GIÁ TRỊ CỦA SỰ THINH LẶNG

Cuộc sống của chúng ta được bao phủ bởi rất nhiều tiếng ồn, từ sáng sớm cho đến khi đêm về.  Hơn nữa, trong thế giới hiện đại hôm nay, con người dễ bị cuốn hút bởi những gì náo nhiệt rộn ràng, nhất là tuổi trẻ.  Không mấy ai đam mê những khoảng lặng vô âm.  Tuy vậy, khi trải nghiệm và sống trong tiếng ồn, con người lại cảm thấy mệt mỏi và muốn tìm một chốn bình an, yên tĩnh.  Khi đã rã rời vì tiếng ồn, con người lại khát khao và tìm đến những giá trị của thinh lặng.

Thinh lặng bên ngoài

“Giữa những xao động của nhân thế nổi trôi, giữa những sục sôi tranh chấp trong kiếp người, giữa những đẹp tươi hay ê chề thất bại, con xin dành một cõi rất riêng tư cho Giêsu, Đấng Tình Yêu thẳm sâu.” (“Một Cõi Riêng Tư” nhạc sĩ Thái Nguyên).

Thế giới hôm nay thực sự rất ồn ào và “ô nhiễm.”  Nó khiến cho con người khó có thể thinh lặng.  Facebook, internet, games, điện thoại, các tương quan phức tạp… lôi kéo con người vào trong khía cạnh bất an của nó.  Con người chúng ta cũng dễ bị dẫn dụ vào trong thế giới đó vì nó hấp dẫn và có nhiều mới lạ.  Chính vì thế, con người cũng thích ồn ào với thế giới vui nhộn và đang thay đổi rất nhanh với nhiều hấp dẫn.

Không chỉ thế, có nhiều người cũng thích nói nhiều.  Nó trở nên như là một căn bệnh.  Phải nói thì người đó mới cảm thấy đó là lẽ sống của họ.  Họ nói nhưng còn nói to.  Có người thì phải nói để giữ thế thắng.  Có người nói nhiều để minh chứng khả năng hiểu biết và vốn kiến thức của mình.  Tuy nhiên, càng nói nhiều thì càng chứng tỏ người nói chẳng có gì giá trị.  Vì khi nói nhiều, chúng ta không có khả năng giữ lại những gì sâu sắc.  Nói là khả năng con người dùng để chuyển tải thông tin đến với người khác trong khi đó, nếu chúng ta không có gì giá trị trong lòng thì nói cũng vô ích vì những thông tin đó cũng giống như những âm thanh bên ngoài.  Tạp âm.  Lúc đó, tiếng nói trở thành thứ tiếng ồn gây khó chịu và nó có thể khiến người khác không có thiện cảm đối với người nói.  Nói như thế giống như rượu ngon pha chung với nước lã.  Nó khiến cho nội tâm hay thế giới bên trong mất chiều sâu và trở thành hời hợt.  Rượu lạt.  Giếng cạn.

Thinh lặng bên trong

Henri de Lubac nói rằng: “Chúng ta chỉ trở nên viên mãn khi trở nên trầm lặng trong cuộc sống nội tâm.”[1]  Chiều sâu nội tâm diễn tả kho tàng riêng của mỗi người.  Nếu một người biết thinh lặng, người đó có khả năng thu nhận kiến thức, đúc kết kiến thức, và sử dụng kiến thức một cách hiệu quả.  Hiệu quả ở đây có nghĩa là để cho quyền năng của Chúa tác động trên những lựa chọn của người đó.  Tương tự, giá trị của kết quả có tính thiêng liêng.

Thinh lặng bên trong khiến cho người thủ đắc có một vẻ trầm mặc và điềm tĩnh.  Họ giống như giếng nước trong và rất sâu.  Thực sự, khi nhìn vào con người có nội tâm sâu sắc, người khác bắt gặp một cảm giác bình an, một vẻ thông thái và an nhiên tự tại.  Con người của hòa bình.  Ai đó đã nói rằng: thinh lặng biểu lộ sự khôn ngoan quả là không sai.

Thinh lặng và kiên nhẫn

Khi thinh lặng, chúng ta có thời gian để suy gẫm và hiểu cho kỹ cũng như suy xét cẩn thận về cách sống và cách đối nhân xử thế.  Chúa Giêsu là một mẫu gương tuyệt vời cho thấy mối tương quan giữa thinh lặng nội tâm và sự kiên nhẫn.  Trong Tin mừng Gioan, khi người ta dẫn đến trước mặt Chúa người phụ nữ ngoại tình để gài bẫy Ngài, Chúa Giêsu đã thinh lặng lắng nghe những lời kết án người phụ nữ từ những người cầm quyền Do thái. “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.  Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.  Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.  Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” (Ga 8, 6-9).

Chiều sâu nội tâm nơi Đức Giêsu là sự thinh lặng nơi tòa án khi Ngài bị xét xử.  Đức Giêsu không nói một lời nào bất chấp những lời kết án oan khiên và bị đánh đập.  Tột đỉnh của chiều sâu nội tâm nơi Ngài là sự hy sinh chấp nhận chết trên thập giá, bị xỉ vả, bị làm nhục đủ kiểu nhưng Ngài vẫn lặng thinh và cầu nguyện “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).  Ngài không lên tiếng chửi rủa những kẻ hành hạ Ngài.  Ngài kiên định với kế hoạch cứu độ và vâng phục Thánh ý Chúa Cha: “Lạy Cha, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36).  Sự kiên nhẫn đó cho chúng ta hiểu một chân lý khác đó là tình yêu.  Càng biết thinh lặng, chúng ta càng biết yêu một cách chân thành và yêu bằng cả con tim và tính mạng.  Hay nói đúng hơn, nội tâm sâu sắc hay tình yêu sâu sắc sẽ làm chúng ta biết thinh lặng, và thinh lặng nội tâm diễn tả tình yêu mạnh hơn bất cứ sức mạnh ngoại tại nào.

Thinh lặng và hạnh phúc

Thinh lặng và hạnh phúc nội tại đi liền với nhau.  Có những người thinh lặng vì giận hờn, thinh lặng để dằn mặt, thinh lặng vì không muốn nói, thinh lặng vì không muốn đụng chạm, thinh lặng cho bớt phiền phức.  Thinh lặng kiểu đó như là một bức màn ẩn giấu sự không hài lòng phía sau.  Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn.  Con người không thể giấu cảm xúc của mình qua những cử chỉ thể lý đó.  Tất cả hiện lên trong ánh mắt.  Có người lấy lý do thinh lặng để tránh tiếp xúc với người khác và che lấp sự hiềm khích, nhưng ánh mắt của người đó khó có thể giấu được sự hiềm khích.  Có người giả nai để che đi khiếm khuyết và sai lỗi, nhưng ánh mắt vẫn hiện ra sự sợ sệt lo lắng.  Trong lòng có thì bên ngoài mới thể hiện được cách đồng điệu giữa các yếu tố bên trong và các yếu tố bên ngoài.  “Hữu xạ tự nhiên hương.”

Chính vì thế, thinh lặng phải có hạnh phúc bên trong mới là thinh lặng nội tâm.  Thinh lặng đó giúp con người nên thông thái, khôn ngoan và đem lại hòa bình.  Thinh lặng đó đưa con người vào cầu nguyện, nhờ cầu nguyện, con người thinh lặng cảm thấy hạnh phúc, và tìm kiếm thinh lặng như chốn dung dưỡng sức mạnh tinh thần.  Thinh lặng đó làm cho con người sống, và phát triển cách hạnh phúc chứ không chỉ là một kiểu sống để sống qua ngày mà không hề có sự triển nở trong tâm hồn của bản thân người đó, lại càng không thể đem bình an cho người xung quanh.

Thinh lặng và bình an

Thinh lặng nội tâm mang lại bình an cho chính bản thân và cho những người xung quanh.  Khi biết thinh lặng đúng đắn, chúng ta thể hiện sự khiêm nhường.  Đức tính này giúp con người sống thật với những gì đang xảy đến trong nội tâm và nơi hữu thể mình cũng như sự vật sự việc xung quanh người đó.  Thinh lặng giúp con người có thời gian đủ để suy nghĩ, lựa chọn và quyết định.  Điều đó giảm đi những phản ứng sai lầm, những hành vi thiếu kiềm chế dẫn đến bất hòa bất thuận.

Sự bình an và thinh lặng cũng đưa con người trở về với chính mình và thấy được sự thật của bản thân.  Có những người sợ thinh lặng vì họ phải nghe tiếng lương tâm réo gọi.  Thế nhưng, người yêu mến thinh lặng thì có nhiều cơ hội để trở về gặp lại chính mình, có cơ hội để yêu mình cách đúng đắn.  Người ta thường ví người có nội tâm thâm hậu như một hồ nước phẳng lặng có thể nhìn thấy tận đáy hồ.  Mặt hồ phản chiếu thế giới trên cao.  Nó thể hiện được chiều cao sâu dài rộng của tâm hồn và của tri thức.  Càng biết nhiều, con người càng quảng đại và bình an hơn.

Bình an thật của con người là Chúa.  Trong thinh lặng, con người gặp gỡ được Thiên Chúa.  Đó là lý do vì sao những người muốn gặp Chúa thường tìm vào hoang mạc hoặc những nơi thanh vắng.  Mỗi lần cầu nguyện, Chúa Giêsu đều tìm một nơi thanh vắng để có thể nói chuyện với Cha (Mt 26, 36; Mc 1, 35).  Đây là địa điểm để sống thân tình với Thiên Chúa.  Để ở thân tình hơn, Thiên Chúa cũng dẫn con người vào thanh tịnh. “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2, 16).  Như vậy, nơi thinh lặng của không gian và thinh lặng của tâm hồn, con người gặp gỡ được bình an đích thực.

Thinh lặng và niềm vui cộng đoàn

Khi gặp gỡ được bản thân và gặp gỡ được Thiên Chúa, con người thinh lặng chắc chắn đem lại niềm vui cho môi trường mà họ hiện diện.  Bình an thật thì không im lặng cách chết chóc và ngột ngạt nhưng như một nơi mà gió hoa vạn vật cùng cảm nhận tình yêu thương và gắn kết.  Con người gần gũi nhau hơn, cảm thông hơn và bác ái hơn.  Thinh lặng không đem lại niềm vui thì đó không bao giờ là thinh lặng nội tâm.  Nó là án phạt cho người đó và cả những người xung quanh.  Thinh lặng không niềm vui như liều thuốc độc giết chết tâm hồn người đó vì nó khiến con người cảm thấy bực bội, khó thở, sống lầm lì và các tương quan bị bế tắc.  Có Chúa trong thinh lặng thì thinh lặng lại trở nên sự gắn kết thân tình giữa người với người.  Vì nơi con người thinh lặng, người khác cảm nhận sự khiêm tốn, lòng từ tâm, sự khôn ngoan và ơn bình an.

Thinh lặng níu mở thiên đàng

Thinh lặng nội tâm trong sự sâu lắng và thánh thiện của nó có sức níu mở thiên đàng.  Đức Maria xưa kia đã sống một đời âm thầm trong lắng đọng của một tâm hồn cầu nguyện đã đón nhận ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ đến cho nhân loại.  Đó là việc Thiên Chúa sai Đức Giêsu nhập thể làm người.  Tâm hồn Mẹ khiến cả thiên đàng hoan hỉ vì ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện.  Tiếp theo, Đức Giêsu là Thiên Chúa cao trọng nhưng lại rất đỗi khiêm nhường.  Ngài tự nguyện vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người trong kiếp nhân loại hèn yếu.  Đời sống tịch liêu tự hạ của Ngài đã khiến Chúa Cha phải mở cửa thiên đàng và xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 17).  Lần khác, khi Ngài hấp hối trên thánh giá, bóng tối bao trùm cả mặt đất (x. Mt 27, 45) và bức màn trướng trong Đền thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới.  Đất rung đá vỡ (x. Mt 27, 51).  Tâm hồn thinh lặng thật sự níu mở thiên đàng.  Nếu một người có tâm hồn thinh lặng chắc chắn sẽ được Thiên Chúa tìm đến.

*************

Thinh lặng trong thế giới hôm nay không dễ, thế nên, giá trị của nó đối với bản thân và với thế giới có giá trị lớn lao.  Thế giới hôm nay càng ồn ào càng cần sự thinh lặng bởi con người muốn chìm đắm trong bình an, khao khát hạnh phúc đích thực và mong ước một thế giới hòa bình để chung sống với nhau.  Thực sự, thinh lặng thì khó giữ nhưng nó mang lại những giá trị và hiệu quả đích thực.  Vì thế, con người vẫn luôn tìm kiếm và khát khao.  Trong đời sống thánh hiến, thinh lặng là cơ hội để người tu sĩ cảm nghiệm tình yêu và nên thân tình hơn trong tương quan với Đấng là Bình An.  Người tu sĩ bình an hay người tu sĩ thân tình của Chúa chắc chắn sẽ xây dựng tình thân và đem lại an bình cho những người xung quanh.

Nữ tu Têrêsa Mai Hường
Nguồn: https://daminhtamhiep.net/

[1] Tham khảo https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Nhan-Ban-Thieng-Lieng-On-Goi/Gia-Tri-Cua-Su-Thinh-Lang.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *