ĐỨC KHÔN NGOAN

“Khôn ngoan”, trong từ điển Tiếng Việt được định nghĩa là “khéo léo trong việc cư xử với mọi người.”  Từ điển Wikipedia lại giải thích dài hơn như sau: “Sự khôn ngoan hay sự thận trọng (tiếng Latinh: prudentia, tiếng Anh: prudence) là khả năng quản trị và kỷ luật bản thân thông qua việc sử dụng lý trí.  Sự khôn ngoan được coi là một đức hạnh, và đặc biệt là một trong bốn đức hạnh cốt yếu (cùng với Can đảm, Công bằng và Tiết độ).”  Đối với thánh Tô-ma A-qui-nô, ngài coi khôn ngoan là nguyên nhân, phương pháp và hình thức của mọi đức hạnh.

Lời Chúa trong cuốn sách mang tên “Sách Khôn Ngoan” của Chúa nhật 32 hôm nay lại định nghĩa “khôn ngoan” theo một ý hướng khác.  Xin lưu ý là chữ “Khôn Ngoan” tác giả đặt ở chữ viết hoa.  Điều này cho thấy “Đức Khôn Ngoan” ở đây không theo nghĩa thông thường.  Dưới lăng kính Ki-tô giáo, Đức Khôn Ngoan chính là Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người.  Người có từ thuở ban sơ, hiện diện cùng với Thiên Chúa, để cùng Chúa Cha sáng tạo muôn loài.  Những ai thiện chí tìm kiếm Đức Khôn Ngoan thì Người sẽ cho gặp.  Đức Giê-su đã quả quyết: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28).  Hôm nay, Đức Giê-su, tức là Đức Khôn Ngoan, vẫn đang không ngừng tìm kiếm chúng ta.  Người sẽ tỏ mình ra cho chúng ta, nếu chúng ta trở nên nghĩa thiết với Người.  Người soi sáng cho chúng ta, nhờ đó chúng ta nhận ra lẽ phải để biết đối nhân xử thế một cách hài hòa.

Hiểu như thế, chúng ta sẽ nhận ra, lý tưởng đời sống Ki-tô hữu là tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, tức là Đức Ki-tô, đồng thời cố gắng mỗi ngày để nên giống như Người.  Danh xưng “Ki-tô hữu”, vừa có nghĩa “người được xức dầu”, vừa khẳng định chúng ta thuộc về Đức Ki-tô, tin vào Đức Ki-tô và phấn đấu để nên giống Đức Ki-tô trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

Một khi có Đức Khôn Ngoan hướng dẫn, chúng ta sẽ biết nhìn xa trông rộng, để sống tốt hiện tại và chuẩn bị cho tương lai.  Trên đời, có những người đạt được Đức Khôn Ngoan; nhưng cũng có người không được như vậy.  Dụ ngôn “Mười trinh nữ” được thánh Mát-thêu đặt vào văn mạch những bài giảng của Chúa Giê-su về cánh chung, tức là vào lúc tận thế.  Người ta có thể khôn ngoan trong những suy tính thế gian, nhưng chưa chắc đã khôn ngoan khi lo liệu hạnh phúc vĩnh cửu.  Những cô khờ dại chỉ nhìn trước mắt.  Họ chú ý đến trang điểm và làm duyên cầu kỳ, mà không nghĩ đến sự thận trọng và vẻ đẹp tâm hồn.  Một điều cần lưu ý là cả người khôn và người dại cuối cùng đều phải trình diện trước nhan Chúa, nhưng tương lai của họ thì hoàn toàn khác nhau.

Như chúng ta đã biết, hình ảnh tiệc cưới được Chúa Giê-su sử dụng nhiều lần trong Tin Mừng, hầu hết đều mang nội dung giáo huấn về ngày cánh chung.  Sống ở đời, chúng ta đang chuẩn bị cho ngày đó. Dù sớm hay muộn, ngày ấy cũng sẽ đến.  Nhiều người lập luận rằng: những người Công giáo cứ nói đến cánh chung từ hàng ngàn năm nay rồi, mà ngày ấy đâu có đến.  Quả thật, ngày cánh chung chưa đến, nhưng Chúa Giê-su nói với chúng ta trong câu kết của bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào” (câu 13).  Hơn nữa, nếu ngày cánh chung hay tận thế hiểu theo nghĩa phổ quát chưa đến, thì đối với mỗi chúng ta, lúc kết thúc cuộc đời dương thế, mà chúng ta vẫn gọi là giờ chết, thì đó chính là tận thế và là ngày phán xét riêng Chúa dành cho chúng ta.  Đó là lý do vì sao chúng ta phải luôn khôn ngoan chuẩn bị cho tương lai đời mình.  Năm trinh nữ khờ dại đã không nghĩ đến chuyện đó, nên các cô đã bị lỡ.

Qua dụ ngôn “Mười trinh nữ” Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta về sự sống sau khi chết.  Chết là biến đổi sang trạng thái khác.  Đối với những ai tín trung với Chúa, chết là gặp gỡ Chúa, và là dự tiệc vui muôn đời.  Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Thê-xa-nô-ni-ca đã đưa ra lời giải thích về sự chết, để người tín hữu không còn buồn phiền bi quan.  Chúng ta kẻ trước người sau, ai cũng phải đến lúc kết thúc cuộc đời.  Nếu sống thánh thiện thì sẽ được gặp nhau mãi mãi trên quê trời.

Tháng Mười Một hằng năm được dành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất.  Dụ ngôn “Mười trinh nữ” cũng thường được đọc trong thánh lễ an táng và cầu hồn, như một lời mời gọi những ai đang sống hãy tỉnh thức và sẵn sàng.  Khi cầu nguyện cho người đã qua đời, chúng ta cũng nghĩ đến thân phận mình.  Hãy tìm kiến Đức Khôn Ngoan.  Hãy theo học với Người.  Tác giả Thánh vịnh (Đáp ca) đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, ngay từ rạng đông, con tìm kiếm Chúa.”  Ước chi mỗi chúng ta cũng khởi đầu ngày mới bằng việc tìm kiếm Chúa, tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, để chúng ta cũng được nên khôn ngoan giống như Người.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên