HÌNH DUNG RA ÂN SỦNG

Chúng ta hãy tưởng tượng điều này: một người hoàn toàn không lo gì về đời sống đạo đức và thiêng liêng trong suốt đời mình, sống tuyệt đối ích kỷ, lạc thú là điều duy nhất họ chạy theo suốt đời.  Họ sống bất chấp mọi khuôn khổ, không bao giờ cầu nguyện, không bao giờ đi nhà thờ, đời sống tình dục phóng túng và không quan tâm đến bất cứ ai ngoài mình.  Sống như thế suốt đời, cuối đời họ bị bệnh và trên giường chết, họ khóc lóc ăn năn, họ chân thành xưng tội, nhận bí tích Thánh Thể và qua đời trong ân phúc của nhà thờ và bạn bè.

Bây giờ nếu phản ứng của chúng ta là: “Tốt, người này may mắn!  Ông sống suốt đời ích kỷ và ông lên thiên đàng!”  Vậy thì theo nhà thần học Piet Fransen nổi tiếng về Ân sủng, chúng ta chưa hiểu như thế nào là ân sủng.  Trong chừng mực nào đó, chúng ta vẫn còn ghen tị với người vô đạo đức và muốn loại họ ra khỏi ân sủng của Chúa, chúng ta là “người con cả” trong câu chuyện Người con hoang đàng trở về, đứng trước căn nhà của Người cha trên trời mà lòng cay đắng ghen tương.

Tôi giảng dạy ở chủng viện, chuẩn bị cho các chủng sinh chịu chức linh mục.  Gần đây giáo sư thần học bí tích của chúng tôi chia sẻ điều này: Ông dạy môn bí tích hòa giải từ hơn bốn mươi năm nay, và chỉ vài năm gần đây các chủng sinh mới hỏi: “Khi nào chúng ta mới phải từ chối không ban phép giải tội?”

Điều gì nói lên trong câu chuyện này?  Chắc chắn các chủng sinh rất chân thành khi đặt câu hỏi; họ không tỏ ra cứng nhắc hay nghiêm khắc.  Lo lắng của họ là về ân sủng và lòng thương xót.  Họ chân thành lo để không ban lòng thương xót Chúa một cách quá dễ dãi, quá rẻ tiền, bừa bãi, thực chất là bất công.  Nỗi sợ của họ vừa không muốn để lòng thương xót Chúa bị giới hạn, vừa không muốn duy chỉ có lòng thương xót.  Không phải như vậy.  Quan tâm của họ nhiều hơn, nếu dễ dãi quá thì sẽ bất công với các tín hữu trung thành chịu đựng thử thách hàng ngày.  Lo sợ của họ là liêm khiết, công bằng và công trạng.

Cái gì là thách thức ở đây?  Ân sủng này không phải là cái gì do công sức chúng ta.  Sau khi người thanh niên trẻ từ chối lời mời gọi bỏ hết mà theo Chúa Giêsu, thì Thánh Phêrô, người có mặt trong buổi gặp này, ngược với chàng trai trẻ giàu có, ông bỏ hết theo Chúa và hỏi Chúa những người bỏ hết theo Ngài sẽ nhận được gì.  Để trả lời, Chúa Giêsu kể dụ ngôn người chủ hào phóng với các người xin vào làm vườn nho bất kể giờ nào.  Người làm nhiều giờ, người làm ít giờ đều nhận số lương bằng nhau, làm cho những người làm suốt ngày nóng nực cay đắng cảm thấy mình bị đối xử bất công.  Nhưng người chủ vườn nho (là Chúa) cho họ thấy không có bất công ở đây, mọi người đều đã được nhận phần mình quá hào phóng.

Đâu là bài học sâu sắc ở đây?  Mỗi lần chúng ta phản đối, thật bất công khi những người không trung thành cũng nhận được lòng thương xót và ân sủng của Chúa, thì chúng ta xa với sự hiểu biết về ân sủng và về đời sống nội tâm.

Cô nhân viên vệ sinh răng miệng biết tôi là linh mục công giáo, cô hay đặt nhiều câu hỏi về tôn giáo và giáo hội.  Một ngày nọ cô kể câu chuyện sau: cha mẹ cô không bao giờ đi nhà thờ.  Họ có cảm tình với tôn giáo nhưng không quan tâm đến.  Còn cô thì theo phái Giám lý, chủ yếu là do ảnh hưởng của bạn bè.  Rồi mẹ cô qua đời, và khi gia đình bàn về việc tổ chức tang lễ thì cha của cô cho biết bà đã được rửa tội theo đạo công giáo, và không giữ đạo từ khi hai tuổi.  Ông đề nghị tổ chức theo nghi lễ công giáo cho bà.  Vì không giữ đạo từ lâu, họ hơi lo lắng khi gặp linh mục ở giáo xứ bên cạnh để xin tang lễ được làm theo nghi thức công giáo.  Trước sự ngạc nhiên to lớn của họ, vị linh mục không ngần ngại, cha nồng nhiệt đón họ: “Dĩ nhiên chúng tôi sẽ cử hành tang lễ!  Đây là vinh dự cho chúng tôi! Và chúng tôi sẽ sắp xếp để có ca đoàn hát lễ và sẽ có buổi tiếp tân ở hội trường giáo xứ sau đó.”

Không đòi hỏi gì về sự vắng mặt cả đời của bà ở nhà thờ.  Bà được chôn cất theo nghi thức Giáo hội… và cha của cô, quá xúc động trước sự quảng đại của nhà thờ và nét đẹp của nghi thức phụng vụ đã quyết định trở thành người công giáo la mã.

Chúng ta sẽ tự hỏi kết quả sẽ như thế nào nếu linh mục từ chối làm tang lễ, và cũng tự hỏi điều gì biện minh cho tang lễ của một người cả đời chẳng quan tâm gì đến nhà thờ.  Chúng ta cũng sẽ tự hỏi có bao nhiêu người sẽ thấy câu chuyện này là khích lệ hay là bực mình, vì theo luân lý giáo hội ngày nay, nhiều người trong chúng ta còn nuôi nỗi sợ không nhận được ơn và lòng thương xót quá dễ dàng.

Nhưng ân sủng và lòng thương xót không bao giờ có giá, dù rẻ dù đắt vì tình yêu không bao giờ là chuyện xứng công mới được

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *