Khởi đi từ câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình” trong Tin Mừng Thánh Gioan mà trong ngôn ngữ của nhiều nước, trong đó có Việt Nam chúng ta, có lối nói “ném gạch đá” để chỉ những lời phê bình chỉ trích của công chúng nhắm tới một cá nhân hay một tập thể. Thông thường, những “gạch đá” này không mang tính chất xây dựng, mà là những kết án, đôi khi vội vàng và thiển cận. Không thiếu những viên gạch đá đã làm tổn hại thanh danh của nhiều người, thậm chí gây áp lực lớn cho đương sự, đến nỗi có người bị dồn đến bước đường cùng, tự tìm đến cái chết để thoát khỏi những thị phi. Những “gạch đá” trong cuộc sống thường ngày thật oan nghiệt biết bao!
Thánh Gioan là tác giả duy nhất ghi lại câu chuyện người phụ nữ ngoại tình. Câu chuyện này được trình bày như một vụ án. Người bị cáo là một phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang (nhưng không có tòng phạm bị tố cáo), người tố cáo là các kinh sư và biệt phái, thẩm phán là Chúa Giêsu. Vụ án được trình bày như một vở kịch, nhân vật trung tâm là Chúa Giêsu. Trong vụ này, các kinh sư và biệt phái muốn gài bẫy thử Chúa. Bởi lẽ nếu Chúa nói đừng ném đá, họ sẽ kết án Chúa bãi bỏ Lề Luật Môisen (x.Lv 20,10; Dnl 22,23-24); nếu Chúa đồng ý cho họ ném đá, Chúa sẽ mâu thuẫn với lời Người rao giảng về lòng bác ái bao dung. Những kẻ gài bẫy Chúa tỏ ra hỉ hả vì chắc chắc Người không thể thoát khỏi mưu mô của họ.
Chúa Giêsu đã ứng xử rất khôn ngoan, không mắc bẫy và không rơi vào hai tình huống trên. Người không phủ nhận Luật Môisen, cũng không làm trái với lời giáo huấn của Người. Với câu trả lời: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi“, Chúa đã lưu ý những người đang tố cáo hãy nhìn lại mình. Không ai dám cầm đá ném người phụ nữ, vì chẳng ai dám nhận mình là người sạch tội. Và, kết quả là, những người tố cáo dần dần rút lui, chỉ còn lại Chúa Giêsu và người phụ nữ. Khi những lời tố cáo ồn ào đã lắng xuống, chỉ còn lại một bên là tội nhân đáng thương, một bên là lòng thương xót của Thiên Chúa. Những người trước đó vài phút còn dương dương tự đắc, nay thấy hổ thẹn và rút lui. Lòng thương xót đã chiến thắng. Người phụ nữ đã thoát chết. Chị được phục hồi và trước mắt chị vẫn có một tương lai để làm lại cuộc đời. Lòng nhân từ của Chúa đã cứu sống chị. Những người tố cáo không còn có lý do để bắt bẻ Chúa. Họ cũng không hằn học coi khinh một người đã phạm tội, vì họ nhìn lại chính bản thân mình và nhận ra thân phận tội lỗi của họ. Chúa Giêsu được tác giả Tin Mừng trình bày như một vị tôn sư khôn ngoan, đầy lòng nhân hậu.
Giữa cuộc sống đầy hận thù ghen ghét, Thiên Chúa sẽ can thiệp và thể hiện tình yêu thương. Tình yêu thương ấy phát xuất từ lòng bao dung của Thiên Chúa, Đấng sẵn sàng tha thứ cho mọi tội nhân. Ngài quên quá khứ đen tối của con người, mở ra trước mặt họ một con đường tương lai. Hoang mạc khô cằn sẽ vọt lên dòng suối mát, làm nước uống cho dân được tuyển chọn (Bài đọc I). Tình thương của Chúa sẽ như đại dương, tẩy sạch mọi tội lỗi của con người.
Cuộc sống hôm nay vẫn đầy rẫy những kinh sư và biệt phái. Đó không phải là ông A, ông B, mà là chính chúng ta. Bởi lẽ rất nhiều lần chúng ta đóng vai trò của những người này, khi chúng ta phê phán người khác. Phê bình chỉ trích người khác là tự đặt mình làm chuẩn mực cho lối sống và cách ứng xử. Người hay phê bình người khác cho mình là hoàn hảo, và áp đặt người khác phải có lối suy nghĩ như mình, lý luận như mình và hành xử như mình. Những đòi buộc ấy là vô lý và chủ quan, nhưng tiếc thay, nó vẫn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta.
Khi tuyên bố: “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đã mà ném trước đi!”, Chúa Giêsu nhắc bảo chúng ta hãy nhìn lại mình, trước khi kết án phê bình người khác. Bởi lẽ trên trần gian, không ai là hoàn thiện. Trong thời đại bùng nổ thông tin và kỹ thuật hiện đại hôm nay, người ta lạm dụng các trang mạng xã hội để vu khống, lăng mạ và kết án người khác một cách tàn bạo. Những “anh hùng bàn phím” là những người giấu mặt. Họ tự do phát biểu, vội vàng kết án, và suy diễn theo cái nhìn chủ quan của mình. Đây chính là những “viên đá oan nghiệt” của thời hiện đại. Những viên đá này đang hủy hoại mối tương quan con người với nhau một cách tàn bạo, tạo nên những khoảng cách, thậm chí những mối oán thù và bạo lực. Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình được đọc trong Chúa nhật hôm nay, khi chúng ta đã đi gần hết chặng đường của Mùa Chay, như lời mời gọi chúng ta hãy nhìn lại mình. Có thể chúng ta đang là những kinh sư và biệt phái, chuyên săm soi và kết án người khác mà không nhận ra tội lỗi của mình để ăn năn sám hối.
“Con hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” Chúa Giêsu không bao che cho kẻ có tội. Người cứu thoát họ khỏi mối nguy hiểm của đám đông đang hằm hằm giận dữ, đồng thời khuyên họ hãy đoạn tuyệt với tội lỗi để xứng đáng đón nhận lòng thương xót của Chúa và sự cảm thông của anh chị em mình.
Người tin vào Chúa sẽ từng bước trưởng thành để thuộc về Chúa Kitô hoàn toàn. Thánh Phaolô đã dùng cách nói “được Chúa Kitô chiếm đoạt” để diễn tả sự biến đổi của người tín hữu, trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Quả vậy, đời sống đức tin chính là cuộc chạy đua liên lỉ. Mỗi người phải quên đi mọi sự để chỉ chú tâm về đích, lao mình về phía trước. Nơi đích điểm ấy, có Chúa đang chờ đợi chúng ta (Bài đọc II).
Thiên Chúa không lên án chúng ta. Ngài luôn yêu thương và rộng lượng thứ tha mọi tội lỗi ta đã phạm, miễn là chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định một danh xưng của Thiên Chúa: “Danh Ngài là Thương Xót.”
TGM Giuse Vũ Văn Thiên