Thinh lặng? Xưa rồi Sơ ơi, thời nay không nói người ta bảo là tự kỷ đấy!
Đó là phản ứng của một bạn trẻ trong một cuộc chuyện phiếm với các bạn trẻ khi tôi về quê nghỉ hè. Tôi không rõ bạn ấy tên gì và cũng chợt quên mất không hiểu cả nhóm đang nói chuyện gì mà tôi lại nhắc đến hai chữ “thinh lặng” nữa, nhưng tôi nhớ sau lời phản ứng của bạn đó thì có một vài tiếng nữa xen vào: Đúng đấy, Sơ ơi! Rồi các bạn ấy nhanh chóng chuyển sang một đề tài khác mà không hề để ý đến phản ứng của tôi. Thế rồi tôi hiểu ý nên cũng không nhắc đến nữa.
Câu nói của bạn đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều: Có khi nào bạn ấy đúng, còn tôi đang lạc hậu chăng? Nhất là trong một nền xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay. Con người luôn luôn trong tình trạng chạy đua với những thay đổi một cách chóng mặt, âm thanh tràn ngập mọi ngóc ngách của cuộc sống. Thinh lặng thật khó! Thế rồi, niềm vui bên gia đình, người thân và bạn bè trong những ngày hè khiến cái suy nghĩ đó cũng dần dần bị lãng quên.
Rồi kỳ nghỉ kết thúc, tôi trở lại nhà dòng và chuẩn bị bước vào kì tĩnh tâm năm. Không hiểu sao năm nào cũng vậy, tôi mong đợi những ngày này lắm. Không phải để được ăn ngon, ngủ kĩ; cũng không phải lo lắng chuyện tông đồ hay bất cứ chuyện gì nhưng là tôi có nhiều giờ bên Chúa hơn để nhìn lại cuộc hành trình một năm đã qua của mình. Vào mỗi dịp tĩnh tâm, ngoài những giờ cầu nguyện, tôi thường có một thói quen vẽ hay viết những suy tư của riêng mình theo các chủ đề mà Cha giảng phòng đưa ra. Nhưng năm nay tôi quyết định không vẽ, không viết gì hết mà dành trọn thời gian thinh lặng trước Chúa. Không hẳn vì câu nói của bạn trẻ đó mà tôi có quyết định như vậy đâu nhưng vì tôi cũng muốn có được những trải nghiệm riêng cho bản thân mình. Tôi thinh lặng chiêm ngắm Chúa như đứa con ngồi dưới chân cha nó để chờ cha giải đáp cho một vấn nạn. Và tôi bắt đầu lắng nghe…
Khi tuần tĩnh tâm kết thúc thật bình an và những giây phút linh thánh vẫn còn vang vọng trong tôi. Tôi quay trở lại với nhịp sống thường ngày của cộng đoàn. Nhưng lạ thay, như vị khách không mời mà đến, cái cụm từ: Thinh lặng”, “xưa rồi” cứ lảng vảng trong cái đầu của tôi khiến tôi phải để ý đến nó. Rồi mới đây, tôi được một người chị em cho mượn cuốn sách có tựa đề: “Sức mạnh của thinh lặng” của ĐHY Robert Sarah. Tôi bắt đầu nghiền ngẫm nó và như có thêm nguồn động lực để xác quyết một điều vững vàng hơn. Rằng: Quả thật, thinh lặng có phép mầu! Và tôi quyết định viết cho bạn.
Bạn thân mến!
Đúng là thế giới mà chúng ta đang sống luôn tràn ngập những ồn áo náo nhiệt: Nào là tiếng vận hành của máy móc, xe cộ; nào là âm thanh của máy vi tính, chuông điện thoại; những tiếng ồn từ quán ăn, hàng nước… Con người luôn phải sống trong một môi trường bị ô nhiễm bởi tiếng ồn mà Tổ Chức Y Tế Thế giới vào năm 2011 đã gọi đó là một “dịch bệnh thời hiện đại.” Chúng ta làm sao có thể thinh lặng trong một môi trường như vậy?
Thực tế, khi nhìn lại những chặng đường tông đồ trước đây của tôi: Ban ngày lên lớp hò hét với các cháu, tối về đi dạy hát, dạy múa rồi sinh hoạt các hội đoàn… có khi nào là ngưng nói đâu. Mà đó toàn là những việc cần phải nói. Và không biết tự lúc nào đời tu cũng đã bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm tiếng ồn. Chính vì thế, tôi có thể thông cảm được với nhận định của bạn. Và có lẽ ở một góc độ nào đó, bạn đang đúng.
Nhưng bạn biết không, có thể tôi và bạn, chúng ta luôn có những công việc của một ngày tất bật từ sáng đến tối. Nó khiến ta lúc nào cũng ở trong tình trạng ồn ào, khó có thể thinh lặng nhưng điều đó không có nghĩa là không thể thinh lặng. Vì theo tâm lí, tự bản chất, sâu trong tâm hồn mỗi người vẫn luôn cần có những khoảng lặng. Đã bao giờ bạn cầm một bản nhạc và ngân nga hát theo những giai điệu của nó chưa? Chắc chắn bạn sẽ nhận ra rằng, một bản nhạc hay không thể không có những dấu lặng hay những dấu nghỉ. Tác giả đặt vào đó vừa là để thể hiện sắc thái của bài hát vừa là để cho người hát có chỗ lấy hơi, nếu không sẽ đứt hơi mất. Hay đã bao giờ bạn đọc một bài văn mà không có dấu chấm nghỉ nào chưa? Chuyện đó thật hiếm đúng không? Như máy móc cần có lúc thay dầu nhớt, máy tính cần có lúc phải sạc pin,… Cuộc sống của chúng ta cũng cần có những giây phút như vậy đó để làm mới lại bản thân theo một lập trình mới bạn ạ.
Giả sử nếu chúng ta cứ làm việc, làm việc và làm việc; hay các bạn trẻ cứ học, học và học mà không nghe xem cơ thể mình nó đang muốn nói điều gì thì đến một lúc nào đó chắc chắn chúng ta sẽ phải nhập viện khẩn cấp vì kiệt sức. Vậy điều gì sẽ giúp chúng ta lắng nghe được cơ thể của mình? Thưa: Thinh lặng. Thinh lặng giúp ta nghe được tiếng nhịp đập của con tim, những cung bậc cảm xúc để rồi tự sâu trong tâm hồn nó sẽ mách cho ta biết ta nên làm gì. Và cũng chính thinh lặng sẽ giúp ta tìm lại được con người thật của chính mình.
Hơn nữa, trong cuộc sống hằng ngày, thinh lặng có thể là điều kiện cần thiết để chúng ta sống được với tha nhân. Bạn thử nghĩ xem, nếu cuộc sống lúc nào cũng ồn ào thì làm sao bạn có thể nhận ra đứa bạn ngồi cạnh mình hôm nay như có điều gì đó không vui? Hay nhà hàng xóm bên cạnh nhà mình hình như hôm nay có chuyện buồn… Nhất là trong thời đại dịch Covid-19 đang lan tràn như hiện nay. Hỏi rằng chúng ta có thể hiểu được nỗi niềm của những gia đình đã mất đi người thân vì dương tính với Covid, hay ta có thể thấu được những nỗi niềm của các bệnh nhân ở tâm dịch đang phải chia sẻ không khí cho những con virus quái ác kia nếu như cuộc sống không có những khoảng lặng. Chưa bao giờ tôi thấy người Ki-tô hữu đau khổ như hiện nay. Họ khao khát những thánh lễ, những giờ kinh. Họ ước ao được quỳ trước Thánh Thể Chúa để giãi bày những tâm tình nhưng điều đó thật khó! Covid đã cướp đi tất cả những quyền lợi đó. Tất cả giờ đây phải làm trong sự âm thầm. Con người kêu trách Thiên Chúa: Tại sao? Tại sao?… Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ nghe được tiếng Chúa nếu như không dành cho mình những phút thinh lặng để lắng nghe. Bởi vì “Thiên Chúa nói bằng sự thinh lặng. Sự Thinh lặng của Thiên Chúa là một lời nói” (x. Sức mạnh của thinh lặng, Robert Sarah). Và tôi nghĩ cuộc sống luôn cần có những khoảng lặng mà tôi gọi nó là “giờ vàng” để con người có thể xích lại gần nhau hơn và nhờ đó mà chúng ta mới có thể hiểu mình và hiểu người hơn. Như vậy thì thinh lặng đâu có lỗi thời mà rất hiện thời đấy chứ, phải không bạn?
Bạn thân mến, có thể bạn sẽ cho rằng tôi hơi khùng khi nhắc đến một đề tài mà được coi là lạc lõng giữa một thế giới siêu kỹ thuật và ồn ào như hiện nay. Con người đã quá quen với những tiếng ồn. “Không có tiếng ồn con người cảm thấy bực bội và lạc lõng. Tiếng ồn làm cho con người trở nên yên tâm hơn, nó như một thứ thuốc phiện mê hoặc khiến chúng ta không thể nhận ra đó là một loại chất rất nguy hại.” Nó khiến chúng ta không bao giờ đối diện được với khoảng lặng của mình là thế giới nội tâm.
Nhưng tôi thiết nghĩ đó lại là một đề tài rất hữu ích cho bạn và cả cho tôi là những người đang phải sống trong một xã hội quá ồn ào. Paul Xardel từng nói: “Người ta sẽ tin bạn không phải vì bạn nói nhiều nhưng vì bạn biết thinh lặng để lắng nghe.” Vì vậy, hãy dành thì giờ để tìm thinh lặng, vì đó là lúc thuận tiện để gặp gỡ. Gặp gỡ chính mình và gặp gỡ Đấng Vô Hình. ĐHY Robert Sarah, khẳng định thêm: “Sự thinh lặng không thể thiếu để có thể lắng nghe âm nhạc của Thiên Chúa: CẦU NGUYỆN. Vì chưng con người vốn nảy sinh từ thinh lặng và không ngừng chìm sâu vào thinh lặng để gặp gỡ Người. Ai không chìm sâu vào thinh lặng thì có lẽ người ấy chẳng bao giờ đạt được sự thật, vẻ đẹp và tình yêu.” Và ĐTC Phanxicô giải thích: Thinh lặng này không phải là thinh lặng không lời nhưng là thinh lặng để nghe các tiếng nói khác: tiếng nói của tâm hồn và nhất là tiếng nói của Thần Khí.
Nếu bạn cho rằng những điều tôi vừa nói không đáng tin thì ngay hôm nay bạn hãy cùng tôi, chúng ta hãy làm một trải nghiệm nhé. Hãy dành cho mình những khoảng lặng nho nhỏ, chỉ khoảng 5-7 phút vào mỗi tối thôi như là những phút hồi tâm cuối ngày. Hãy để tâm hồn bạn thật trống rỗng trước Chúa và để cho Người lấp đầy bằng ân sủng và bình an. Tôi tin chắc bạn sẽ khám phá ra một điều mà bấy lâu nay bạn đã bỏ qua, rằng: Thinh lặng có phép mầu!
Chúc bạn luôn Bình an!
Têrêsa nhỏ