Có một câu cách ngôn nói rằng người vô thần đơn giản chỉ là người không thể hiểu hình ảnh ẩn dụ. Thomas Halik, nhà văn người Séc, thì cho rằng người vô thần là người không đủ kiên nhẫn với Thượng đế.
Câu đó có nhiều phần đúng. Lòng kiên nhẫn với Thượng đế có lẽ là cuộc chiến đấu đức tin lớn lao nhất của chúng ta. Dường như Thượng đế chẳng bao giờ vội vã vì thế chúng ta sống với lòng kiên nhẫn, nó có thể thử thách đức tin mạnh mẽ nhất và trái tim kiên cường nhất.
Như tất cả chúng ta đều có thể chứng thực, cuộc sống không phải không có các nỗi chán chường cay đắng và đau đớn dày vò trái tim. Tất cả chúng ta đều sống với nhiều nỗi đau và căng thẳng không giải quyết được. Ai trong chúng ta mà không từng nếm qua đau ốm bệnh tật, thất bại nhiều kiểu khác nhau về mặt cá nhân cũng như công việc, một kiểu sỉ nhục nào đó, một biểu đạt không đầy đủ của bản thân, những nỗi mất mát người thân làm khô héo tâm hồn, một kiểu khát khao trong thất vọng, và nỗi đau bứt rứt vì bất toàn của cuộc sống? Trong cuộc sống này, chẳng hề có niềm vui trong trẻo, thuần khiết; đúng hơn mọi thứ đều đi kèm với bóng đen của nó. Thật sự trong chừng mực nào đó, chúng ta sống trong thung lũng nước mắt.
Chúng ta được tạo ra để tìm hạnh phúc, nhưng hạnh phúc thuần khiết chẳng bao giờ tìm tới chúng ta. Dường như công lý cũng thế. Chúa Giêsu hứa rằng ai theo Người sẽ được phần thưởng nhưng dường như phần lớn không được như vậy. Những người hung hăng nhất trong số chúng ta thường tin vậy. Có một phim hoạt hình khét tiếng về Ziggy có cảnh Ziggy đang cầu nguyện với Thượng đế như sau: tôi chỉ muốn Ngài biết là những kẻ nhu mì vẫn bị đánh tơi tả dưới này. Dường như thường thường là như vậy. Vậy thì Chúa ở đâu? Đâu là sự thật trong lời Chúa hứa ai theo Người sẽ được phần thưởng trên trái đất này?
Trước sự bất công dai dẳng trên toàn cầu, chúng ta hoặc sống trong nỗi kiên nhẫn chịu đựng với Chúa hoặc chúng ta đi đến chỗ tin rằng những lời hứa của Chúa lẫn sự tồn tại của Chúa đều là những điều không đúng sự thật.
Khi Chúa chết trên thập giá, một số người đứng xem châm chọc Người và thách thức thông điệp của Người với lời lẽ như sau: Nếu ngươi là con Thiên Chúa, thì để Thiên Chúa đến cứu ngươi đi! Về căn cốt, điều đó nghĩa là: nếu Thiên Chúa là có thật và nếu thông điệp của ngươi là chân thật, thì hãy chứng minh ngay bây giờ đi! Điều này cũng đúng với Chúa Giêsu trước cái chết của ông Ladarô. Căn cốt, Người đang bị thách thức: nếu ngươi sở hữu quyền năng của Thiên Chúa trên thế gian này và ngươi thương yêu người đàn ông này, thì tại sao ngươi không cứu ông ta khỏi chết? Chúa Giêsu để Ladarô chết! Và cộng đoàn tín đồ đầu tiên, ngay sau lễ Chúa về trời, đã đau đớn đấu tranh với câu hỏi đó – Giêsu là Chúa và là người thương yêu chúng ta – vậy tại sao Người để chúng ta chết?
Mỗi người trong chúng ta đều đặt câu hỏi đó theo cách riêng của mình, vì điều chúng ta muốn là một vị Chúa cứu nạn cho chúng ta, can thiệp tích cực vì công lý và điều thiện trên thế gian này, người hành động một cách có thể nhận thấy được trong cuộc sống này, và người không để chúng ta đau ốm và chết đi. Không ai trong chúng ta muốn một vị Chúa đòi hỏi chúng ta sống trong kiên nhẫn cả đời, dựa trên lời hứa rằng cuối cùng, dù đó là khi nào đi chăng nữa, tình yêu và công lý cũng sẽ chiến thắng, mọi nước mắt sẽ khô, và mọi chuyện cuối cùng đều tốt đẹp. Chúng ta muốn sự sống, tình yêu, công lý và sự hưởng thụ ngay bây giờ, không phải ở một tương lai xa xôi và chỉ sau khi đã sống một cuộc đời đầy đau thương. Chúa, như một câu ngạn ngữ cổ Do Thái đã nói, không bao giờ vội vàng!
Và thế là chúng ta sống với nỗi nôn nóng với Chúa, cả bộc lộ ra lẫn không được bộc lộ ra. Có vẻ như, những người vô thần, ở một thời điểm nhất định, chỉ đơn giản là từ bỏ cuộc chơi, và, về căn bản, họ nói thế này: tôi đã thấy đủ rồi; tôi đã chờ đợi đủ rồi; mà như vậy lại chưa đủ! Tôi sẽ không bao giờ đợi Chúa nữa! Nhưng nếu vô thần chỉ là một cách khác để nói rằng tôi không bao giờ đợi Chúa nữa, thì điều ngược lại cũng đúng: Đức tin chỉ là một cách nói khác: Tôi sẽ chờ đợi Chúa. Nếu vô thần là thiếu kiên nhẫn, thì đức tin là kiên nhẫn.
Tác giả thiêng liêng người Ý, Carlo Carretto, sau khi dành trọn hai mươi năm đi tu trong cô độc ở sa mạc Sahara, khi hỏi ông điều gì là điều duy nhất ông cảm thấy Chúa hay nói với ông trong im lặng lâu dài và sâu sắc, ông nghe thấy Chúa nói gì với thế giới? Câu trả lời của ông là: Chúa bảo chúng ta cứ chờ đợi, cứ kiên nhẫn!
Tại sao lại cần lòng kiên nhẫn lớn lao như vậy? Chẳng lẽ Chúa muốn thử chúng ta? Chẳng lẽ Chúa muốn xem chúng ta thật sự có đức tin xứng đáng với phần thưởng lớn lao hay không? Không. Chúa chẳng cần phải bày ra trò chơi đó, và chúng ta cũng không cần. Không phải là Chúa muốn thử thách lòng kiên nhẫn chúng ta. Sự cần thiết cho lòng kiên nhẫn phát sinh từ những giai điệu bẩm sinh bên trong bản thân cuộc sống và bản thân tình yêu thương. Chúng cần mở ra, như những bông hoa và cuộc thai nghén, theo nhịp bẩm sinh riêng của chúng và theo thời gian phù hợp riêng của chúng. Chúng ta không thể vội vàng trong những chuyện đó, cho dù nỗi thiếu kiên nhẫn hay nỗi khó chịu của chúng ta lớn như thế nào đi nữa.
Chúng ta cũng không thể vội vàng với Chúa bởi vì chính lịch thời gian của Người bảo vệ chúng ta, để chúng ta không bị sinh non trên con đường tăng trưởng tình yêu và cuộc sống vĩnh cửu.
Rev. Ron Rolheiser, OMI