Rước Lễ thiêng liêng là bảo tồn đời sống Thánh Thể và tình yêu liên tục cho người mến yêu Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhờ việc Rước Lễ thiêng liêng, các ước muốn yêu đương kết hợp với Chúa của linh hồn được thỏa mãn. Ngài là Đức Lang Quân của linh hồn.
Rước Lễ thiêng liêng là hợp nhất thiêng liêng giữa linh hồn với Chúa Giêsu trong Bánh Thánh. Sự hợp nhất này tuy thiêng liêng nhưng cũng thực sự, còn thực sự hơn sự hợp nhất của hồn và xác, vì như lời thánh Gioan Thánh giá nói: “Linh hồn sống nhiều nơi nó yêu hơn là nơi nó sống.”
Tin, Yêu Và Ước Ao
Điều hiển nhiên là, Rước Lễ thiêng liêng đòi phải có đức tin vào sự hiện diện thực tại Chúa Giêsu trong Nhà Tạm, việc này ngụ ý rằng ta yêu thích Hiệp Lễ cách Bí tích, và đòi biết ơn về những ơn Chúa ban trong Bí tích này. Những điều vừa kể được tóm tắt trong lời sau đây của thánh Anphongsô:
“Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa đang hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể.
Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và con luôn khao khát được rước Chúa ngự vào lòng con.
Song bây giờ con chẳng thể rước Mình Thánh Chúa,
thì ít nữa xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng.
Ngay khi Chúa đến,
Con giữ chặt Chúa và toàn thể con người con kết hiệp với Chúa,
xin đừng bao giờ để con phải xa lìa Chúa. Amen”
Thánh Thoma Aquinô và Anphongsô đều dạy, Rước Lễ thiêng liêng sinh hiệu quả như Rước Lễ thật, nhưng còn tùy ta dọn mình kỹ hay không, và ao ước nồng nhiệt ơn Chúa ban hay không, yêu mến Chúa nhiều hay không khi đón rước Chúa.
Một lợi ích đặc biệt về việc Rước Lễ thiêng liêng là ta có thể rước mỗi ngày bao nhiêu lần tùy ý, có thể hàng trăm lần, rước khi nào ta muốn, bất kể đêm ngày, rước nơi nào ta muốn, bất kể nơi đồng ruộng, trên máy bay hay trên mặt đất.
Điều thích hợp hơn là khi ta dự lễ mà không thể Rước Lễ cách thật được, khi chủ tế đang rước Mình Thánh Chúa, ta mời Chúa vào lòng ta. Bằng lối này, lễ nào ta dự cũng nên trọn với của lễ dâng, với Hy tế Thánh và việc Hiệp Lễ.
Hai Chén Thánh
Trong một cuộc thị kiến, chính Chúa Giêsu đã giải nghĩa cho thánh nữ Catarina Siena việc Rước Lễ Thiêng liêng quí trọng làm sao, thánh nữ sợ rằng Rước Lễ Thiêng liêng không sánh được với Rước Lễ thật. Chúa cầm đến hai bình đựng Mình Thánh và phán: “Trong bình vàng này Cha đựng các lần con Rước Lễ thật, còn trong bình bạc Cha đựng các lần con Rước Lễ thiêng liêng, cả hai bình đều rất đẹp lòng Cha.”
Lần khác, Chúa nói với thánh nữ Magarita Maria Alacoc, khi bà nóng nảy ước ao rước Chúa trong Nhà Tạm: “Cha yêu đương linh hồn khát khao đón rước Cha lắm, đến nỗi Cha vội đến với nó mỗi khi nó nóng lòng đến với Cha.”
Thật không khó gì để tìm hiểu các thánh quí mến Rước Lễ thiêng liêng chừng nào. Ít ra Rước Lễ thiêng liêng cũng thỏa phần nào lòng mong ước được kết hợp với Đấng Mến yêu. Chính Chúa đã phán: “Hãy ở trong Ta, Ta sẽ ở trong con.” (Jn 15,4).
Rước Lễ Thiêng liêng làm ta được kết hợp với Chúa ngay khi ta ở xa nhà thờ. Chẳng còn cách nào khác để thoa dịu nguồn khao khát đốt cháy tâm hồn các thánh. “Lạy Chúa, như nai rừng khát nước, hồn con khát mong Chúa.” (Tv 41,2).
Đây là những thở than của các thánh, thánh Catarina Genoa kêu lên: “Ôi Bạn Tình Chí Thánh của hồn con, con hết lòng ao ước được ở cùng Chúa đến nỗi con hầu chết, nhưng con gắng sống để được Rước Chúa”.
Á thánh Agatha thánh giá cảm nghiệm sâu xa Chúa trong Thánh Thể, đến nỗi bà nói: “Nếu cha linh hồn không dậy tôi cách Rước Lễ thiêng liêng thì tôi không sống được.”
Thánh nữ Maria Phanxicô Năm dấu lấy việc Rước Lễ thiêng liêng là cách thoa dịu các vết thương của người khi phải ở nhà, xa Đấng người yêu mến, nhất là khi người không được Rước Lễ. Những lúc như vậy, người quì gối trên nền nhà, hướng về nhà thờ, nước mắt lăn trên gò má than thở: “Lạy Chúa Giêsu, phúc cho những ai hôm nay được rước Chúa, phúc cho tường nhà thờ canh giữ Chúa tôi, phúc cho các linh mục luôn ở gần Giêsu rất đáng kính mến.” Chỉ có Rước Lễ thiêng liêng mới làm người nguây ngoai đôi chút.
Trong Ngày Sống
Đây là lời khuyên của cha Piô gửi cho con thiêng liêng người: “Trong ngày, khi con không được phép làm cách khác, hãy gọi Chúa Giêsu, ngay cả khi con đang bận rộn nhất, với niềm ước vọng không ngơi của linh hồn, Chúa sẽ đến ở lại với hồn con bằng ơn thánh và tình yêu thánh của Chúa.
Hãy bay cách thiêng liêng tới Nhà Tạm, khi xác con không ở đấy được, nơi đó, con hãy bộc lộ những ao ước nồng nhiệt của thần trí con, hãy ôm ẵm lấy Đấng hồn con yêu mến, tốt hơn nữa là khi con được phép rước Chúa cách thật sự.”
Chúng ta cũng hãy lợi dụng ơn cao trọng này. Chẳng hạn khi ta bị thử thách đau thương hay cảm thấy bị bỏ rơi, nào còn có gì giá trị cho ta bằng làm bạn với Chúa Thánh Thể qua việc Rước Lễ thiêng liêng?
Có thể thực hành việc thánh thiện này cách dễ dàng để lấp đầy cả ngày sống của ta với những tác động và những cảm tình mến yêu, và cũng có thể làm ta sống với tâm hồn ấp ủ tình mến được đổi mới luôn, hầu như không bị gián đoạn.
Thánh Angela Merici thích Rước Lễ Thiêng liêng lắm. Không phải người chỉ năng Rước Lễ Thiêng liêng và khuyến khích người ta như vậy, mà người còn lưu lại cho con cái trong Dòng để chị em sau này hằng thực hiện điều đó.
Ta phải nói về thánh Phanxicô Salesiô thế nào? Đời người chẳng khác gì như một chuỗi lần Rước Lễ thiêng liêng sao? Người quyết tâm Rước Lễ thiêng liêng ít nhất mỗi mười lăm phút.
Thánh Maximiliên Kolbe cũng quyết tâm tương tự ngay từ thời còn trẻ.
Anrê Baltrami, Tôi tớ Chúa để lại cho đời một trang nhật ký vắn tắt làm như chương trình sống với Chúa Giêsu qua việc Rước Lễ thiêng liêng không ngừng. Người viết: “Bất cứ ở nơi nào tôi cũng nghĩ tới Chúa Thánh Thể, tôi để tâm trí tôi ở Nhà Tạm, ngay cả ban đêm khi tôi thức giấc, ở nơi nào tôi cũng thờ lạy Chúa, kêu tới Chúa, dâng lên Chúa các việc tôi làm.
Tôi lập một đường điện tín từ phòng học tới nhà thờ, đường khác từ phòng ngủ, đường khác nữa từ phòng ăn, và thường mỗi khi có thể, tôi gửi tới Chúa Giêsu Thánh Thể những lời nhắn nhủ mến yêu.” Ta có thể hiểu dòng tình yêu thần thánh đã chuyển qua những đường điện tín quí báu này là thế nào.
Ngay Cả Ban Đêm
Các thánh nôn nóng dùng những phương thế này hoặc những phương thế thánh thiện tương tự để tìm lối thoát cho lòng tràn ngập kính mến của các ngài. Các ngài chẳng bao giờ thấy cố gắng yêu mến đủ. Thánh nữ Phanxica Cabrini phát biểu: “Càng mến Chúa, con càng thấy mến Chúa ít. Con muốn mến Chúa hơn nhưng con không có sức, xin Chúa mở rộng lòng con.”
Thánh Roch bị tù 5 năm với án lệnh nghiêm khắc. Trong tù người luôn chăm chú nhìn lên phía cửa sổ và cầu nguyện. Lính gác hỏi người:
– Ông làm gì thế?
Người trả lời:
– Tôi nhìn về phía tháp chuông nhà thờ, tháp chuông nhắc tôi nhớ đến nhà thờ, Nhà Tạm và Chúa trong Thánh Thể, đã nối kết không thể cách biệtvới lòng tôi.
Cha Sở thánh xứ Ars nói với giáo dân:
– Nhìn cây tháp nhà thờ các con có thể nói: “Chúa Giêsu ở đó, vì ở đó có linh mục dâng lễ.”
Á thánh Lui Guanella, khi đi du lịch bằng xe lửa với khách hành hương qua nhiều đền thờ khác nhau, người thường nhắc nhớ hành khách hướng lòng trí về Chúa Giêsu mỗi khi người trông thấy cây tháp thánh đường, người nói: “Cây tháp chỉ nơi có nhà thờ, nơi có Nhà Tạm, có thánh lễ, và có Chúa Giêsu ngự ở đó.”
Ta hãy noi gương các thánh, các ngài chỉ cần một chút khơi động là có thể bùng lên ngọn lửa trong trái tim mình. Ta hãy dốc quyết Rước Lễ Thiêng liêng nhiều lần trong ngày, cả những khi bận rộn. Chẳng mấy chốc lửa tình yêu sẽ thấm nhập vào ta.
Thánh Leonard Maurice nói những điều rất an ủi này: “Nếu bạn tập Rước Lễ thiêng liêng nhiều lần mỗi ngày, thì chỉ trong một tháng, bạn sẽ thấy mình đổi mới hoàn toàn.” Một tháng thôi mà, có khó chi mô!
Sưu tầm