THẾ GIỚI CẦN THIÊN CHÚA

Thế giới của chúng ta hiện nay, Đông cũng như Tây, đang mắc một căn bệnh trầm kha: đó là bệnh lãng quên Thiên Chúa.  Không những chỉ lãng quên, mà con người còn chủ ý gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời.  Thỉnh thoáng chúng ta nghe những anh chị em Phật giáo nói đến “thời mạt pháp,” tức là thời mà quan điểm về luân lý của con người trở nên hỗn loạn.  Họ không còn giảng dạy hoặc không tuân theo giáo pháp chân chính nữa.  Khi gạt bỏ Thiên Chúa, hoặc gạt bỏ vai trò của tôn giáo nói chung, thế giới trở thành một mớ hỗn độn, luân thường đạo lý suy đồi.  Con người sống vô cảm, thậm chí là hoang dã đối với đồng loại.  Những vụ đại án vô cùng nghiêm trọng đã và đang xảy ra ở đất nước chúng ta cho thấy: một xã hội để được văn minh phát triển, chỉ có “pháp trị” thôi thì không đủ, mà còn cần đến “đức trị” nữa!  Người ta có thể tìm thấy “đức trị” ở đâu?  Thưa, không ở nơi các vĩ nhân, các triết gia và các lãnh đạo, mà là nơi thế giới tâm linh.  Trong một xã hội chỉ quản lý và điều hành bằng luật pháp, con người dễ dàng gian dối, lừa đảo.  Cần có Thượng Đế hay Thần Linh để kiểm soát hành vi tư tưởng của con người.

Trong bối cảnh thế giới như được diễn tả ở trên, chúng ta cùng bước vào Mùa Vọng.  Mùa Vọng nhắc chúng ta về nhu cầu cần đến Thiên Chúa.  Ngài là nền tảng của hòa bình đích thực, và là nguyên lý xây dựng tình liên đới giữa các dân tộc.  Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã viết trong Thông điệp Về niềm hy vọng Ki-tô giáo (Spe Salvi – năm 2008) như sau: “Thiên Chúa là nền tảng của hy vọng: không phải bất cứ thần minh nào khác, nhưng chính là Thiên Chúa Đấng có một dung mạo loài người và đã yêu thương chúng ta đến cùng, mỗi người chúng ta và nhân loại trong tổng thể của nó.  Nước Ngài không phải là một hình ảnh tưởng tượng đời sau, tọa lạc đâu đó trong tương lai mà chẳng bao giờ đến; nhưng Nước Ngài hiện diện bất cứ nơi nào Ngài được yêu thương và bất cứ khi nào tình yêu của Ngài đến được với chúng ta” (Số 31).

Thiên Chúa yêu thương nhân loại và Ngài luôn hiện diện giữa trần thế.  Đức Giê-su là Ngôi Lời nhập thể làm người để ở với chúng ta.  Người là bằng chứng sống động cho tình thương vô bờ của Thiên Chúa.  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).  Đức Giê-su là niềm hy vọng của thế giới.  Nơi bản thân và cuộc đời của Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã đến viếng thăm con người và ở lại với họ, đem cho họ niềm vui và lòng thương xót của Ngài.

Sống tinh thần Mùa Vọng cách cụ thể, trước hết là cảm nhận nhu cầu cần thiết có Thiên Chúa.  Con người cần Thiên Chúa như cây cần ánh mặt trời; như cá cần nước và như thân xác cần lương thực hằng ngày.  Không có Thiên Chúa, thế gian sẽ thành bãi chiến trường, như chúng ta đã kinh nghiệm trong thực tế xã hội hiện nay.  Ngôn sứ I-sai-a trong Bài đọc I đã nói lên niềm khát vọng của con người mong có Chúa: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống…  Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ…”  Đó là tiếng rên xiết của cả nhân loại, mong ngóng Chúa đến để được giải thoát khỏi tình trạng đọa đầy đau khổ.

Sống tinh thần Mùa Vọng là vững tin vào Đức Giê-su, Đấng đã đến trong lịch sử và đang sống giữa chúng ta.  Đức Giê-su là nguồn cậy trông và là mẫu mực lý tưởng của chúng ta.  Con đường tiến tới hoàn thiện của chúng ta sẽ trở thành vô vọng, nếu không có Người trợ giúp.  Thánh Phao-lô khuyên giáo dân Cô-rin-tô: “Anh em hãy nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su.”  Như thế, cuộc sống của chúng ta là những nỗ lực không ngừng để sống trung thành với Chúa Giê-su và được nên giống như người cách trọn vẹn.

Sau cùng, sống tinh thần Mùa Vọng là chu toàn bổn phận của mình trong cuộc sống cụ thể, đối với Chúa và đối với tha nhân.  Mỗi người sinh ra ở đời đều có một sứ mạng.  Chính Thiên Chúa là Đấng trao cho chúng ta sứ mạng ấy và Ngài kiểm soát chúng ta.  Mỗi người đều phải chu toàn bổn phận mà Chúa trao.  Hình ảnh một ông chủ trước khi đi xa trao cho các đầy tớ chăm sóc cơ nghiệp, diễn tả việc Thiên Chúa trao cho chúng ta sứ mạng phải hoàn thành.  Chúng ta không biết lúc nào Ông Chủ về.  Không biết lúc nào Chúa đến gọi chúng ta.  Ở địa vị người đầy tớ hay người quản lý, chúng ta phải luôn tỉnh thức và trung thành.  Đó là tinh thần sẵn sàng để có thể đón Chúa.  Mỗi chúng ta đóng vai trò “người giữ cửa” để chờ đợi và đón chủ đi xa sẽ về lúc bất chợt.  Người giữ cửa, không chỉ để đợi chủ, mà còn phải canh chừng để không cho những thù địch tấn công cướp phá gia nghiệp của chủ mình.

Maranatha, Amen, lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!  Đó là lời cầu nguyện kết thúc toàn bộ Kinh Thánh (Kh 22,20).  Đó cũng là niềm khát vọng của toàn thể vũ trụ. Đó là tâm tình đặc biệt của Ki-tô hữu, không chỉ trong Mùa Vọng, mà trong suốt cuộc đời, vì thế giới của chúng ta cần Thiên Chúa.  Duy chỉ có Ngài là Đấng lấp đầy những khát vọng thâm sâu của chúng ta.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên