Trong một quyển sách nói về cầu nguyện chiêm niệm, Thomas Keating chia sẻ với chúng ta một chuyện mà cha nhiều lần nhắc đến khi linh hướng. Người ta chạy đến với cha, chia sẻ rằng họ từng có một ý thức ấm áp và chắc chắn về Thiên Chúa trong cuộc đời mình, nhưng lại than với cha là hiện nay tất cả những ấm áp và xác quyết đó đã biến mất, và khiến cho họ phải đấu tranh với niềm tin, đấu tranh để cầu nguyện được như xưa. Họ cảm nhận một cảm thức mất mát sâu sắc và lúc nào vấn đề của họ cũng là: “Có chuyện gì với con thế này?” Câu trả lời của cha Keating là: “Chúa có chuyện với con đó.”
Về căn bản, câu trả lời của Cha là: Dù bạn đau đớn, vẫn có một sự gì đó rất đúng với bạn. Bạn đã qua thời tân tòng, đã qua các giai đoạn học đạo ban đầu cần có, và bây giờ bạn đang đi vào một đức tin, không phải bớt đi, nhưng là sâu sắc hơn. Hơn nữa, sự sụt giảm lửa mến đó đưa bạn đến một sự trưởng thành chín chắn sâu đậm hơn. Vậy nên, những gì bạn hỏi đúng ra là thế này: “Tôi từng khá chắc chắn về lòng đạo của mình, và cũng chắc chắn là nó có phần nào kiêu căng và phán xét. Tôi cảm thấy tôi hiểu được Thiên Chúa và đạo, và tôi nhìn vào thế giới với đôi chút khinh thị. Rồi đức tin tôi đi xuống, và cả những tin chắc của tôi nữa, giờ đây tôi thấy mình bớt chắc chắn về bản thân đi nhiều, biết khiêm nhượng, cảm thông và bớt phán xét đi nhiều. Chuyện gì thế này?”
Hỏi như thế, thì cũng là câu trả lời. Rõ ràng người đó đang tiến tới, chứ không phải thụt lùi.
Mất mát cũng là một bước. Christina Crawford đã viết những dòng này, mô tả hành trình đau đớn của cô qua bóng tối để đến với sự chín chắn sâu đậm hơn. “Để được cứu, trước hết, chúng ta phải nhận ra rằng, chúng ta đã lầm đường lạc lối, và thường thì cuộc sống chúng ta bị hụt hẫng để chúng ta nhận ra được điều này.” Đôi khi, không có thuốc nào chữa chứng kiêu căng và tự phụ cho bằng một sự mất mát đầy đau đớn những xác quyết của mình về các ý niệm bản thân về Thiên Chúa, đức tin, và lòng đạo.
Thánh Gioan Thánh Giá đã nhận định rằng một đức tin lòng đạo sâu sắc bắt đầu khi chúng ta nỗ lực để hiểu, nhưng là bằng không hiểu hơn là hiểu. Nhưng đây có thể là một cảm nghiệm rất bối rối và đau đớn, khiến nảy sinh cảm giác: Chuyện gì thế này?
Một động năng đầy hiếu kỳ và nghịch lý nằm ở đàng sau câu tự vấn này. Chúng ta có khuynh hướng nhầm lẫn đức tin với năng lực của chúng ta trong việc vẽ lên một khái niệm về Thiên Chúa và hình dung sự hiện hữu của Ngài. Hơn nữa, chúng ta nghĩ đức tin của mình mạnh nhất vào những lúc chúng ta có những cảm giác xúc động trước những tưởng tượng của chúng ta về Thiên Chúa. Đức tin của chúng ta cảm thấy mạnh mẽ nhất khi được nâng đỡ và thổi bùng nhờ những cảm giác sốt mến đó.
Các ngòi bút thiêng liêng sẽ cho chúng ta biết rằng giai đoạn thiết tha này là một giai đoạn tốt trong đức tin, nhưng là một giai đoạn ban đầu, một cảm nghiệm chung khi chúng ta còn là những người mới theo đạo. Cảm nghiệm thế này nâng đỡ đức tin. Trong các giai đoạn đầu của cuộc lữ hành lòng đạo, thường có những hình dung và cảm giác mạnh mẽ đầy xúc động về Thiên Chúa. Ở giai đoạn này, mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng tương tự như mối quan hệ của cặp vợ chồng trong tuần trăng mật.
Trong tuần trăng mật, bạn có những cảm xúc mạnh mẽ và một sự chắc chắn nhất định về tình yêu của mình, nhưng rồi bạn sẽ về nhà. Tuần trăng mật là một giai đoạn ban đầu, một món quà giá trị, nhưng là sự sẽ tan biến đi sau khi làm đủ phần của mình. Một tuần trăng mật không phải là cả cuộc hôn nhân, dù người ta thường nhầm lẫn như thế. Với đức tin cũng vậy, các hình dung tưởng tượng mạnh mẽ về Thiên Chúa không phải là đức tin, dù người ta thường nhầm lẫn như thế.
Các hình ảnh tưởng tượng và cảm xúc mạnh mẽ về Thiên Chúa, đến cuối cùng, chỉ là những hình dung. Tuyệt vời, nhưng hình tượng thì vẫn là hình tượng. Một hình ảnh không phải là thực tế. Một hình tượng có thể đẹp và hữu ích giúp chúng ta hướng theo đường đúng đắn, nhưng khi nhầm lẫn hình tượng này với thực tế, thì nó trở thành một ngẫu tượng.
Vì lý do này, mà các ngòi bút thiêng liêng bảo chúng ta rằng, đến những thời điểm nhất định trong hành trình thiêng liêng của chúng ta, Thiên Chúa “lấy đi” sự tin chắc, tước mất của chúng ta những nồng ấm, những cảm giác trong đức tin. Thiên Chúa làm thế chính là để chúng ta không thể biến các hình dung thành ngẫu tượng, để chúng ta không thể biến cảm nghiệm về đức tin thành mục đích cho chính đức tin, trong khi đức tin chính là một cuộc gặp gỡ hiện thực và nhân thể Thiên Chúa.
Các nhà thần nghiệm như Gioan Thánh Giá đã gọi cảm nghiệm tưởng như mất đức tin này là “đêm tối của linh hồn.” Điều này mô tả cảm nghiệm khi chúng ta từng cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa một cách ấm áp và chắc chắn, nhưng bây giờ chúng ta cảm thấy như Thiên Chúa không hiện hữu, và chúng ta bị rơi vào hoài nghi. Đây là những gì Chúa Giêsu đã cảm nghiệm trên thập giá, và cũng là những gì Mẹ Teresa viết trong nhật ký của mình.
Và dù đêm tối tâm hồn đó có gây nhiều hoang mang, nhưng nó cũng có thể làm cho chúng ta trưởng thành. Nó có thể giúp chúng ta ra khỏi sự kiêu căng, phán xét, ra khỏi tình trạng tân tòng, để trở nên những con người khiêm nhượng, cảm thông, sống trong một đám mây vô định, hiểu bằng cách không hiểu, hơn là hiểu, lạc lối nhưng được ơn ích trong một bóng đêm mà chúng ta không thể vận dụng hay điều khiển, để đến cuối cùng chúng ta được đẩy mạnh vào đức tin, đức cậy và đức mến đích thực.
Rev. Ron Rolheiser, OMI – J.B. Thái Hòa chuyển dịch