ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Kitô hữu ngày nay biết Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể; nhưng những người ngày xưa như dân Bêlem, dân làng Nadarét và cả những người nghe Đức Giêsu rao giảng, đều không biết Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể.  Họ đã đối xử với Đức Giêsu như một con người.  Vì thế, khi Đức Giêsu mặc khải Ngài ngang hàng với Thiên Chúa thì Ngài bị người ta kết án tử hình.  Đối với người thời đó, không có chuyện Thiên Chúa ba ngôi vị, nên chẳng có chuyện Thiên Chúa nhập thể.

Đức Giêsu là con của Đức Maria ở Nadarét.  Ngài đã được sinh trong chuồng chiên cừu ở Bêlem khi cha mẹ Ngài không tìm được chỗ qua đêm.  Ngài sinh ra như một người nghèo hèn nhất trong thiên hạ.  Không ai biết chân tướng của Ngài.  Có lẽ cả Đức Maria và thánh Giuse cũng chỉ biết Đức Giêsu là một người rất đặc biệt, là người của Thiên Chúa, nhưng vẫn chưa biết Ngài là Thiên Chúa nhập thể.  Người ta chỉ biết Thiên Chúa là ba ngôi vị sau biến cố Đức Giêsu Phục Sinh.

Đức Giêsu đã sống một thời gian dài ở Nadarét như tất cả những người Do Thái thời đó.  Ngài hành nghề lao động như bao người nghèo.  Tin về Gioan con ông Dacaria rao giảng làm phép rửa sám hối đến làng Nadarét, chắc Đức Giêsu không phải là người duy nhất từ Nadarét muốn đi nhận lãnh phép rửa sám hối với Gioan.  Có lẽ Ngài đã xin Đức Maria, và được sự đồng ý của Mẹ, Ngài đã lên đường tới sông Jordan.  Ngài chờ đợi tới phiên mình.  Ngài cũng gục đầu sám hối như bao người.  Ngài cảm thấy mình liên đới với con người tội lỗi.  Ngài thống hối xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho tất cả mọi người.  “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian.”  Ngài chịu phép rửa, vì Ngài gánh tội trần gian.

Đức Giêsu đã sống một thời gian dài ở Nadarét, vì Ngài không thấy Thiên Chúa muốn Ngài làm điều gì đặc biệt.  Với biến cố này, Thiên Chúa thúc đẩy Ngài tới với Gioan để nhận phép rửa sám hối.  Sau khi lãnh nhận phép rửa sám hối, Thánh Thần Thiên Chúa đã thúc đẩy Ngài vào sa mạc ăn chay cầu nguyện (Mt.4, 1tt).  Ngài cầu nguyện để biết Thiên Chúa muốn Ngài làm gì.  Đức Giêsu là một người chia sẻ thân phận con người hoàn toàn, nghĩa là, Ngài cũng chấp nhận “đi tìm ý Thiên Chúa” như tất cả mọi người.  Cũng chính trong bầu khí này mà người ta hiểu tại sao Ngài lại bị cám dỗ.  Ma quỷ cám dỗ Ngài làm sai ý của Thiên Chúa Cha, nhưng Ngài đã chống lại.  Đức Giêsu đã chiến thắng.

Đức Giêsu cũng đã phải nhận định xem mình có nên chịu phép rửa hay không, vì Ngài thấy mình đâu có tội lỗi gì để mà phải nhận lãnh phép rửa sám hối.  Đức Giêsu đã muốn liên đới với con người, với tội nhân, nên Ngài đã đi nhận lãnh phép rửa.  Hành vi này của Ngài, đã được Thiên Chúa chuẩn nhận.  “Khi Ngài đang cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim câu.  Và có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.’”

Hành vi Đức Giêsu nhận lãnh phép rửa sám hối, làm đẹp lòng Thiên Chúa.  Khiêm tốn, liên đới với người nghèo và người tội lỗi, là cung cách hành xử của Thiên Chúa.  Đức Giêsu đã thực hiện đúng ý Người.  Đức Giêsu luôn tìm kiếm ý Thiên Chúa, và một khi thấy thì Ngài thi hành:

Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta (Ga.4, 34),

Lạy Cha, nếu có thể thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, mà theo ý Cha.

Đức Giêsu luôn tìm kiếm để biết Thiên Chúa muốn Ngài làm gì.  Sở dĩ vậy, vì Đức Giêsu chia sẻ thân phận con người hoàn toàn (Dt.2, 17; 4, 15).  Con người không biết nên phải tìm kiếm ý Thiên Chúa, thì cũng vậy Đức Giêsu cũng chia sẻ tính vô tri này của con người, và Ngài cũng phải liên tục tìm biết ý Thiên Chúa.

Khiêm tốn là nhìn nhận sự thật về chính mình.  Đức Giêsu đã nhìn nhận sự thật về chính Ngài, và hơn nữa, Ngài còn tự hạ mình, muốn chia sẻ thân phận của anh em mình vì yêu thương.  Hành vi này của Ngài, đã làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha.  Hành vi khiêm tốn, là hành vi chấp nhận sự thật về chính mình, và cũng là hành vi được điều khiển bởi tình yêu.  Yêu thương sẵn sàng hy sinh chính mạng sống mình để anh em mình được sống.

Biến cố Đức Giêsu xuất hiện, đã được Giáo Hội nhìn như một biến cố đặc biệt mà Cựu Ước đã loan báo như chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất: “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao; Hỡi kẻ loan tin mừng cho Jêrusalem, hãy cất tiếng lên cho thật lớn … kìa Thiên Chúa các ngươi đang tới.”   Nơi Đức Giêsu, người ta thấy vinh quang của Thiên Chúa.  Thiên Chúa đến cách đặc biệt nơi Đức Giêsu.

Biến cố Đức Giêsu cũng đã chi phối và biến đổi đời sống của những người tin Ngài một cách dứt khoát.  Đời sống của Kitô hữu phải dọi theo đời sống của chính Đức Giêsu Kitô.  Đức Giêsu luôn chọn ý Thiên Chúa trên tất cả, Ngài luôn yêu thương anh chị em mình.  Ngài yêu họ đến độ dám hy sinh chính mạng sống mình cho họ, nói cho họ biết Thiên Chúa yêu thương họ đến cùng khi cho Con Ngài nhập thể, cho dù khi nói như vậy Ngài bị người ta hiểu lầm và giết Ngài.  Đức Giêsu là người đã đến sống cho tình yêu và chết cho tình yêu.  Xin cho mỗi người chúng ta sống theo gương Ngài, yêu thương và khiêm tốn, để đem hạnh phúc cho những người chúng ta gặp gỡ và sống với.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm