Quyển sách mới đây của Robyn Cadwallander, “Nữ ẩn sĩ” (The Anchoress) kể về Sarah, một phụ nữ trẻ chọn khép mình khỏi thế giới và sống như một ẩn sĩ (như Julian thành Norwich vậy). Đây không phải là đời sống dễ dàng và cô sớm nhận ra mình phải đấu tranh với lựa chọn này. Cha giải tội cho cô là cha Ranaulf, một tu sĩ trẻ, không nhiều kinh nghiệm. Mối liên hệ giữa họ cũng không dễ dàng. Cha Ranaulf là người ngại ngùng và ít nói nên Sarah thường thấy chán khi gặp cha, cô muốn cha nói thêm, muốn cha đồng cảm hơn và đơn giản muốn cha hiện diện rõ hơn với cô. Họ thường xuyên bàn luận, hay ít nhất là Sarah thường cố moi thêm lời nói và đồng cảm từ cha Ranaulf. Nhưng bất kỳ lúc nào cô cố gắng làm thế, cha Ranaulf đều gián đoạn buổi xưng tội và rời đi.
Một ngày nọ, sau một buổi xưng tội cực kỳ đáng chán khiến cha Ranaulf cứng lưỡi và Sarah giận dữ, cha chỉ đóng cánh cửa tòa giải tội, một phản ứng thông thường của cha khi căng thẳng, khi có điều gì đó trong cha không muốn cho cha bỏ đi. Cha biết là mình phải cho Sarah một điều gì đó, nhưng cha không có lời lẽ nào để làm được. Và, khi không có gì để nói ngoài cảm giác mình buộc phải rời đi, cha đơn giản là ngồi đó trong thinh lặng. Ngược đời thay, sự bất lực câm nín của cha lại đạt được một điều mà những lời nói của cha không làm được, đó là một bước đột phá. Lần đầu tiên, Sarah cảm thấy sự quan tâm và đồng cảm của cha, cũng như sự hiện diện của cha với mình.
Và lời văn của Cadwallander mô tả đoạn này như sau:
“Cha hít một hơi thật sâu rồi từ từ chậm rãi thở ra. Cha không còn điều gì để nói, nhưng cha không để cô ấy ở đây một mình trong tâm trạng cay đắng được. Vậy nên cha vẫn ngồi lại trong tòa giải tội, cảm nhận sự trống trải của phòng xưng tội quanh mình, cảm nhận sự thất bại của việc học, của những từ ngữ mà cha đã ghi khắc trong đầu, trang này đến trang khác, tầng này đến tầng khác. Cha không thể mở miệng, nhưng cha có thể ở lại, và cha làm thế. Cha bắt đầu cầu nguyện trong thinh lặng, nhưng không biết bắt đầu thế nào, không biết phải xin gì. Cha bỏ cuộc, và thở chậm rãi từ từ.
Sự thinh lặng bắt đầu như một điều gì đó thật vụn vặt và đáng sợ, đậu trên rìa cửa sổ tòa giải tội, nhưng khi cha Ranaulf ngồi đó trong tĩnh mịch, nó dần dần, rất chậm rãi, lớn lên, và tràn khắp gian phòng, cuộn chặt quanh cổ và vòng lấy lưng cha, cuốn quanh đầu gối và đôi bàn chân cha, tràn lên các bức tường, lấp đầy các ngóc ngách, len lỏi vào cả các khe tường đá.… Sự thinh lặng trườn qua các khe hở và len vào cả gian phòng bên trên. Dường như nó thật êm ái mềm mại. Nó tràn ra và vững vàng, nó chiếm lấy mọi khoảng không. Cha Ranaulf ngồi bất động, không nhúc nhích, cha đã mất hết mọi khái niệm về thời gian. Mọi sự cha biết là có một phụ nữ đang cách cha một sải tay, trong bóng tối, và đang thở. Vậy là đủ.
Khi ánh nến trong gian phòng mờ dần đi, cha nhúc nhích, cha nhìn vào bóng tối.
‘Chúa ở cùng con Sarah.’ ‘Và ở cùng cha.’ Giọng của cô tươi sáng hơn, thân thiết hơn.”
Có một ngôn ngữ vượt ngoài ngôn từ. Sự thinh lặng dành chỗ cho ngôn ngữ đó. Đôi khi chúng ta cảm thấy bất lực không thể nói được gì có ý nghĩa, chúng ta phải đi trở vào sự vô tri và vô lực, nhưng khi ở lại trong tình trạng này, sự thinh lặng tạo một không gian cần thiết cho một điều thâm sâu hơn xuất hiện. Nhưng thường, lúc đầu, thinh lặng thật không dễ dàng gì. Nó bắt đầu “như một sự đáng sợ vụn vặt” và dần lớn lên thành hơi ấm xua tan đi căng thẳng.
Nhiều lần chúng ta không có lời nào đáng để nói. Chúng ta, ai cũng cảm nghiệm việc đứng bên giường người hấp hối, tham dự một đám tang, đứng trước một tâm hồn tan vỡ, hay rơi vào thế bí khi cố gắng vượt qua tình huống căng thẳng trong quan hệ, lại thấy mình cứng lưỡi, không có từ nào để nói, rồi cuối cùng rơi vào thinh lặng, biết rằng nói bất kỳ điều gì cũng chỉ làm trầm trọng thêm nỗi đau đớn này. Trong tình thế bất lực đó, bị hoàn cảnh làm câm nín, chúng ta học được một điều: Chúng ta không cần phải nói gì, chỉ cần ở đó. Sự hiện diện thinh lặng, bất lực của chúng ta là điều đang cần.
Và tôi phải công nhận, đây không phải là điều dễ học đối với tôi, không phải là điều theo khuynh hướng của tôi, và thực sự nhiều khi tôi không làm thế khi đáng ra phải làm. Cho dù tình thế có ra sao đi nữa, tôi luôn cảm thấy mình phải nói lên một điều gì đó có ích, một điều gì đó giúp giải quyết căng thẳng này. Nhưng tôi đang học được rằng, hãy để sự bất lực lên tiếng, và cũng học được rằng điều này thật mạnh mẽ biết bao.
Tôi nhớ có lần, khi còn là một linh mục trẻ, đầy kiến thức học được trong chủng viện và háo hức chia sẻ kiến thức đó, tôi ngồi trước một người có tâm hồn đang bị tan vỡ, tôi cố gắng tìm câu trả lời và thấu suốt trong đầu mình, tôi không tìm thấy gì, cuối cùng tôi xin lỗi thú nhận sự bất lực của tôi với người đối diện. Câu trả lời của cô làm tôi kinh ngạc, và dạy tôi một điều mà tôi không hề hay biết trước đây. Cô đơn giản nói rằng: Sự bất lực của cha là món quà quý báu nhất cha có thể chia sẻ với con ngay bây giờ. Con cám ơn cha. Không một ai kỳ vọng bạn có chiếc đũa thần để chữa lành những phiền muộn của họ.
Đôi khi, thinh lặng lại thành một sự êm ái mềm mại len lỏi và chiếm lấy, lấp đầy mọi khoảng không.
Rev. Ron Rolheiser, OMI