NGÀY CÁNH CHUNG

Trước đây, khi giảng tĩnh tâm Mùa Chay, các Linh mục thường nhắc đến “Tứ chung” hay còn gọi là “Bốn sự sau,” nghĩa là Sự chết, Thiên đàng, Hoả ngục và Phán xét.  Đây là những vấn đề liên quan đến cùng đích của đời người.  Đó cũng là những điều mà ai cũng phải trải qua.  Người tín hữu, khi nghĩ đến “Bốn sự sau” cố gắng sống tốt và lo chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng để về với Chúa.

Cũng có người sợ hãi không muốn đề cập tới “Bốn sự sau,” vì họ coi đó là điều xui xẻo.  Nhưng, “Bốn sự sau” là một thực tại gắn liền với đời người, dù người ta có né tránh thì cũng không thoát được.  Khi giảng tĩnh tâm, nếu nhấn mạnh tới chủ đề “Bốn sự sau,” thì lại rất có hiệu quả.  Người tín hữu tham dự tĩnh tâm xưng tội rất đông và sốt sắng.  Như thế, nếu năng nghĩ đến sự chết, người ta sẽ sống tốt hơn, nhân ái hơn và cao thượng hơn trong cách đối xử với tha nhân.

Vũ trụ này không tồn tại mãi mãi, nhưng sẽ có ngày tận cùng.  Các tác giả Cựu ước đều chung quan điểm này.  Ngôn sứ Malaki là một trong những tác giả trình bày ngày cánh chung của vũ trụ.  Đó sẽ là ngày ngũ hành bị thiêu rụi, và cũng là thời điểm người lành kẻ dữ được xét xử công minh.  Kẻ ác sẽ như rơm rạ bị thiêu đốt, người lành sẽ toả sáng như mặt trời.  Suy tư về đời sau làm cho cuộc đời này có ý nghĩa.  Bởi lẽ nếu không có đời sau thì xấu tốt cũng như nhau, vàng thau cũng đồng giá.  Ngày cánh chung và cuộc phán xét, chính là câu trả lời cho sự khác biệt trong cuộc sống đời này.

Bao giờ mới đến ngày cánh chung?  Nhiều thế hệ đã lo lắng băn khoăn và đi tìm câu trả lời.  Vào thời điểm lịch sử bước sang những năm chẵn, như năm 1900, năm 2000, năm 2010…, người ta lo sợ và tuyên truyền sắp đến ngày tận thế.  Nhưng rốt cuộc ngày tận thế vẫn chưa đến.  Chúa Giêsu dặn chúng ta: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt.”  Đối với người tin Chúa, khi nào tận thế xem ra không phải là điều quan trọng, nhưng điều quan trọng là lòng tín trung phó thác nơi Chúa.  Nếu tận thế được diễn tả như trời long đất lở hoặc các hiện tượng thiên nhiên khác, thì Chúa Giêsu lại muốn nói với chúng ta: tận thế cũng có thể là những khó khăn, bách hại và thử thách về niềm tin.  Quả vậy, tin là đi theo con đường thập giá của Chúa Giêsu.  Chúa đã vác thập giá bước đi trong niềm phó thác nơi Chúa Cha.  Như thế, cánh chung đối với chúng ta hôm nay là những gian nan thử thách trong cuộc đời.  Mỗi chúng ta phải vượt qua những gian nan ấy để gìn giữ đức tin tinh tuyền trọn vẹn.  Theo Giáo lý của Giáo Hội Công giáo, nếu ngày phán xét chung còn rất xa vời, thì ngày phán xét riêng lại rất gần đối với chúng ta.  Khi chúng ta kết thúc hành trình trần thế, là lúc chúng ta ra trình diện trước nhan Chúa, để tường trình với Ngài về cuộc sống dương thế của chúng ta, với những ơn lành mà chúng ta đã lãnh nhận, như số vốn Chúa ban để chúng ta sinh lợi thiêng liêng.

Tin vào ngày cánh chung ở cuối cùng của lịch sử, chúng ta tin cậy vào những giá trị vĩnh cửu.  Đền thờ Giêrusalem rất quan trọng đối với người Do Thái.  Đây là trung tâm văn hoá và là niềm tự hào của dân tộc.  Đền thờ còn là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài.  Ấy vậy mà Chúa Giêsu tuyên bố: những điều anh em đang chiêm ngưỡng và tự hào, sẽ có ngày ra tro bụi.  Viện vào câu nói này, khi tố cáo Chúa trước Công nghị, một số kỳ lão Do Thái đã nói: “Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền thờ khác, không phải do tay người phàm” (Mc 14,58).  Quả là một lời vu khống xuyên tạc.  Đền thờ bị phá huỷ là một sự kiện lịch sử, đã xảy ra vào năm 70 sau Công nguyên, khi tướng Titô của La Mã chiếm thành Giêrusalem.  Đền thờ nguy nga là thế, bỗng trở thành đống gạch vụn, “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.”  Đền thờ là thiêng liêng đối với người Do Thái, nhưng cũng hữu hạn và nhất thời.  Đền thờ là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, chứ không phải là Thiên Chúa.  Người tin Chúa mà chỉ gắn bó với Đền thờ như thể đó là thực tại vĩnh cửu, thì sẽ phải thất vọng.

Niềm tin vào ngày cánh chung không phải lý do để sống lười biếng.  Thánh Phaolô chia sẻ với giáo dân Thê-xa-lô-ni-ca về cuộc sống tự lập của ngài.  Ngài cũng khuyên mọi người hãy chịu khó làm việc, để nuôi sống bản thân và giúp đỡ người khác.  Ngài lên án những người lười biếng và khiển trách họ là vô kỷ luật.  Lời khuyên của thánh Phaolô luôn phù hợp với đời sống hiện tại của chúng ta.

Trong khi chờ đợi ngày cánh chung, hãy sống và làm việc.  Hãy cho đi để được nhận lãnh.  Hãy khích lệ để được an vui, vì những gì ta cho đi là còn lại mãi.

Cuộc sống là tiếng vọng.
Điều bạn gửi đi sẽ quay trở về.
Điều bạn gieo trồng bạn sẽ gặt hái.
Điều bạn cho đi bạn sẽ nhận lại.
Điều bạn thấy ở người khác tồn tại trong chính bạn 
(Khuyết danh).

TGM Giuse Vũ Văn Thiên