1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Việc tôn kính thánh Matthias chỉ xuất hiện tại Rôma vào thế kỷ IX. Lễ của ngài được cử hành vào Mùa phục sinh, phù hợp với câu chuyện bầu cử ngài diễn ra giữa hai ngày lễ Chúa Thăng thiên và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 1, 15-26).
Matthias (hay Mathias) tiếng Do Thái mattatyah (= hồng ân của Thiên Chúa) là môn đệ của Đức Giêsu. Vài Giáo phụ như Clément d’Alexandrie, đồng hóa ngài với Giakêu. Có lẽ ngài chết tử đạo ở Giêrusalem. Song một truyền thống khác nói ở Éthiopie. Thánh tích của ngài được tôn kính tại Trèves (Đan viện thánh Matthias) và tại Rôma (Đền thờ Đức Bà Cả). Ngài được minh họa, tay cầm giáo hay thanh kiếm, và đôi khi lại bị gươm kiếm đâm thâu qua.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Câu chuyện trong Công vụ đọc vào ngày lễ (1,15-26) thuật lại diễn từ của Phêrô trước việc rút thăm chọn Matthias. Các Tông Đồ ý thức việc cần lập một nhóm Mười Hai tách biệt, được Đức Giêsu tuyển chọn để tiếp tục sứ vụ của Người. Vì con số ấy chỉ còn Mười Một sau bội ước của Giuđa Iscariote, nên cần một người khác nhận phần việc thay cho kẻ phản bội (Cv 1, 21), để số 12 trong Tông Đồ đoàn luôn được đầy đủ.
Quả vậy, trong Kinh thánh, con số “mười hai” được xem như là con số linh thánh và mang ý nghĩa tượng trưng: các môn đệ Đức Giêsu sẽ ngồi trên mười hai tòa để xét xử mười hai chi tộc Israel (Mt 19, 28; Lc 22, 30), và Giêrusalem mới sẽ có mười hai cửa mang tên mười hai chi tộc Israel. Cũng thế, mười hai nền móng của thành thánh mang tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên (Kh 21, 12 – 14).
Phêrô nhắc lại các điều kiện cần thiết để được nhập vào nhóm Mười Hai và như thế tham gia vào sứ vụ đầu tiên của nhóm trong tư cách là những người trực tiếp làm chứng về Đức Kitô sống lại, từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất (Cv 1, 8). Người được chọn phải là một trong các chứng nhân về cuộc đời và sự Phục Sinh của Đức Giêsu, cho đến khi Người lên trời. Phêrô nói: Vậy một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh (Cv 1, 22: bài đọc một trong Thánh lễ; xem Bài giảng của thánh Gioan Kim Khẩu trong Kinh sách). Chính cảm nghiệm trong tư cách chứng nhân trực tiếp về đời sống và nhất là về sự sống lại của Thầy mình, đã đem lại cho nhóm Mười Hai sự bảo chứng, sức mạnh và sự khả tín trong sứ vụ Tông Đồ Tin Mừng của mình.
b. Phụng Vụ lễ thánh Matthias cũng nhấn mạnh một phương diện khác, không những về ơn gọi của nhóm Mười Hai, mà còn về mọi ơn gọi khác. Đức Giêsu nói với các Tông Đồ: không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại (Ga 15,9 –17): bài Tin Mừng Thánh lễ). Như thế, khi Phêrô mời gọi cộng đoàn một trăm hai mươi anh em rút thăm một trong hai ứng viên để được sát nhập vào nhóm Mười Hai, thì cả hội nghị cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai … (Cv 1, 24).
c. Ơn gọi của thánh Matthias cũng nhắc chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta được hưởng “gia sản của các thánh trong ánh sáng của Chúa” (lời nguyện sau hiệp lễ). “Hãy nhìn xem tình yêu Chúa cao cả dường bao! Chúng ta là con Thiên Chúa, được tiền định trong thánh Tử độc nhất của Người… Mắt nhìn lên thành trì hoan lạc, chúng ta sẽ thấy được thánh Nhan uy nghi của Người” (xướng đáp bài đọc – Kinh sách)
Enzo Lodi
Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org