Chúng ta bước vào mùa Chay bằng cách rắc tro lên đầu. Việc này tượng trưng cho điều gì? Có lẽ chuyện này hiểu bằng tấm lòng thì tốt hơn là bằng trí óc, bởi vì giáo dân đi nhà thờ ngày thứ Tư Lễ Tro nhiều hơn bất kỳ ngày nào khác trong năm, nhiều khi còn hơn cả lễ Giáng Sinh. Dòng người đi nhận tro trong các nhà thờ dài bất tận. Tại sao lại thế? Tại sao mọi người xem trọng chuyện xức tro nhiều như thế? Tôi cho rằng lý do vì đây là một biểu tượng, tro là thứ thô sơ, nguyên thủy, nguyên hình, và nói lên tiếng nói của tâm hồn.
Chúng ta biết chính xác trong lòng vì sao chúng ta đi xức tro. Không cần đến lời giải thích cao siêu hàn lâm gì cả. Tro là bụi, là đất, là bùn, là khiêm hạ tận cùng khiêm hạ. Tro luôn là biểu tượng lớn trong mọi tôn giáo. Xức tro lên đầu, ngồi trong đống tro, là nói với tất cả mọi người và nói với bản thân, chúng ta đang sám hối, đây không phải là “thời gian thông thường” của chúng ta. Xức tro lên mình là nói rằng, đây không phải là lúc ăn mừng, rằng trong lòng chúng ta đang nghiêm túc, và nói lên rằng chúng ta đang ở trong khối tro than của một ngọn lửa đang tắt, chờ đợi một sự viên mãn hơn trong đời.
Tất cả những ý nghĩa này có những nguồn gốc thâm sâu. Trong linh hồn con người có gì đó bẩm tại hiểu được rằng thỉnh thoảng chúng ta phải đi xuống, phải chìm xuống, phải mất đi hào quang và chờ đợi để tro bụi thực hiện công việc thầm lặng của nó. Mọi truyền thống cổ xưa, dù là trong tôn giáo hay thần bí hoang đường, đều có nhiều câu chuyện về việc ngồi trong đống tro. Ví dụ, chúng ta ai cũng biết chuyện Cô bé Lọ Lem Cinderella. Đây là câu chuyện đã có từ bao nhiêu thế kỷ trước, đầy khôn ngoan, nói lên giá trị của tro bụi trong đời sống. Cái tên Cinderella tự nó đã thể hiện đủ. Theo nghĩa đen, Cinderella là “thiếu nữ ngồi trong đống tro than.” Hơn nữa, như câu chuyện mở ra, trước khi mang đôi giày pha lê, trước khi có bộ váy lộng lẫy, trước khi dự dạ hội, trước khi khiêu vũ với hoàng tử rồi kết hôn với chàng, phải có một thời gian cô ngồi trong tro than, khiêm hạ, hèn mọn, kiên nhẫn chờ đợi dù trong lòng đã sẵn sàng cho niềm vui tột cùng và sự viên mãn. Trong câu chuyện Cô bé Lọ Lem, chúng ta có thể thấy được tinh thần của mùa Chay.
Truyền thống người bản địa châu Mỹ cũng luôn có một vị trí đặc biệt cho tro. Trong một số cộng đồng Da Đỏ, có khái niệm rằng thỉnh thoảng người ta sẽ ngồi trong tro một thời gian. Không ai biết tại sao người nào đó thấy cần phải ngồi trong tro, nhưng ai cũng biết, đây là một điều rất tự nhiên, biết rằng tro có tác động quan trọng lên linh hồn, và cuối cùng, người đó sẽ trở lại cuộc sống bình thường và trở nên tốt hơn nhờ đã có thời gian ngồi trong tro.
Tôi xin kể rõ thêm về chuyện này. Có một vài cộng đồng Da Đỏ sống trong nhà dài. Nhà dài là tòa nhà chung, nhà của cả cộng đồng. Nhà dài hình chữ nhật dài, với mái nghiêng, phần đỉnh mái thường để mở như lỗ thoát khói. Lửa được đốt liên tục ở trung tâm nhà dài để nấu ăn và giữ ấm. Người dân quy tụ lại đó, gần bên ngọn lửa để nấu, ăn, và gặp gỡ nhau, nhưng họ ngủ xa đống lửa, dưới các mái hai bên nhà. Thường xuyên, có một người, đàn ông hay phụ nữ, vì lý do gì đó mà họ không cần giải thích, sẽ không làm theo thông lệ đó. Thay vào đó, họ im lặng, ngồi ngay sát bếp lửa, trên đống tro, ăn qua loa, không tiếp chuyện, không ra ngoài, không tắm rửa và không đi ngủ với những người khác, cứ ngồi đó giữa đống tro.
Ngày nay, chúng ta sẽ xem chuyện này như là trầm cảm lâm sàng và tức tốc lôi người đó đi khám. Nhưng người Da Đỏ thời xưa thì không hoảng lên như vậy. Họ thấy đây là chuyện bình thường, một chuyện mà ai cũng được kêu gọi thực hiện lúc này hay lúc khác trong đời. Họ cứ để người đó ngồi trong tro cho đến một ngày nào đó người này đứng dậy, rũ sạch tro và bắt đầu sống lại đời sống thường lệ. Họ tin rằng tro, hay thời gian ngồi thinh lặng, đã có tác động quan trọng, không thể thấy được bên trong con người. Ta ngồi trong tro để được chữa lành.
Giáo hội cũng dựa vào những nguồn khôn ngoan thâm sâu này khi cử hành nghi thức xức tro lên trán chúng ta vào đầu mùa Chay. Mùa Chay là mùa để mỗi người chúng ta ngồi trong tro, dành thời gian như Cinderella để nuối tiếc về những gì chúng ta đã làm sai, kiềm chế bản thân khỏi vũ hội, từ chối làm việc như thường lệ, để kiên nhẫn trong thinh lặng chờ đợi sự tăng tiến diễn ra trong con người mình. Mùa Chay là thời gian để tĩnh lặng hầu cho tro có thể làm việc của nó trên con người chúng ta.
Và chúng ta không cần hiểu chính xác tro hoạt động thế nào trên mình. Tro đã kiên nhẫn nâng đỡ chúng ta suốt bao đời nay rồi.
Rev. Ron Rolheiser, OMI