TÌNH YÊU, LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ ÂN SỦNG

Chúng ta mong đợi điều gì khi chúng ta quay trở về với Chúa trong Mùa Chay này?

Hãy nghĩ xem thiên đàng khác với trái đất (trần gian) như thế nào.  Trên trần gian, tội lỗi tiếp tục làm tổn thương con người mỗi ngày.  Trên thiên đàng, không chỉ không có tội lỗi, mà còn không có cám dỗ.  Trên trái đất, các gia đình, các khu phố và thậm chí toàn bộ các quốc gia chia rẽ nhau, thường là vì những vấn đề rất nhỏ.

Trên thiên đàng, có sự hài hòa và nền hòa bình hoàn hảo.  Trên trái đất, có bệnh tật và đau khổ.  Trên thiên đàng, mọi giọt nước mắt đã được lau khô và tất cả các rối loạn về thể chất và tinh thần đều được chữa lành.  Trên trần gian, hàng triệu người phải chịu đựng những hậu quả của nghèo đói.  Trên thiên đàng, mọi người đều được chăm sóc như nhau và rất tế nhị, ân cần.

Thiên đàng nghe quá hấp dẫn, phải không?  Không có gì lạ khi Kinh Thánh kết thúc với lời cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22,20)!  Không có gì ngạc nhiên khi tất cả chúng ta khao khát một ngày khi tội lỗi không còn nữa, và khi chúng ta được đưa vào trong sự hoàn hảo của vương quốc thiên đàng của Chúa Giêsu!  Chúng ta biết ngày đó đang đến, nhưng cho đến khi nó xảy ra, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt hy vọng vào Người.  Chúa không muốn chúng ta nản lòng trước tình trạng của thế giới hay tình trạng của chính cuộc sống của chúng ta.  Người muốn giúp chúng ta, chữa lành chúng ta và cứu chuộc chúng ta để chúng ta có thể đến gần hơn với sự hài hòa hoàn hảo của thiên đàng ở đây trên trần gian.  Và vì thế Chúa mời gọi mỗi chúng ta: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2,12).  Lời kêu gọi trở về với Chúa này nghe có vẻ đáng sợ, đặc biệt là trong một mùa như Mùa Chay, với sự nhấn mạnh vào sự ăn năn và sự từ bỏ mình (sự hy sinh).  Do vậy, chúng ta hãy nhìn vào ba sự thật trung tâm về đức tin của chúng ta sẽ giúp chúng ta dễ dàng đến gần với Chúa hơn trong Mùa Chay này.

Hãy Hướng Về Thiên Chúa Đấng Là Tình Yêu.  Thiên Chúa đã từng nói với dân của Người rằng: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?  Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).  Chúa đã từng nói với ông Giôsua: “Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi” (Gs 1,5).  Và Chúa Giêsu tiếp tục nói với chúng ta: “Thầy ở cùng anh em cho đến ngày tận thế” (Mt 28,20).

Đời này đến đời kia, Thiên Chúa bảo đảm với dân của Người rằng Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi họ.  Và Chúa làm điều này không chỉ bằng lời nói.  Tất cả mọi hành động của Chúa đều cho chúng ta thấy một chiều kích khác về việc Chúa yêu chúng ta sâu sắc như thế nào.  Chúa đã cho thấy điều đó khi giải cứu dân Israel khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập.  Chúa đã cho thấy điều đó khi Chúa gọi Đavít để lôi kéo dân Chúa vào một vương quốc.  Chúa đã cho thấy điều đó khi Chúa hứa sẽ đưa dân Israel trở về sau thời lưu đày ở Babylon.  Và hơn bất cứ nơi nào khác, Thiên Chúa đã cho thấy điều đó khi sai Con Một của mình đến để mặc lấy thân phận người phàm và hiến mạng sống mình trên thập giá vì chúng ta.

Chúng ta có thể kiểm tra những lời nói và hành động của Thiên Chúa để thấy tình yêu của Người, nhưng trong phân tích cuối cùng, cho thấy rằng chỉ bằng niềm tin chúng ta có thể bắt đầu trải nghiệm tình yêu đó.  Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1).  Khi chúng ta thực hành đức tin của mình, tất cả những gì chúng ta hy vọng vào Chúa Kitô có thể trở thành hiện thực đối với chúng ta, mặc dù chúng ta không thể thực sự nhìn thấy nó.  Mỗi khi chúng ta cầu nguyện, mỗi khi chúng ta cử hành (lãnh) các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể nói: “Lạy Chúa Giêsu, con biết Chúa đang ở cùng con.  Con tin vào Chúa; xin hãy cho con thấy tình yêu của Chúa.”  Đây là một lời cầu nguyện mà Chúa thích trả lời và đôi khi theo những cách đáng ngạc nhiên!

Hãy Hướng về Thiên Chúa Đấng Thương Xót.  Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Gioan Tẩy Giả nói rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).  Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi của chúng ta.  Chúng ta công bố sự thật này vào mỗi Chúa nhật qua Kinh Tin Kính trong Thánh lễ.  Nhưng đâu là trải nghiệm sự tự do đến từ hành động của lòng thương xót của Chúa Giêsu?

Một ngày nọ, một giáo viên môn tôn giáo đã yêu cầu một trong những sinh viên của mình lên bảng và bắt đầu viết ra những tội lỗi phổ biến nhất.  Học sinh bắt đầu viết những từ như nói dối, giận dữ, ăn cắp, ghen tuông và ham muốn.  Khi anh ta viết từng tội lỗi, giáo viên ở ngay sau anh ta với một khăn lau bảng, xóa sạch các từ.  Thầy giáo nói với các sinh viên rằng: “Đây là cách Thiên Chúa nhanh chóng tha thứ cho chúng ta khi chúng ta cầu xin.  Khi Thiên Chúa tha thứ cho bạn, tội lỗi của bạn sẽ biến mất, được xóa sạch.  Tất cả những gì còn lại là tình yêu của Chúa dành cho bạn.”

Khi chúng ta đi xưng tội, chúng ta có thể trải nghiệm điều gì đó giống như sinh viên đó đã trải nghiệm trong lớp học môn tôn giáo của mình.  Không phải lúc nào cũng dễ dàng thú nhận tội lỗi của chúng ta, đặc biệt là vì nó có nghĩa là công khai thú nhận những thất bại của chúng ta với một linh mục.  Nhưng khi chúng ta lên tiếng xưng thú tội lỗi của mình và sau đó nghe những lời tha tội, Chúa Thánh Thần đến và trút bỏ gánh nặng tội lỗi khỏi chúng ta, ngay khi giáo viên đó xóa bỏ những từ trên bảng.  Những tội lỗi đã biến mất và thay vào vị trí của chúng là sự thương xót của Đấng đã nói: “Ta cũng không lên án con đâu” (Ga 8,11).

Hãy quay về với Thiên Chúa Đấng Chan Chứa Ân Sủng.  Con người chúng ta đầy những mâu thuẫn.  Chúng ta muốn trở nên tốt, tử tế và yêu thương, nhưng tất cả rất thường xuyên cuối cùng chúng ta đưa ra những lựa chọn làm tổn thương mọi người, đặc biệt là những người gần gũi nhất với chúng ta.  Chúng ta muốn ở gần với Thiên Chúa, nhưng nó có thể rất dễ rơi vào sự bất tuân.  Chúng ta không muốn phạm phải bất kỳ tội lỗi nào, nhưng chúng ta thường thấy mình làm điều mà chúng ta không muốn làm.

Thánh Phaolô đã nhìn thấy trận chiến này trong tâm trí của chính mình.  Thánh nhân thực sự yêu mến Chúa Giêsu và chân thành muốn phục vụ Giáo Hội bằng cả cuộc đời.  Nhưng đối với tất cả những lời rao giảng về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, Thánh Phaolô đôi khi có thể là một lực lượng của sự chia rẽ và thù địch.  Phaolô đã tranh luận với tông đồ của mình là Banaba về một quyết định truyền giáo, tranh luận rất nhiều đến nỗi hai người chia tay nhau trong giận dữ (x. Cv 15,36-40). Phaolô đã chọn cách nói chuyện với Thánh Phêrô trước mặt các tín hữu ở Antiôkia, thay vì kéo Phêrô sang một bên và nói chuyện riêng với ngài (x. Gl 2,11-14).  Phaolô thậm chí còn đi xa đến mức mong muốn một hình thức báo thù đặc biệt về kẻ thù của mình (x. Gl 5,11-12).

Nhưng Phaolô đã nhận thức đầy đủ về những điểm yếu và những thất bại của mình.  Phaolô đã từng kêu lên rằng: “Tôi thật là một người khốn nạn!  Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,24).  Và ngay lập tức, ngài vui mừng trong câu trả lời: “Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,25).

Bí mật của Phaolô là gì?  Thông qua kinh nghiệm của chính mình về lòng thương xót của Thiên Chúa, ngài đã học được rằng: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).  Thánh nhân biết rằng cho dù ngài có phạm bao nhiêu tội lỗi, thì ân sủng dồi dào của Thiên Chúa sẽ luôn vượt trội hơn những tội lỗi ấy.  Ngài biết rằng ân sủng chan chứa của Thiên Chúa đủ sức mạnh để biến đổi cả tâm hồn ương bướng của mình, vì vậy ngài luôn có niềm hy vọng.  Phaolô tiếp tục xác tín lời hứa: “Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người (Chúa Kitô)” (2 Tm 2,12).  Ân sủng của Chúa Giêsu sẽ không bao giờ làm ngài thất vọng.

Hãy tin rằng sức mạnh cứu độ của Chúa Giêsu lớn hơn sức mạnh của những thói quen tội lỗi của bạn.  Hãy tin rằng ân sủng của Thiên Chúa luôn sẵn sàng giúp bạn thay đổi.  Hãy nhớ rằng, bạn có thể thấy mình là một tội nhân khủng khiếp.  Nhưng đó không phải là cách mà Chúa nhìn thấy bạn.  Chúa xem bạn như đứa con yêu dấu của Chúa và Chúa muốn giúp bạn trở nên giống Chúa hơn mỗi ngày.

Một Lời Mời Độ Lượng.  Tình Yêu.  Lòng Thương Xót.  Ân Sủng.  Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta quay về với Chúa trong bốn mươi ngày tới để Chúa có thể ban những món quà này cho chúng ta.  Chúa hứa rằng nếu chúng ta nhận lấy lời mời của Chúa mỗi ngày khi cầu nguyện, đức tin của chúng ta sẽ lớn lên và cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi.  Chúng ta sẽ tìm thấy một sức mạnh nội tâm từ Chúa Thánh Thần để giúp chúng ta vượt qua cám dỗ và tội lỗi.

Lời mời này có hai mặt.  Về phần Thiên Chúa, Chúa sẽ làm sâu sắc kinh nghiệm và niềm tin của chúng ta vào tình yêu, lòng thương xót và ân sủng của Chúa.  Bởi vì Chúa quan tâm đến chúng ta, Chúa sẽ đánh động lương tâm của chúng ta khi chúng ta đối diện với cám dỗ.  Và Chúa sẽ giúp chúng ta trở nên tử tế, kiên nhẫn và yêu thương hơn.  Do đó, chúng ta hãy cố gắng sẵn sàng với Thánh Thần của Chúa trong ngày sống.  Hãy tìm những cách mà Thánh Thần đang thúc đẩy bạn và thúc giục bạn ở gần Chúa.

Về phần mình, chúng ta cần dành thời gian cho việc cầu nguyện, sao cho nó thành chương trình trong giờ cầu nguyện hàng ngày, ngay cả khi đó chỉ là mười hoặc mười lăm phút mỗi ngày – nhờ đó chúng ta có thể chạm vào ân sủng của Chúa.  Sau đó, trong suốt ngày sống, chúng ta cần cố gắng hết sức để nói không với cám dỗ và thưa vâng với các mệnh lệnh của Thiên Chúa và lời hứa của Chúa để trợ giúp chúng ta.  Như thánh Phaolô đã viết, chúng ta phải cố gắng “cởi bỏ con người cũ” với lối sống xưa kia của chúng ta và “mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22.24).

Có thể khó thay đổi cuộc sống của chúng ta.  Nhưng chúng ta không đơn độc.  Với sự trợ giúp đỡ tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta có thể tiến bộ trong Mùa Chay.

Điều đó có thể mất thời gian.  Bạn có thể không luôn luôn thành công.  Nhưng khi thời điểm Phục Sinh đến, bạn có thể chắc chắn bạn sẽ thấy một số thay đổi tích cực, đáng khích lệ trong cuộc sống của bạn.  Có lẽ bạn sẽ có nhiều khát vọng cầu nguyện hoặc đi Lễ.  Bạn có thể tiếp cận một tình huống căng thẳng hoặc khó khăn với sự bình an hơn.  Hoặc có thể Chúa sẽ làm mềm lòng bạn để bạn sẵn sàng và có thể tha thứ.

Vì thế, chúng ta hãy quyết định phải hết lòng trở về với Chúa trong Mùa Chay này.  Chúng ta hãy cầu xin Chúa đến và lấp đầy chúng ta bằng tình yêu, lòng thương xót và ân sủng của Chúa.  Chúng ta hãy làm những gì chúng ta có thể để mở cánh cửa trái tim của chúng ta và thưa lên rằng: “Lạy Chúa Giêsu, con sẽ tiếp đón Chúa”.

Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo The Word Among Us, Lent 2019 Issue