Đối với người phụ nữ, được làm mẹ là một hạnh phúc tuyệt vời. Những người phụ nữ không may son sẻ, phải mang nỗi niềm đau khổ suốt đời. Phụng vụ Chúa nhật 4 Mùa Vọng nói với chúng ta niềm vui của hai người mẹ, đó là Đức Trinh nữ Maria và bà Elisabet. Cả hai bà mẹ đều đang mang thai. Cuộc gặp gỡ của hai người mẹ, cũng là cuộc gặp gỡ của hai người con. Niềm vui của hai bà mẹ, cũng là niềm vui của hai hài nhi. Bởi thế mà bà Elisabet cảm nhận rõ hài nhi nhảy mừng trong lòng mình. Cuộc gặp gỡ này để lại ấn tượng sâu đậm nơi Đức Trinh nữ, và đoạn Tin Mừng này chắc chắn là do Trinh nữ thuật lại với tác giả Luca. Trước đó vài ngày, sứ thần Gabrien đã cho Đức Trinh nữ biết, bà Elisabet là chị họ của Trinh nữ đã mang thai được sáu tháng dù ở tuổi cao niên. Sau cuộc gặp gỡ, Trinh nữ Maria đã vội vã lên đường để thăm người chị, và cũng để kể cho chị nghe những điều kỳ diệu Thiên Chúa sắp thực hiện cho dân tộc mình.
Hai người mẹ cảm nhận được những kinh nghiệm rất đặc biệt. Cả hai người đều khám phá qua hài nhi còn trong lòng dạ mình ánh sáng sâu thẳm đến từ Thiên Chúa. Trinh nữ Maria cảm nhận sâu sắc rằng hài nhi trong lòng là ánh sáng của quyền năng trên cao, lan tỏa và tác động nơi những người đến gần mình. Sự nhảy mừng của Gioan Tiền hô đã chứng minh điều đó. “Khi bà Elisabet nghe lời chào của Maria, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng bà. Bà Elisabet được ơn Chúa Thánh Thần và thốt lên: Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm?” Đó là tiếng kêu ngạc nhiên vui mừng. Đó cũng là lời ca tụng tán dương quyền năng cao cả của Thiên Chúa.
Trinh nữ Maria và bà Elisabet, hai người phụ nữ đều cùng sống niềm hy vọng của dân tộc mình. Như những người tín hữu đạo hạnh, họ ngày đêm mong đợi Đấng Cứu thế đến để giải thoát dân tộc khỏi đau khổ lầm than. Trinh nữ Maria và bà Elisabet, hai người phụ nữ đều đang chuẩn bị sinh con và đang nóng lòng chờ đón con mình chào đời. Chúng ta, những tín hữu cũng đang chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, kỷ niệm ngày Ngôi Hai ra đời. Hai người phụ nữ là gương mẫu cho chúng ta trong tâm thế chờ đợi Chúa. Việc đón Chúa đến trong đời không còn chỉ là dựa vào những lời sấm xa xưa, nhưng phải được thực hiện với tâm tình yêu mến và với trái tim rộng mở. Chúa Giêsu không đến với hình hài bé thơ như cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng Người đang đến với chúng ta qua anh chị em, qua những biến cố vui buồn của cuộc sống và nhất là qua các cử hành Phụng vụ.
Ngôi Lời giáng trần là một sự kiện lịch sử. Chúa Giêsu xuống thế làm người có một quê hương và một gia đình. Nơi Người sinh hạ là thành phố bé nhỏ có tên là Belem, thuộc xứ Ephata như lời Ngôn sứ Mika đã tuyên sấm (Bài đọc I). Gia đình của Chúa là Thánh Giuse, người cha nuôi, và Đức Trinh nữ Maria, người mẹ hiền. S ự sinh hạ và cuộc sống của Chúa gắn liền với những địa danh và những nhân vật của thời đại Người. Chúa Giêsu không phải là một nhân vật của huyền thoại, nhưng là nhân vật lịch sử. Sự sinh hạ của Người là một mốc son trong lịch sử loài người. Tác giả thư Do Thái đã chiêm ngắm và suy tư Đức Giêsu ở khía cạnh tư tế. Người là Thượng tế vĩnh viễn, đã dâng trọn vẹn con người của mình làm của lễ hy sinh dâng lên Chúa Cha. Hiệu quả của hy lễ ấy là ơn thánh hoá mà nhân loại mọi nơi mọi thời đều được hưởng. Hôm nay, Người vẫn tiếp tục dâng hy lễ lên Chúa Cha. Nói rõ hơn, mỗi khi thừa tác viên của Giáo Hội cử hành Bí tích Thánh Thể, thì làm cho hy lễ thập giá năm xưa trở thành hiện tại, nên suối nguồn ân phúc cho những ai tham dự. Như thế, cung kính đón nhận Thánh Thể cũng là một điều kiện quan trọng để mừng lễ Giáng Sinh.
Đấng Cứu độ đã hóa thân làm người, và đang ở giữa chúng ta. Người là Đấng Emmanuel. Mừng lễ Giáng sinh, chúng ta hãy ý thức về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong tâm hồn và trong cuộc sống, nhờ đó, chúng ta luôn có trái tim mở rộng, chân thành đón tiếp Người. Như Mẹ Maria, chúng ta có bổn phận phải đem Chúa đến với mọi người, để niềm vui lan toả mọi nẻo đường của cuộc sống và ơn cứu độ đến với trần gian.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên