KHÔN NGOAN VÀ BÁC ÁI

Trong kho tàng ca dao tục ngữ của Việt Nam, có rất nhiều lời căn dặn phải khôn ngoan trong lời nói.  Sở dĩ phải cẩn trọng, vì “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” – một lời nói ra, con ngựa Tứ khó đuổi kịp (lưu ý: tứ mã ở đây không phải là 4 con ngựa mà là con ngựa giống Tứ, chạy rất nhanh ở Trung Quốc).  “Rượu ngon uống mãi cũng say, người khôn nói mãi dẫu hay cũng nhàm.”  Lời nói tạo phong cách và tăng thêm giá trị của người, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”  Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã vận dụng những câu ca dao tục ngữ đương thời để giáo huấn dân chúng.  Người muốn khẳng định: hãy cẩn trọng trong lời nói, hãy suy nghĩ trước khi nhận định và nhất là đừng lên án ai.  Chúng ta có thể dễ dàng thấy, những điều Chúa nói trong Tin Mừng rất quen thuộc và phù hợp với mọi người, mọi trình độ văn hoá.  Những lời dạy của Chúa Giêsu cũng mang nội dung giáo huấn của các bậc khôn ngoan thời Cựu ước, ví như bài đọc I, trích sách Huấn Ca.  Những lời này cũng có thể là những lời mẹ ru con trong nôi, để rồi những giá trị sống ấy thấm nhập nơi mỗi con người từ thuở sơ sinh, góp phần tạo nhân cách khi những em bé ấy đến tuổi trưởng thành.

Thánh sử Luca, trong Tin Mừng Chúa nhật này, đã ghi lại một chuỗi ba câu chuyện dụ ngôn.  Một lần nữa, Chúa Giêsu lại dùng những hình ảnh đi cặp đôi với nhau: người mù và người sáng; cái xà và cái rác; cây tốt và cây xấu.  Những hình ảnh này đều mang ý nghĩa giáo huấn rất sâu sắc, giúp người tín hữu suy tư và chọn lựa hướng đi cho đời mình.  Có thể nói ba cặp từ này mang ba giáo huấn riêng biệt.

–   Người mù mà dắt người mù được sao?  Mỗi người sống ở đời cần chọn cho mình một hướng đi hay một lý tưởng.  Người sống không có lý tưởng, giống như cây sậy phất phơ hoang dại, gió chiều nào thì theo chiều ấy.  Khi chọn lựa lý tưởng và mẫu mực cho đời mình, mỗi người đều phải khôn ngoan cân nhắc.  Không ai chọn một người mù làm người dẫn đường.  Khái niệm “người mù” ở đây không có nghĩa là người khiếm thị, nhưng là người thiếu hiểu biết, thiếu khôn ngoan hoặc là người không đủ tư cách.  Là tín hữu, chúng ta chọn Chúa Giêsu là lý tưởng.  Người đã tuyên bố: “Tôi là Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14,6).

–   Cái xà và cái rác: con người sinh ra, đơn sơ mỏng manh như chiếc lá.  Phải cần có thời gian để trưởng thành.  Với sự dạy dỗ của cha mẹ và những người có trách nhiệm, chúng ta mới cứng cáp từng ngày.  Hiện diện trong cuộc sống, mỗi chúng ta có một cá tính, giống như mỗi người có tên gọi, có diện mạo và sở thích riêng.  Sự khác biệt làm nên tính phong phú đa dạng trong cuộc sống.  Vì vậy, không ai được lấy mình làm tiêu chuẩn để xét đoán phê phán người khác.  Sự chênh lệch giữa hai hình ảnh Chúa Giêsu dùng để so sánh, cho thấy khuynh hướng tự tôn: một bên là cái xà, rất to và rất nặng; bên kia là cái rác, đơn giản và nhẹ nhàng.  Vậy mà thông thường, người ta chỉ thấy cái rác trong mắt người khác mà không thấy cái xà nghiêm trọng hơn trong con mắt của mình.  Để thấy được cái xà trong mắt mình, cần có sự khiêm tốn và vị tha.

–   Cây tốt và cây xấu: mỗi người là một cây Chúa trồng trong vườn đời.  Lòng bao dung, quảng đại và nhân ái chính là hoa thơm trái ngọt chúng ta cần đem lại cho đời.  Lòng ích kỷ, gian tham và mưu mô mánh lới chính là những trái đắng, làm phương hại đến bản thân, trước khi gây hậu quả tai hại cho người khác.  Chất lượng của một cây không thể hiện ở dáng vẻ bên ngoài, nhưng hoa thơm trái ngọt mới đem lại giá trị của cây ấy.  Vì thế, lời nói tốt, việc làm thiện hảo và trái tim nhân hậu chính là bằng chứng nhân cách của một người tín hữu đích thực và là một cây tốt trong vườn đời.

Tội lỗi sinh ra nơi chúng ta những khuynh hướng xấu.  Đó là sự ích kỷ, tham lam và hận thù.  Đức Giêsu đã giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và tử thần.  Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy cậy dựa vào Chúa Giêsu để được chiến thắng.  Thay vì dùng thời gian và tâm huyết vào những chuyện vô bổ để đoán xét người khác, thì hãy “tích cực tham gia vào những công việc của Chúa, với xác tín rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (Bài đọc II).

Nền tảng giáo huấn của Chúa Giêsu dựa trên đức ái.  Đức ái là lòng yêu mến dành cho từng người và hết mọi người.  Chúa Nhật trước, chúng ta đã nghe Chúa mời gọi: hãy yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyện cho họ.  Nhờ có đức ái mà chúng ta sống hài hoà nhân ái với người khác, không xét đoán và không lên án họ, bởi lẽ mỗi chúng ta cũng mang nhiều bất toàn và yếu đuối.  Thay vì dò xét bới móc người khác, chúng ta hãy cố gắng đào luyện bản thân.  Khi quan sát những điều bất toàn nơi người khác, ta tự nhắc mình phải cẩn trọng; khi thấy nơi người khác có những điểm tốt lành, ta coi đó như những mẫu gương, để học hỏi, phấn đấu và thăng tiến trong đời.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên