ về những điều yên bình và nhẫn nại, ấp ủ những cảm giác ấm áp, không muốn hại gì ai, rồi một cộng sự viên không có thiện ý đến, họ khinh thường hay xúc phạm chúng ta theo kiểu nào đó.  Trong tích tắc, toàn bộ thế giới nội tâm của chúng ta bị đảo ngược.  Một cánh cửa đóng sầm lại, và chúng ta bắt đầu cảm thấy lạnh lẽo hằn học, nghĩ về bất kỳ điều gì ngoại trừ những gì nồng ấm, chúng ta dường như trở thành một con người khác, từ quảng đại thành hằn học, từ thánh nhân thành kẻ mang những cảm xúc giết người để mua vui.

Đâu mới là con người thật của chúng ta?  Thực sự chúng ta là gì, thánh nhân với tâm hồn quảng đại, hay tiểu nhân hằn học nhỏ nhen?  Dường như, chúng ta là cả hai, thánh nhân và tội nhân, vì lòng tốt và ích kỷ, cả hai đều luân lưu trong con người chúng ta.

Có một điểm hay là không phải lúc nào chúng ta cũng phản ứng giống nhau.  Đôi khi bị khinh thường, xúc phạm, thậm chí bị công kích bất công, chúng ta vẫn phản ứng kiên nhẫn, thông hiểu, và tha thứ.  Tại sao?  Điều gì thay đổi cơ chế hóa học trong con người chúng ta?  Tại sao có lúc chúng ta đáp lại sự nhỏ nhen bằng lòng quảng đại, và lúc khác bằng hận thù?

Xét cho cùng, chúng ta không biết được nguyên do, và đó là một phần trong mầu nhiệm tự do của con người.  Có những yếu tố nhất định đóng vai trò trong chuyện này: chẳng hạn nếu tâm chúng ta đang tốt thì khi gặp trường hợp chối bỏ, khinh thường, đối xử bất công, chúng ta dễ phản ứng một cách nhẫn nại và thông hiểu với lòng quảng đại hơn.  Ngược lại, nếu chúng ta đang mệt mỏi, áp lực, và cảm thấy mình không được yêu thương trân trọng, thì chúng ta dễ phản ứng tiêu cực, lấy hận thù đáp trả hận thù.

Nhưng, có lẽ, tận cùng, có một thực thể sâu sắc hơn nữa đang hoạt động trong tất cả các hành động của chúng ta, một thực thể vượt ngoài cảm xúc của chúng ta.  Cách chúng ta phản ứng với một tình huống, hiền hòa hay thù hằn, phần lớn dựa vào một điều gì đó khác hơn.  Các Tổ phụ ngày xưa có một khái niệm và đã định danh nó.  Họ  tin rằng mỗi chúng ta đều có hai phần hồn, một phần hồn rộng mở và một phần hồn nhỏ nhen, và cách chúng ta phản ứng với bất kỳ hoàn cảnh nào, phần lớn dựa trên phần hồn mà chúng ta suy nghĩ và hành động với nó vào thời điểm đó.  Như thế, nếu tôi bị xúc phạm hay bị tổn thương, với phần hồn rộng mở của tôi, thì tôi dễ đáp trả bằng nhẫn nại, thông hiểu và tha thứ.  Ngược lại, nếu tôi bị xúc phạm và tổn thương khi phần hồn nhỏ nhen của tôi tác động, thì tôi dễ đáp trả bằng nhỏ nhen, lạnh lùng, và thù hằn.  Và theo các Tổ phụ, cả hai phần hồn này hiện diện trong lòng chúng ta, chúng ta vừa quảng đại vừa nhỏ nhen, vừa thánh nhân vừa tội nhân.  Thách thức của chúng ta là dùng phần hồn quảng đại nhiều hơn phần hồn nhỏ nhen.

Nhưng chúng ta phải cẩn thận, đừng hiểu điều này theo thuyết nhị nguyên.  Khi xác nhận có hai phần hồn, một phần quảng đại và phần kia nhỏ nhen, các Tổ phụ không dạy chúng ta một biến thể của thuyết nhị nguyên cũ, cụ thể cho rằng trong chúng ta có hai nguyên lý bẩm sinh, một tốt một xấu, luôn luôn tranh chấp để giành quyền điều khiển tâm hồn và linh hồn của chúng ta.  Dạng tranh chấp này thực sự không diễn ra trong chúng ta, mà chỉ là giữa hai nguyên lý tách biệt này với nhau.

Thánh nhân và tội nhân bên trong chúng ta không phải là những thực thể tách biệt.  Đúng hơn, thánh nhân bên trong chúng ta, hay phần hồn quảng đại, không chỉ là cái tôi thực sự của chúng ta, mà đúng ra là cái tôi duy nhất của chúng ta.  Tội nhân trong chúng ta, hay phần hồn nhỏ nhen, không phải là một nhân thể riêng biệt hay một thế lực tinh thần riêng biệt cứ đấu tranh mãi với thánh nhân, mà đơn giản đó chỉ là phần bị tổn thương của thánh nhân, một phần của thánh nhân đã bị nguyền rủa và không bao giờ được chúc lành cho đúng.

Và không nên để cái tôi bị tổn thương của chúng ta lại bị quỷ hóa và bị nguyền rủa thêm lần nữa.  Đúng hơn, nó cần được đối đãi tốt và được chúc lành – và rồi như thế nó sẽ thôi không nhỏ nhen và thù hằn khi gặp phải nghịch cảnh.

Rev. Ron Rolheiser, OMI