Trong trận chiến Pháp – Đức vào những năm 1939-1945, hạm đội Pháp ngày đêm tuần hành trên biển. Vào một sáng, đài báo cho biết một chiếc tầu ngầm của Đức đang tiến lại.
Lệnh được ban ra. Những chiếc phóng ngư lôi xối xả phóng thuỷ lôi về phía tầu địch. Một lát sau người ta thấy những mảng dầu đen nổi trên mặt biển. Những lính thuỷ Pháp được lệnh xuống những ca-nô nhỏ để cứu những lính địch bị nạn. Mấy chiếc đầu nhô lên giữa những mảng dầu. Tất cả được vớt lên và cho lên tầu cấp cứu. Cha tuyên uý trên tầu có mặt ngay bên các nạn nhân để ban các Bí tích cuối cùng. Trong số những nạn nhân, có một người bị thương rất nặng. Toàn thân bị cháy, mặt bị cháy đen, hai mắt mù, chỉ còn cái miệng là còn hoạt động. Cha tuyên uý đến gần ghé sát nạn nhân. Ngài nghe những tiếng Giêsu-Maria-Giuse thoát ra từ miệng người sắp chết. Ngài nói đôi lời an ủi, khuyên bảo và giải tội và ban các Bí tích cuối cùng bằng ngôn ngữ La-tinh, Ngài đọc đến đâu, nạn nhân thưa lại bằng tiếng La-tinh. Ngài ngạc nhiên hỏi :
– Xin lỗi anh, chắc anh đã học ở chủng viện.
– Hơn thế nữa.
Cha tuyên uý Pháp xúc động, ngực ngài nghẹn lại :
– Xin lỗi, anh là Linh mục?
– Phải, tôi là tuyên uý của chiếc tầu ngầm.
Cha Pháp thổn thức, đây là đồng nghiệp! Ngài ôm lấy nạn nhân, ghé sát mặt, hôn lên cái mặt đen nhèm đó.
– Xin lỗi, anh cho tôi biết đôi chút về anh được không?
Nghe nạn nhân thều thào kể xong, cha khóc nức lên:
– Anh còn nhớ Michel Pháp không? Tôi đây mà!
Trên đôi mắt cháy đen của nạn nhân, hai giọt nước mắt nhỏ xuống. Cha tuyên uý Pháp ôm ghì nạn nhân vào ngực mình. Họ là đôi bạn, tuy khác dân tộc, nhưng cùng học tại trường Truyền Giáo bên Rôma. Họ kết thân với nhau. Trở về quê hương, mỗi người thi hành nhiệm vụ công dân của mình. Và hôm nay họ gặp nhau trong tình trạng thế này.
Cha tuyên uý Đức đã trút hơi thở cuối cùng về với Chúa trong vòng tay của người bạn thân khác chiến tuyến.
***************************
Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người. Đây là ơn gọi cao cả của cuộc đời các linh mục, Bước hành trình của những linh mục được Chúa sai đi phục vụ khắp muôn nơi: Từ thành thị cho đến vùng nông thôn hẻo lánh, từ học đường đến bệnh viện – trại mồ côi, từ chốn bình an đến vùng chiến tuyến sục sôi lửa bỏng… Nói chung linh mục là người được Chúa sai đi, đến để phục vụ những nơi nào có sự hiện diện của con người.
Hình ảnh của Đức Giêsu, một tấm gương sáng cho tất cả mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt cho linh mục của Chúa. Khi Người đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Người đã đi khắp mọi nơi, mọi chốn trên quê hương của Người (Mt 4,23-25). Cả đến vùng Samaria là một miền toàn dân ngoại, Người cũng đến để gieo mầm giống đức tin cho dân miền này (Ga 4,1-39). Người tranh luận giải thích về truyền thống Do Thái giữa những vị Pharisiêu và kỳ lão (Mt 15,1-9). Chính Người đã xông pha đi vào những nơi đang biến đền thờ thành nơi họp chợ, Người đã mạnh dạn đánh đuổi những người buôn bán (Mt21,12-15). Nói chung cuộc sống trần thế của Người mong muốn canh tân cách sống, muốn cải thiện lại việc giữ đạo thờ kính Thiên Chúa, kiện toàn luật Mai-sen (Mt 5,17-19). Rồi đến cuối cuộc hành trình truyền giáo của Người. Người đã hiên ngang như một vị Vua đi vào Thành Giêrusalem, nơi những người đang chống đối và mưu toan tìm bắt và thủ tiêu Người (Mt 21,1-10). Và cũng chính các môn đệ cho rằng những Lời Người nói là chướng tai gai mắt, không thể chấp nhận được trong cuộc sống
Hai linh mục tuyên uý được sai đến phục vụ trong môi trường giống nhau, nhưng thi hành nghĩa vụ công dân cho hai dân tộc khác nhau. Cuộc chiến giữa con người với con người đã cho đôi bạn thân, khi còn ngồi trên ghế nhà trường gặp nhau trong hoàn cảnh bi đát này! Cũng chính vì con người với con người muốn tranh giành quyền lợi cho riêng mình, đã làm mất đi cái giá trị cao quí của tình người, vi phạm đến giới răn thứ hai chính Đức Giêsu đã dạy con người là yêu người.
***************************
Lạy Chúa, xin cho các quốc gia trên thế giới luôn thể hiện sự thân ái, đầy thiện cảm, để cùng nhau xây dựng cho thế giới có nền hoà bình viên mãn. Xin Chúa cho các linh mục của Chúa luôn hăng say trong việc phục vụ tha nhân, cho dù nơi đó có khó khăn, trở ngại, biết hy sinh – cầu nguyện, dùng nghị lực để vượt qua những chông gai, thử thách. Amen.
Pet. PBH