CHỨNG NHÂN TRỞ LẠI

“Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.  Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3, 13 – 14).

Là vị tông đồ không thuộc Nhóm Mười Hai, nhưng Thánh Phaolô được nhắc đến như cột trụ của Giáo hội sơ khai và mãi là nòng cốt của Giáo hội trên đường lữ hành Đức tin.  Cuộc trở lại phi thường của “vị tông đồ dân ngoại” không chỉ nói lên tình yêu của Thiên Chúa đã dẫn đưa thánh nhân trở về, mà còn cho thấy nỗ lực đáp trả nồng nhiệt của Ngài, khi minh chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.

1. Trở lại nhờ ánh sáng tình yêu Chúa 

Mầu nhiệm tình yêu Phục Sinh đã thực sự lan toả sau cuộc trỗi dậy vinh hiển của Đức Kitô.  Nó có giá trị biến đổi bao tâm hồn đang trong cảnh nô lệ sự dữ, biết mau mắn trở về nhận lãnh và sống hồng ân cứu độ.

Thánh Phaolô được mời gọi đón nhận ánh sáng tình yêu Phục sinh một cách sung mãn nhất.  Chính thánh nhân đã công khai bày tỏ suy nghĩ về ơn gọi của mình: “Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm và gọi tôi đến phục vụ Người…  Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng…  Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.  Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người để được sống muôn đời” (1Tm 1, 12.15 – 17).

Biến cố Damas như một nét son thắm nhất trong cuộc đời Thánh Phao-lô.  Nó toát lộ gương mặt đại lượng đầy yêu thương của một Thiên Chúa đang đến sát con người để nâng họ dậy từ cơn mê của những lầm tưởng thế gian.

Việc Thánh Phaolô được biến đổi đã tôn thêm vẻ đẹp của tình yêu Thập giá.  Nếu trên Thánh giá, Đức Kitô đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình; thì trong sự kiện Damas, chính Ngài đã khoan thứ đến cùng trước kẻ đang ra tay truy bách thân mình mầu nhiệm của Ngài.  Điều này chỉ có thể lý giải bởi tình yêu của Đức Kitô có sức cảm hoá và vực dậy tất cả những gì tưởng chừng đã mất.

Thánh Phaolô đã thực sự bị chinh phục bởi “luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống” (Cv 22, 6b). Đó là ánh sáng đến từ Đấng Phục Sinh – Ánh sáng của tin vui cứu độ phổ quát.  Phaolô là chứng nhân cho tin vui ấy.

2. Chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh 

Nhờ tác động bởi tình yêu Chúa, Phaolô đã được hoàn toàn biến đổi con người cũ để trở nên chứng nhân nhiệt thành, trung kiên cho Đức Kitô Phục Sinh.  Lời thân thưa của ngài với “Đấng đang nói” (Cv 22, 9) bao hàm một thái độ sẵn sàng đáp trả cách trọn vẹn: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Cv 22, 10)

Đức Kitô trở thành trung tâm cuộc sống và lời rao giảng của Thánh Phaolô.  Chúng ta nghiệm thấy một sợi chỉ đỏ xuyên suốt các Thư Phaolô, “đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 1, 3).  Phục Sinh là sự kiện đỉnh cao trong các huấn giáo đức tin của Phaolô. “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15, 3-4).

Luận chứng thuyết phục về cuộc Phục sinh mà Thánh Phaolô đưa ra cho chúng ta thấy tầm trí tuệ cao sâu nơi Ngài, đã đặt nền tảng cho khoa thần học.  Nhưng hơn thế nữa, chúng ta cảm nghiệm thái độ nội tâm xác tín triệt để của thánh nhân vào cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.  “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.  Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Kitô trỗi dậy, trong khi thật sự Người đã không cho Đức Kitô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy…” (1Cr 15, 14 – 15).

Thánh Phaolô ý thức được cuộc trở lại nơi mình là hệ quả của cuộc Phục sinh của Đức Kitô, được khởi đi từ Thập giá.  Do vậy, thánh nhân đã không ngừng gắn kết mật thiết đời chứng nhân của mình với sự đau khổ của Thập giá.  “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi: thập giá Đức Kitô là vinh quang duy nhất của tôi”; “Với Đức Kitô, tôi đã bị đóng đinh; không còn phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 19 -20).

3. Con đường hoán cải và sự trở lại của chúng ta 

Cuộc trở lại của Thánh Phaolô đã mở ra con đường hoán cải.

Con đường này được khởi đi từ việc nhận diện “mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện và sống động trong Hội Thánh.  Đức Giêsu hiện diện trong Hội Thánh và qua Hội Thánh…  Khám phá đầu tiên của kẻ trở lại chính là sự hiện diện của Đức Kitô trong Hội thánh Người” (Enzo Lodi, Chư Thánh Theo Lịch Roma I, Bản dịch của các linh mục Hạt Xóm Chiếu).

Kinh nghiệm về sự hoán cải của Thánh Phaolô hướng chúng ta lên Thập giá của Đức Kitô và cuộc Phục Sinh của Người.  Ở đó, chúng ta sẽ nhận được ánh sáng của Sự Thật – Tình Thương, không ngừng “chiếu xuống” mỗi người chúng ta và giữa lòng Hội Thánh.

Sống theo gương Thánh Phaolô, chúng ta sẽ lạc quan trên hành trình tìm Chúa.  Đó là con đường lâu dài và thử thách, để từ đó, ta có thể khám phá Thiên Chúa và ý định của Ngài qua những dấu chỉ trên bản thân và cộng đồng.  Vấn đề là, ta hãy để cho Thiên Chúa hành động và mau mắn đáp trả tích cực lời mời gọi sống đời chứng nhân Tin Mừng.

Con đường hoán cải chỉ có thể kết nở hoa thiêng đẹp đẽ, khi chúng ta vui vẻ chấp nhận bước đi trên hành trình của Thập giá, biết đón nhận Thập giá làm “vinh quang duy nhất” như Thánh Phaolô.

Một khi đã gắn bó với Đức Kitô, chúng ta biết đặt Ngài làm mục tiêu tối hậu trong cuộc chinh phục tâm linh.  Biết sống cho giây phút hiện tại bằng niềm tin tuyệt đối: Thiên Chúa sẽ hành động!  Như lời Thánh Phaolô đã chia sẻ: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.  Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3, 13 – 14).

J.B. Nguyễn Quốc Tuấn