NGÔI MỘ TRỐNG

Những người tin và người không tin đã tranh luận về sự phục sinh ngay từ ngày Chúa Giêsu sống lại.  Thật sự, chuyện gì đã xảy ra?  Làm sao mà Ngài sống lại từ cõi chết?  Một thi thể thật sự đã chết có thể sống lại và bước ra khỏi mộ, hay phục sinh là một sự kiện biến đổi đời sống trong lương tâm của các môn đệ Chúa Giêsu?  Hay phục sinh là cả hai, một sự kiện vừa thể lý, vừa nội tại trong lương tâm các tín hữu?

Rõ ràng chẳng có ai chứng kiến chuyện thật sự xảy ra.  Những người tuyên xưng Chúa Giêsu đang sống không nhìn thấy Ngài đứng dậy và ra khỏi mộ, họ chỉ gặp Ngài sau khi Ngài đã sống lại, và ngay lập tức những người tin và những người hoài nghi liền chia thành hai phe, những người tuyên bố đã được chạm vào Ngài bằng xương bằng thịt và những người nghi ngờ lời chứng đó.

Có những người tin và những người hoài nghi, và còn có những người tin rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu là một sự kiện đức tin chứ không phải về thể lý, họ tin thi thể người chết không thể đứng dậy mà ra khỏi mộ.

Sự phục sinh của Chúa Giêsu là một sự kiện thể lý hay đức tin?  Là cả hai.  Với các Kitô hữu, đây là sự kiện vĩ đại, cả về đức tin lẫn lịch sử.  Không thể giải thích hai ngàn năm lịch sử của đức tin Kitô, bằng cách nào khác ngoài hiện thực phục sinh.  Hiểu sự phục sinh của Chúa Giêsu như một sự việc đơn thuần, rằng thân thể Ngài trỗi dậy từ hầm mộ, là cắt bỏ đi ý nghĩa của sự phục sinh.  Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, với các Kitô hữu, phục sinh cũng phải là một sự kiện mang tính thể lý đến tuyệt đối.  Tại sao lại thế?

Trước hết, là bởi Tin mừng nói khá rõ ràng khi nhấn mạnh ngôi mộ trống và Chúa Giêsu phục sinh không phải là một linh hồn hay hồn ma.  Ví dụ như, chúng ta thấy trong Tin mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu đã mời Tôma kiểm tra thân thể Ngài.  “Hãy coi tay Ta, chân Ta; Chính là Ta đó!  Hãy rờ nắn mà xem, ma nào lại có thịt có xương như các ngươi thấy Ta có.”

Để trọn vẹn ý nghĩa sự phục sinh của Chúa Kitô, thì phải có sự sống lại của thân thể.  Cần phải có ngôi mộ trống và thi thể sống lại.  Tại sao lại thế?

Không phải như một kiểu bằng chứng cho phép lạ, nhưng là vì sự nhập thể.  Tin vào sự nhập thể mà không tin vào tính thể lý của sự phục sinh thì thật là mâu thuẫn.  Chúng ta tin rằng Ngôi Lời đã nhập thể làm người.  Và chính điều này đưa mầu nhiệm Chúa Kitô và hiện thực phục sinh ra khỏi giới hạn thuần tinh thần.  Nhập thể luôn luôn bao hàm một hiện hữu có tính thể lý, sờ mó được, như định nghĩa về vật chất là “một sự gì đó có chiếm hữu không gian và có trọng lượng.”

Tin vào sự nhập thể là tin rằng Thiên Chúa đã sinh ra trong thân xác thật, sống trong một thân xác thật, chết trong thân xác thật, và sống lại trong thân xác thật.  Tin rằng phục sinh chỉ là một sự kiện đức tin trong lương tâm các tông đồ, thì dù có phong phú và thật đến mấy, cũng vẫn tước bỏ ý nghĩa của sự nhập thể, và rơi vào chủ nghĩa nhị nguyên xem trọng tinh thần và khinh thường thể xác.  Một thuyết nhị nguyên như thế hạ giá sự nhập thể và xói mòn ý nghĩa của phục sinh.  Nếu phục sinh chỉ là một sự kiện tinh thần, thì đó chỉ là một sự kiện nhân loại chứ không phải một sự kiện bao hàm cả vũ trụ.  Nói thế là xem đó chỉ là một sự kiện trong lương tâm con người chứ không phải sự biến đổi của vũ trụ.

Nhưng sự phục sinh của Chúa Giêsu không chỉ là một sự mới mẻ tuyệt đối trong lương tâm con người, mà còn là một sự mới mẻ tuyệt đối về bản chất vũ trụ, mới mẻ trong từng nguyên tử.  Phục sinh sắp xếp lại tâm hồn và tâm trí con người, nhưng nó cũng sắp xếp lại các nguyên tử.  Trước khi Chúa Giêsu phục sinh, xác người chết không sống lại, họ vẫn chết, nên khi Ngài sống lại, thì đó là một sự mới mẻ tuyệt đối cả về tinh thần lẫn vật chất.  Chính xác là bởi tính vật chất tuyệt đối đó, nên sự phục sinh của Chúa Giêsu đem lại hy vọng mới cho từng phân tử cũng như cho tất cả mọi người.

Tôi tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết, một cách vật chất, theo nghĩa đen.  Tôi cũng tin rằng sự kiện này thiêng liêng vô cùng, là một sự kiện đức tin, là sự biến đổi lương tâm, là hy vọng mới tăng sức cho lòng mến mới và sự tha thứ mới.  Nhưng phục sinh cũng là một sự kiện biến đổi vật chất đến từng phân tử và biến đổi xác người chết.  Đây là một sự kiện tuyệt đối mang tính thể lý, cũng hệt như mọi sự kiện khác trong công cuộc nhập thể khi Thiên Chúa mang lấy xác phàm thật sự.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *