Chiều hôm qua, lúc 18h thứ Sáu, 27.03.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành nghi thức ban phép lành Urbi et Orbi cho toàn thế giới trong cơn mưa chiều buồn bã của thành Rôma.
Tuy nhiên, chính trong khung cảnh có vẻ lạnh lẽo ấy, một “hình ảnh sống động” được trang Vaticannews ngay sau đó đưa bản tin với tiêu đề: “Il Crocifisso bagnato dalle lacrime del Cielo” – tạm dịch: THẬP GIÁ THẤM ĐẪM NƯỚC MẮT TRỜI CAO.
Phải chăng, Trời cao đã khóc?
Vâng, có lẽ thế!
– Trời cao đã khóc vì một thế giới đang khổ đau đối mặt với tai ương, dịch bệnh.
– Trời cao đã khóc cho một nhân loại đang oằn mình chiến đấu với hậu quả từ lỗi lầm của một ai đó, hay từ những bất toàn của thế gian này.
– Trời cao đã khóc như một lời đáp trả của Cha Nhân Từ với lời van xin thống thiết của người đứng đầu Dân Ngài là Đức Thánh Cha Phanxicô, và của hàng triệu tín hữu gần xa tham dự trực tuyến: “LẠY CHÚA, XIN HÃY THỨC DẬY.”
– Trời cao đã khóc như một lời nhắn nhủ của Đức Kitô với mọi người và từng người rằng: “CỨ YÊN TÂM, CÓ THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ” (x. Ga 6,20).
Vâng, Trời cao đã khóc!
– Nước mắt Trời cao hòa lẫn với nước mắt của những bệnh nhân vẫn đang gồng mình chống chọi tìm sự sống trong cô đơn, hay trong những khoảnh khắc hấp hối cuối đời, mà không có một cái nắm tay an ủi của người thân kề cạnh.
– Nước mắt Trời cao tuôn chảy cùng biết bao con người sắp mất đi người thân yêu, mà thậm chí không thể gặp gỡ lần cuối để nói một lời từ biệt.
– Nước mắt Trời cao chan hòa trên bờ mi đẫm lệ của những người còn ở lại, bất lực nhìn những chiếc xe quân đội chở quan tài người thân của mình đi chôn cất qua ống kính truyền hình, mà không thể chạm vào, tiễn đưa, đồng hành, đặt một nhành hoa hay thắp một ngọn nến từ biệt.
– Nước mắt Trời cao vẫn luôn chực tràn trên đôi mắt của những người không biết người thân mình giờ đang ở đâu, hay trong tình trạng thế nào, chỉ thấy được qua vài hình ảnh lượm lặt, hay trong một video clip nào đó trôi nổi trên mạng; bởi có một người con sống tại Bergamo – Italia, khi thấy đoàn xe tang đi qua nhà mình, cô ấy đã thốt lên rằng: “Có lẽ, Bố tôi giờ đang nằm trong những chiếc xe tải đó. Cả một đời ông ấy đã sống cho tôi, vậy mà giờ ông ấy phải ra đi lạnh lẽo một mình”.
– Nước mắt Trời cao cảm thấu với hy sinh cao cả của biết bao con người, đang trực tiếp dấn thân chống chọi đại dịch; trong đó, không thể không nhắc đến những anh hùng đã tử nạn vì hy sinh phục vụ người khác: Linh mục người Ý Berardelli, – 72 tuổi đã chết vì nhường máy thở cho bệnh nhân trẻ tuổi hơn.
– Nước mắt Trời cao cũng đã hòa lẫn với nước mắt của các Kitô hữu trong Thánh lễ cuối cùng, trước khi lệnh tạm ngưng các Thánh lễ với đông người tham dự chính thức có hiệu lực.
– Nước mắt Trời cao cũng cuộn trào trong lòng các Linh mục khi cử hành Thánh lễ không còn giáo dân như một Linh mục chia sẻ: “Khi giang tay đọc: Chúa ở cùng anh chị em, không một lời thưa, chẳng một lời đáp… mà lòng muốn khóc!”
– Nước mắt Trời cao hẳn như đang muốn xóa nhòa nỗi lo sợ của biết bao con người: Lo sợ vì thấy những con số ca nhiễm, người chết cứ tăng dần đều trên màn ảnh; lo sợ vì nghe tiếng còi xe cấp cứu ngoài kia cứ khoảng dăm mười phút lại ầm ĩ một lần; lo sợ vì không biết người mình đang giao tiếp có nhiễm bệnh hay không…
– Nước mắt Trời cao chắc chắn vẫn đang lặng lẽ chảy trong lòng chúng ta – những con người đang trăn trở về một điều gì đó: những người trẻ lo cho ông bà, ông bà lo cho các cháu, chính phủ lo cho công dân, người chủ gia đình lo về cái ăn cái mặc ngày mai không biết thế nào, các chủ doanh nghiệp lo không biết lấy gì để trả lương cho nhân viên, các mục tử lo cho phần thiêng liêng của các tâm hồn tín hữu khi mọi cử hành phụng vụ phải tạm dừng… Những ngày dài vô tận, những đêm dài thức trắng, những con đường trống vắng, những quảng trường, chợ búa, quán ăn tấp nập ngày nào nay không bóng người qua lại…; và, tất cả mơ về những điều bình thường của cuộc sống trước đây.
Vâng, ngày hôm qua,
THẬP GIÁ ĐÃ THẤM ĐẪM NƯỚC MẮT TRỜI CAO
Nước mắt từ Trời cao rơi xuống như hòa lẫn với dòng máu chảy ra từ cạnh sườn của Đấng vì yêu nên đã làm người.
Và điều đó chứng tỏ rằng:
– Dù thế nào, Chúa vẫn ở đó – nước mắt của Ngài hòa lẫn với nước mắt thống khổ của nhân loại này.
– Dù thế nào, Thập Giá đồi Calvê vẫn ở đó – lặng lẽ nhưng hiên ngang, âm thầm mà sống động, nhỏ bé nhưng vẫn đủ sức gánh đỡ những gánh nặng khổ đau của nhân loại này.
Vậy,
– Nếu một Thiên Chúa làm người đã tự nguyện vác lấy cây Thập Giá, để gánh đỡ những gánh nặng của ta… thì ta được khích lệ đón lấy những thập giá đời mình trong bình an.
– Và, nếu nước mắt từ Trời cao đã hòa lẫn với nước mắt thống khổ của nhân loại này, thì nếu có phải khóc, hãy cứ tiếp tục khóc, nhưng khóc trong niềm tin tưởng, và khóc với niềm hy vọng… tất cả rồi sẽ ổn thôi, vì “Cứ yên tâm, có Thầy đây, đừng sợ” (x. Ga 6,20)
Đaminh Thứ Trưởng
Rôma 28.03.2020
Nguồn https://dongten.net/2020/03/28/thap-gia-tham-dam-nuoc-mat-troi-cao/