XIN THƯƠNG XÓT CON LÀ KẺ CÓ TỘI…

Theo một truyền thuyết về thánh Gio-an, tác giả sách Tin Mừng, sau 3 năm ngài bị lưu đầy ở đảo Patmos, khi trở về Ê-phê-sô, Ngài được biết chuyện về một chàng trai mà Ngài đã từng kỳ vọng rất nhiều tại cộng đoàn Ê-phê-sô.  Hiện anh ta đã sa ngã và trở thành một thủ lãnh trộm cướp khét tiếng.  Thánh Gio-an tuy đã già yếu gần 100 tuổi nhưng vẫn một mình chống gậy tìm lên ngọn núi sào huyệt của anh ta.  Mới đến lưng chừng núi thì cụ già bị bọn lâu la bắt trói dẫn về cho thủ lãnh.

Vừa gặp mặt, chàng trai đã giật mình kinh sợ vì nhận ra thầy cũ của mình.  Thánh Gio-an sau khi được cởi trói, ôn tồn khuyên nhủ:

– Này con yêu của thầy, sao con lại tránh nhìn vào mắt thầy ? Bây giờ đứng trước mặt con, thầy chỉ là một con người già yếu, không thể tự vệ được cơ mà…

Ngài thinh lặng một chút rồi lấy hơi nói tiếp:

–  Con đừng ngại, tội lỗi của con chắc chắn đã được Thiên Chúa tha thứ.  Chính thầy đã xin điều ấy cùng Chúa Giê-su đầy lòng thương xót cho con rồi.  Thôi, con hãy cùng với các bạn con rời bỏ ngọn núi này mà theo về với thầy nhé…

Chàng trai nghe đến đây thì quỳ xụp xuống, xấp mình khóc lóc trong niềm vui được hoán cải và tha thứ.  Sau đó, mọi người được chứng kiến một cảnh tượng thật lạ lùng: một ông lão dìu một chàng trai xuống núi, theo sau là tất cả thủ hạ trong băng cướp của anh…

* * * * *

Bạn thân mến! Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến lời van xin của người thu thuế kêu cầu lòng thương xót của Chúa và lời cầu nguyện đầy tự mãn của người Pharisêu.  Ðức Giêsu đưa ra kết luận: “người thu thuế được nên công chính, còn người Pharisêu thì không”.  Những người nghe Ngài nói chắc hẳn đã ngỡ ngàng chưng hửng.  Người Pharisêu là mẫu mực trong việc giữ luật. Những điều xấu xa tiêu cực, ông không làm.  Những điều luật đòi hỏi, ông còn làm nhiều hơn thế nữa.

Lời cầu nguyện của ông thật rõ ràng và trung thực, một lời nguyện mà nhiều người đạo đức thời bấy giờ thèm muốn.  Nhưng tại sao Thiên Chúa lại không nhìn đến ông?  Tại sao Thiên Chúa lại thương người thu thuế tội lỗi? Tại sao Thiên Chúa lại cho người thu thuế được trở nên công chính ?

Tình thương của Thiên Chúa đôi khi xem ra nghịch lý, nhưng không vô lý. Chúng ta cần nhìn cách người Pharisêu cầu nguyện:  Ông đứng trên cao trong đền thờ và tách biệt với những người khác. Mắt ông vẫn nhìn thấy người thu thuế đứng xa xa phía dưới.  Chúng ta cần nghe lời ông cầu nguyện: Ông muốn dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn, nhưng lời tạ ơn của ông lại trở thành sự so sánh ông với người khác, tràn đầy cái tôi tự mãn và kiêu căng. Ông liệt kê những tội ông không hề phạm, những việc đạo đức ông quen làm, vượt quá điều luật đòi hỏi: “tôi không như bao kẻ khác… tôi ăn chay… tôi nộp thuế…”

Cái tôi của ông thật cao vời vợi, hơn hẳn người khác. Cái tôi của ông quá ngon lành, quá bảo đảm, nên ông không cần xin Chúa thêm điều gì. Ông chỉ khoe với Chúa những thành tích đạo đức của ông, hay đúng hơn ông đang đề cao “cái tôi” của chính mình.

Ðời sống của ông Pharisêu đầy đặn quá, tròn trịa quá đến nỗi Thiên Chúa trở nên thừa. Ngài chẳng tìm ra được một kẽ hở nào, một khoảng trống nào để có thể đi vào đời ông nên Ngài phải chịu đứng bên ngoài.

Ngược lại anh thu thuế thì run rẩy xấu hổ, chẳng dám ngước nhìn Chúa, chẳng dám lại gần tha nhân. Anh nhìn thấy rõ các tội lỗi của mình, anh muốn làm lại cuộc đời, nhưng hầu như tự sức mình, anh không sao làm nổi. Anh thấy mình bị kẹt cứng, chỉ còn biết cậy dựa và phó thác vào tình thương của Thiên Chúa. Anh đứng xa xa dưới cuối đền thờ, nhắm mắt cúi đầu cất tiếng cầu xin: “Lạy Thiên Chúa, xin thương cót con là kẻ tội lỗi”.

Người thu thuế thật là con người tội lỗi, nhưng sự nhìn nhận tội lỗi của anh đã trở nên một kẽ hở, một sự trống rỗng để Thiên Chúa có thể đi vào đời anh. Anh không cậy dựa vào công sức của mình nhưng vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

Bạn thân mến! Công việc đạo đức là một điều tốt đẹp, là một việc đẹp lòng Chúa, nhưng tự hào về đạo đức của mình lại là một nguy cơ.  Làm việc lành cũng là một điều tốt cần được khuyến khích, nhưng nếu việc lành khiến tôi khinh miệt tha nhân thì thật là nguy hiểm.

Làm sao tôi có được sự khiêm nhường tự hạ của người thu thuế? Làm sao tôi có thể hoàn toàn cậy trông phó thác vào Chúa như người thu thuế ? Ước gì cuộc đời của bạn và tôi có thật nhiều kẽ hở, có thật nhiều khoảng trống để cho Chúa bước vào.

R. Veritas

* * * * *

Lạy Chúa,  khi đến với Chúa
Cho con tháo bỏ đôi giày những tham vọng của con
Cho con cởi bỏ đồng hồ thời khóa biểu của con,
Cho con đóng lại bút viết các quan điểm của con,
Cho con bỏ xuống chìa khóa sự an toàn của con,
Để con được ở một mình với Ngài.

Lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật,
Sau khi được ở với Ngài,
Cho con xỏ giày vào để đi theo con đường của Chúa,
Cho con đeo đồng hồ để sống trong thời gian của Chúa,
Cho con đeo kính vào để nhìn thế giới của Chúa,
Cho con mở bút ra để viết những tư tưởng của Chúa,
Cho con cầm chìa khóa lên để mở những cánh cửa của Chúa.
Amen.

Graham Kings

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *