Cách đây vài năm, diễn viên Mel Gibson đạo diễn và sản xuất một bộ phim được công chúng đặc biệt hưởng ứng. Với tựa đề, Cuộc Thương khó của Chúa Kitô, bộ phim khắc họa lại cuộc vượt qua của Chúa Giêsu, từ vườn Cây Dầu cho đến cái chết trên Núi Sọ, tác giả nhấn mạnh đến các đau đớn thể xác của Ngài. Bộ phim thể hiện sống động từng chi tiết các đau đớn mà một người bị đóng đinh thập giá phải chịu, khi bị đánh, bị tra tấn, và bị sỉ nhục.
Trong khi hầu hết các phái trong Giáo hội tán thưởng bộ phim, cho rằng cuối cùng thì cũng có người làm một bộ phim khắc họa thật về những đau đớn của Chúa Giêsu, thì nhiều học giả Kinh thánh và nhiều ngòi bút thiêng liêng khác lại lên tiếng chỉ trích. Tại sao lại thế? Có gì sai khi chiếu một bộ phim dài với chi tiết sống động, những máu me của việc đóng đinh thập giá, vốn thực sự rất hãi hùng?
Có gì sai (hay nhẹ hơn là không hợp) khi đây chính là những gì mà Kinh thánh đã không ghi lại về cái chết của Chúa Giêsu. Tất cả bốn Tin mừng đều cố gắng không tập trung vào đau đớn thể xác của Chúa Giêsu. Các mô tả trong Tin Mừng về những đau đớn thể xác của Ngài đều hết sức ngắn gọn: “Họ treo ngài giữa hai phạm nhân.” Philatô cho “đánh đòn Đức Giêsu rồi giao ngài cho người ta đem đi đóng đinh.” Tại sao lại rút gọn như thế? Tại sao không mô tả chi tiết?
Lý do mà các tác giả tin mừng không tập trung vào những đau đớn thể xác của Chúa Giêsu là họ muốn chúng ta tập trung vào một điều khác, cụ thể là những đau đớn trong cảm xúc và tinh thần của Ngài. Cuộc thương khó của Chúa Giêsu, xét theo chiều sâu thực sự, là một tấn kịch tinh thần, chứ không phải tấn kịch thể lý, là đau khổ của một người đang yêu, chứ không phải đau đớn của một vận động viên.
Do đó, chúng ta thấy khi Chúa Giêsu tiên liệu cuộc khổ nạn của mình, những gì Ngài lo lắng không phải là đòn roi hay mũi đinh đóng vào tay mình. Mà Ngài đau đớn và lo lắng cho sự cô độc mình sẽ phải đối diện, cho kết cuộc bị những người đã nói yêu mến Ngài phản bội và bỏ rơi, và cho tình cảnh, theo cách diễn đạt của Gil Bailie là, “bị tất cả loại bỏ.”
Như thế cuộc thương khó của Chúa Giêsu rõ ràng là một tấn kịch tình yêu. Nó bắt đầu với mồ hôi máu đổ ra trong vườn Cây Dầu, và kết thúc với việc mai táng Ngài trong vườn. Chúa Giêsu đang đổ mồ hôi máu trong vườn, chứ không phải trên đấu trường. Vậy, việc ở trong vườn, có gì đặc biệt?
Về mặt tượng hình, vườn không phải là nơi trồng rau và dĩ nhiên cũng không phải là nơi trồng hoa. Vườn là nơi của những người yêu nhau, là nơi cảm nhận hạnh phúc, nơi uống rượu, nơi Adong và Evà đã trần truồng mà chẳng biết, nơi người ta yêu nhau.
Và các tác giả Phúc Âm đặt khởi đầu và kết thúc cuộc thương khó của Chúa Giêsu trong vườn để nhấn mạnh rằng, Chúa Giêsu, một người đang yêu (chứ không phải Chúa Giêsu Vua, Pháp sư, hay Ngôn sứ), đang trải qua tấn kịch này. Và chính xác tấn kịch này là gì? Khi Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu trong vườn và van xin Chúa Cha đừng bắt Ngài “uống chén này,” thì lựa chọn thực sự của Ngài không phải là: Ta sẽ để mình phải chết hay sẽ dùng đến sức mạnh thần thiêng để cứu mạng mình? Nhưng đúng hơn, lựa chọn của Ngài là: “Ta sẽ chết cách nào? Ta sẽ chết trong giận dữ, cay đắng, và không tha thứ, hay Ta sẽ chết với một tấm lòng nồng ấm thứ tha?”
Tất nhiên, chúng ta biết Chúa Giêsu đã đi qua tấn kịch này như thế nào, Ngài đã chọn lấy lòng bao dung và tha thứ cho những người hành hình mình, và trong toàn bộ những u ám đó, Ngài vẫn giữ vững những gì Ngài đã giảng dạy trong suốt đời rao giảng, chính là tình yêu, tình thương, và tha thứ sẽ tuyệt đối chiến thắng.
Hơn nữa, những gì Chúa Giêsu đã làm trong tấn kịch tâm hồn này là những gì chúng ta phải noi theo hơn là đơn thuần ngưỡng mộ, vì tấn kịch này cũng hoàn toàn là tấn kịch tình thương trong đời chúng ta với vô vàn cách thể hiện khác nhau. Cụ thể là:
Đến cuối đời, chúng ta sẽ chết thế nào đây? Lòng chúng ta sẽ giận dữ, bám víu, bất dung, và cay đắng vì sự bất công của cuộc đời? Hay, lòng chúng ta sẽ khoan dung, biết ơn, cảm thông, nồng ấm, như tấm lòng Chúa Giêsu khi Ngài thưa với Chúa Cha là xin theo ý Cha đừng theo ý Con?
Hơn nữa, đây không phải là chọn lựa cốt yếu và duy nhất mà chúng ta phải đối diện trong giờ chết, nhưng là chọn lựa chúng ta phải đối diện hằng ngày, nhiều lần mỗi ngày. Biết bao lần khi va chạm hàng ngày với người khác, với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, và cả xã hội nói chung, chúng ta đã phải chịu những lạnh lùng, hiểu lầm, bất công, và cả bạo hành chủ ý nữa. Từ sự lãnh đạm của một thành viên trong gia đình trước lòng tốt của chúng ta, cho đến một lời bình luận ác ý chủ tâm làm tổn thương chúng ta, đến một sự bất công hết sức ở nơi làm việc, đến việc bị thành kiến và xúc phạm, và bàn ăn, nơi làm việc, phòng họp, và cả trên đường, tất cả đều là những nơi chúng ta cảm nghiệm hàng ngày, ít hay nhiều, những gì Chúa Giêsu đã trải qua trong vườn Cây Dầu, cảm giác, bị tất cả loại trừ. Trong bóng đêm đó chúng ta có đi theo ánh sáng của mình? Đối diện với những thù ghét đó, chúng ta có theo tiếng gọi của tình yêu hay không?
Đó đích thực là tấn kịch trong Cuộc Thương khó của Chúa Kitô, và ở đó những đòn roi, đinh nhọn không phải là tâm điểm.
Rev. Ron Rolheiser, OMI