Có một thời người ta đeo nhẫn để chứng tỏ mình là người tự do. Rồi có một thời người ta đeo nhẫn để nói lên mình đã ràng buộc, cam kết. Và rồi cũng có một thời người ta tháo nhẫn vì cam kết không thành.
Thời La Mã cổ đại, những người sinh ra trong giai cấp tự do cần phải đeo nhẫn bằng vàng để mọi người biết rằng mình là giai cấp tự do, không thuộc tầng lớp nô lệ. Những người nô lệ được trả tự do cũng cần phải đeo nhẫn, không phải bằng vàng nhưng là nhẫn bằng bạc. Nếu đeo nhẫn để là tự do một thời, thì đeo nhẫn cũng là để cam kết một thời. Người cam kết không thành, thì muốn tháo ràng buộc để đổi lấy tự do. Thế nhưng tự do thì mênh mông quá. Thế nào là hiểu tự do cho trọn nghĩa? Tự do để phóng túng đời mình, hay tự do để quyết định đời mình hầu thăng hoa cuộc sống vẫn là nỗi băn khoăn dai dẳng.
Có nhiều người đã chọn tự do trong lời cam kết, thì cũng có người chọn tự do trong tháo gỡ, chia li. Hành trình để tiến đến ngày trao nhẫn cho nhau là một hành trình gian nan, nhưng hành trình để đến lúc phải tháo nó cũng là những chuỗi ngày đớn đau lắm. Chẳng ai muốn sum họp để rồi phải li tan, nhưng tại sao phải li tan vẫn là một nhức nhối băn khoăn.
Chỉ có điều khi nhìn một cánh diều bay cao lại là cánh diều biết cam kết. Nó chấp nhận ràng buộc với một điểm cố định qua sợi dây gắn bó. Càng gắn bó chặt với trụ điểm, diều lại càng bay cao. Khi diều bay cao, là lúc diều được tự do trong mây ngàn gió lộng, là tung bay trong trời rộng thênh thang. Nếu có lúc nào diều tham lam, muốn có thêm tự do mà cắt đứt sợi dây cam kết, ấy là lúc càng phải trở lại với mặt đất la đà, phải giã từ trời rộng thênh thang. Mây buồn vì vắng bóng diều; diều buồn vì đã xa lìa mây.
Một lần cam kết là một lần ràng buộc, nhưng cũng nhờ ràng buộc mà có hướng để bay lên, để thăng hoa. Tôi nhìn cánh diều chiều nay nơi sân chơi của lũ trẻ mà lòng bâng khuâng cho ý nghĩa thâm sâu của cuộc sống. Dù cánh diều to hay cánh diều nhỏ; dù cánh diều đẹp hay những cánh diều xấu xí; dù nó là của chú bé nhà giàu hay trong tay cậu bé nhà nghèo, tất cả đều phải tuân theo quy luật ‘cam kết’ của kiếp làm diều để có thể được bay cao và tự do trong gió.
Có những người tôn trọng lời cam kết nên khắc cả lời thề hoặc khắc tên người yêu trên chiếc nhẫn cam kết của mình. Người ta như muốn nói, một lần đã cam kết là chẳng mong tháo gỡ bao giờ. Ngày nay ít người khắc tên của người yêu trên nhẫn, nhưng người ta lại khắc tên của nhau trong tim. Vì khắc tên của nhau trong tim, nên khi tháo chiếc nhẫn cam kết, thì cũng có nghĩa là muốn xoá nhoà yêu thương, tẩy xoá tên của người yêu khỏi tim mình. Tên càng khắc sâu, thì vết thương càng đau khi xoá nhoà. Tim không là vàng, không là gỗ đá, nên khi xoá tẩy là gây nên niềm đau. Có những niềm đau có thể nguôi ngoai, có những vết thương mong có ngày lành lại, nhưng cũng có những vết thương phải xót xa một đời.
Có những mong manh của li tan, thì cũng có những mẫu gương của chung thủy sắt son. Những hình ảnh đẹp ấy vẫn sống động quanh ta hôm nay. Tôi vẫn mãi cảm kích câu chuyện mối tình đẹp về lòng chung thủy của cặp vợ chồng một cựu sĩ quan Việt Nam trong trại cải tạo sau năm 1975. Khi biết bao người trong tù thời đó đã gạt lệ đắng cay khi nghe vợ mình xin phép chồng để chọn niềm yêu thương khác, hoặc nghe tin vợ mình âm thầm ‘‘lái đò qua sông” không lời từ biệt. Thì cặp vợ chồng cựu sĩ quan này đã chọn cho mình một lối cam kết tuyệt diệu.
Khi người vợ đến thăm nuôi, họ chỉ có thể gặp nhau trong khoảnh khắc ngắn ngủi sau hàng rào thép gai đan kín. Nhưng trong cái khỏanh khắc ngắn ngủi ấy, họ đã nghĩ ra cách tái cam kết tuyệt vời bằng cách đổi chiếc nhẫn cưới cho nhau. Người chồng tháo chiếc nhẫn mà vợ trao cho mình hôm nào, rồi đeo vào tay của vợ mình. Và người vợ cũng tháo chiếc nhẫn mà chồng trao cho mình năm xưa, rồi đeo vào tay của chồng như thêm một lần cam kết sẽ chung thủy bên nhau cho dù tù đày ngăn cách. Vì chiếc nhẫn của chồng lớn hơn ngón tay của vợ, nên chị đã đeo nhẫn của chồng vào ngón tay cái của mình. Còn chiếc nhẫn của vợ quá nhỏ, nên anh chồng đã đeo nhẫn của vợ vào ngón tay út của anh.
Họ đã đeo nhẫn ‘‘ngược đời’’ như thế không những cho đến ngày gia đình đoàn tụ, nhưng còn đeo nhẫn kiểu đó cho đến ngày hôm nay, khi màu tóc đã bạc, khi ánh mắt đã nhạt nhoà. Họ vẫn còn sống và sống hạnh phúc nơi xứ Mỹ này, với đôi nhẫn đã hơn một lần trao nhau. Và tôi nghĩ rằng họ sẽ còn đeo nhẫn kiểu đó cho đến ngày đưa nhau về vĩnh cửu.
Nhẫn không đưa hạnh phúc về. Ngón tay để xỏ nhẫn cũng không nối nhịp thủy chung. Chỉ thái độ đón nhận và trao ban trong cam kết mới làm cho yêu thương cất cánh. Thế nhưng giá trị của cam kết hôm nay dường như bị coi nhẹ lắm, xem chừng như đang lỗi thời. Nhiều người cảm thấy lo âu cho những tuột dốc ấy; lo âu cho một trào lưu đang ăn mòn lối đi truyền thống; lo âu cho lời cam kết của mình hôm nay có được sắt son mãi như lòng mình ước mong?
Tu sĩ và giáo dân hôm nay đều mang một nỗi ưu tư chung. Ưu tư cho cuộc tình năm xưa có được thắm đượm như màu hoa trong ngày dâng hiến trao ban; ưu tư cho lời khấn nguyện có còn cháy sáng như ánh nến lung linh trên bàn thờ thủa nào? Trong cái bấp bênh của lời cam kết, người ta băn khoăn không biết bám víu vào đâu để tựa nương. Thế nhưng, khi lời cam kết của con người mong manh, thì vẫn có Đấng không bao giờ mong manh trong lời cam kết. Thượng đế!
Biết băn khoăn cho lòng trung thành là khởi đầu biết tìm đến Đấng luôn trung thành. Chỉ có tình yêu và ân sủng của Đấng không bao giờ bất trung mới làm cho những cuộc tình luôn vĩnh cửu. Có nói lên được một lời thủy chung với người bạn đời hôm nay, có nói lên được lời cam kết trung thành dâng hiến cũng chính là nhờ sự thúc đẩy của Đấng luôn chung thủy. Lịch sử bất trung của Israel năm xưa vẫn là những lối mòn của chia lìa hôm nay. Thế nhưng Thiên Chúa trung tín của Israel năm xưa thì vẫn là một Thiên Chúa luôn trung tín với cuộc đời mong manh của tôi hôm nay. Thiên Chúa của hôm qua, của hôm nay và của cả ngày mai vẫn là một Thiên Chúa của trung tín yêu thương.
Xin cho những băn khoăn hôm nay biến thành lời nguyện cho lòng sắt son chung thủy. Xin cho những mong manh và bấp bênh của lời cam kết trở thành lòng thiết tha gắn bó, để ơn Trời tuôn đổ, để lòng xót thương dâng tràn và lời ca yêu thương vang mãi cho đến lúc đi về với vĩnh cửu.
Lạy Chúa, khi nhìn những tan vỡ chia li hàng ngày, con không khỏi băn khoăn cho ý nghĩa của lòng trung thành hôm nay. Giữa những vết rạn nứt của bức tường truyền thống, con cũng linh cảm thấy những viên gạch của từng cá nhân, từng gia đình đang lung lay. Chẳng người thợ xây nào mà an vui trước rạn nứt của toà nhà. Chúa là người thợ xây và là nhà thiết kế. Xin nung lại viên gạch yêu thương của đời con. Xin ban thêm cho con loại ‘‘xi măng’’ ân sủng, để hạt cát gắn bó được bền chặt giữa mưa ngàn gió cuốn. Xin cho những chiếc nhẫn đã một lần trao tay, được ở lại mãi với chủ nó, để tự do được thăng hoa. Nhẫn không là cầu nối, lời thề chẳng dệt nên yêu thương. Chỉ có chính Chúa mới là cầu nối của yêu thương, nối kết đời con trong ân tình chan chứa.
Nguyễn Thảo Nam