Hai bài đọc trong Phụng vụ hôm nay, bài trích sách Nơ-khê-mi-a và bài Tin mừng Thánh Luca, đều nói về hai sự kiện giống nhau, đó là việc đọc Sách Thánh trong nơi thờ tự. Bối cảnh lịch sử của Bài đọc I là sau thời lưu đày. Nhờ sắc chỉ của Ky-rô, vua Ba Tư vào năm 538 trước Công nguyên, người Do Thái được trở về quê hương bản quán. Ông Ét-ra thuộc nhóm người đầu tiên trở về từ Babilon để khôi phục Đền thờ Giêrusalem và quê hương xứ sở. Sau những khó khăn gian khổ đến từ nhiều phía, việc xây Đền Thờ và tường thành Giêrusalem cũng hoàn thành. Đoạn sách được đọc hôm nay kể lại việc ông đọc sách Luật trước công chúng vào dịp hoàn tất công trình tái thiết Đền thờ, với mục đích nhắc cho dân chúng nhớ lại những điều Chúa đã dạy. Dân chúng ăn năn khóc lóc vì tội lỗi đã phạm, đồng thời nhận ra cuộc lưu đày khốn khổ chính là hậu quả của tội bất trung.
Tin Mừng Thánh Luca kể với chúng ta một lần Chúa Giêsu về thăm quê hương Nagiarét, Hôm đó là ngày Sabát, Người đã vào Hội đường để đọc Sách Thánh. Tác giả còn nói thêm: “như Người vẫn quen làm”, để cho thấy Chúa Giêsu thời thơ ấu tại quê hương luôn gắn bó với Hội đường, là sinh hoạt tôn giáo của một cộng đoàn địa phương. Khi lồng ghép bài Tin Mừng Thánh Luca với bài đọc trích sách Nơ-khê-mi-a, Phụng vụ muốn giới thiệu với chúng ta, Đức Giêsu chính là vị ngôn sứ đến để công bố thời của ân sủng, thời của ơn cứu độ, giống như tư tế Ét-ra công bố thời lưu đày đã mãn, dân trở về cố hương, Đền thờ Giêrusalem cùng với truyền thống tế tự đã được khôi phục.
Tư tế Ét-ra đọc Lời Chúa để nhắc dân chúng ôn lại quá khứ. Đó là một quá khứ thương đau. Dưới quan niệm của ông cũng như của nhiều người Do Thái, việc dân phải đi lưu đày xa quê hương xứ sở là hậu quả của lối sống lãng quên Thiên Chúa và vi phạm giới luật Ngài truyền. Ôn lại quá khứ cũng nhận ra tình thương của Chúa. Ngài luôn bao dung tha thứ, mặc dù dân nhiều lần phản nghịch. Lời Chúa tác động mạnh mẽ đến nỗi người dân khóc lóc. Đó vừa là những giọt nước mắt sám hối, cũng là những giọt nước mắt vui mừng, vì nhận ra tình thương của Chúa.
Ngày 30-9-2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ấn định, Chúa nhật thứ ba của mùa Thường niên là Chúa nhật Lời Chúa. Mục đích của Đức Thánh Cha là giúp các tín hữu ý thức tầm quan trọng của việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Đức Thánh Cha đã trích lời Thánh Giêrônimô: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô.” Nhiều người tín hữu dửng dưng với việc đọc Lời Chúa. Nhân vật tư tế Ét-ra và Chúa Giêsu tại Hội đường Nagiarét nhắc nhớ chúng ta về bổn phận quan trọng này. Đọc Lời Chúa sẽ giúp chúng ta gặp Người, lắng nghe lời Ngài dạy bảo để chuyên cần thực thi thánh ý của Ngài. Đọc Lời Chúa với tâm tình suy niệm sẽ giúp chúng ta nên hoàn thiện ngay trong cuộc sống hôm nay.
Tại Hội đường Nagiarét, sau khi đọc đoạn trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa Giêsu tuyên bố: Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe. Những người đồng hương đã sửng sốt ngạc nhiên trước lời tuyên bố này, vì Chúa Giêsu khẳng định Người là Đấng được xức dầu và được Chúa Cha sai đến trần gian để loan báo Tin Mừng, băng bó những vết thương tinh thần cũng như thể xác của con người. Những việc Chúa làm đã chứng minh lời khẳng định đó. Các tác giả Phúc âm đều kể với chúng ta, Chúa Giêsu miệt mài lên đường loan báo Nước Trời và kêu gọi mọi người sám hối. Người chứng minh: những gì các ngôn sứ đã tiên báo về Người đã và đang được thực hiện.
Nhờ Bí tích Thanh tẩy, người tin Chúa được gọi là “Kitô hữu.” Kitô hữu là người được xức dầu. Nhờ được xức dầu mà chúng ta nên giống Chúa Giêsu. Lý tưởng của cuộc sống người tín hữu là nên giống Chúa Giêsu trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Càng nên giống Chúa Giêsu bao nhiêu, chúng ta càng thánh thiện bấy nhiêu. Nên giống Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với Người để lên đường loan Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn thương đau bất hạnh, tức là xoa dịu, đồng cảm và chia sẻ với anh chị em chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.
Xuân Nhâm Dần đang đến gần. Mỗi dịp tết, chúng ta có thói quen nhận lộc Lời Chúa. Việc rút thăm để nhận Lời Chúa không phải để thử vận may rủi như người lương dân vẫn làm vào dịp Tết. Đón nhận Lời Chúa vào ngày đầu năm để suy niệm và chuyên tâm thực hành Lời ấy trong suốt năm. Bởi lẽ “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta một mùa xuân an bình, thánh thiện và chuyên tâm thực thi thánh ý Ngài.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên