Tôi lớn lên trong gia đình có đạo, được giáo dục trong một khuôn khổ, phép tắc “đi thưa, về trình”; nói một câu “dạ, thưa” đến hai ba lần. Tôi giáo dục con cái tôi theo nề nếp này, vì tôi nghĩ đây là phong tục tốt cần phải giữ. Nhưng tôi đã đi qúa lố. Tôi coi trọng hình thức lễ nghĩa hơn tình yêu. Tôi thiếu lòng thương xót cho đứa con gầy guộc đang nằm trên giường bệnh, không biết còn đi đứng lại bình thường được hay không…
Ngày đầu vào nhà thương, sau vài giờ chuyền nước biển và thuốc, con tôi bị sốt, lạnh run cầm cập, đắp ba bốn cái mền cũng không đủ ấm. Bác sĩ cho uống Tylenol và chích thêm thuốc cầm đau. Khi cô y tá tiêm thuốc vào cánh tay nhỏ xương xẩu, con tôi la nhói lên vì đau. Mắt con đỏ hoe, rướm nước mắt. Nhìn con lòng tôi quặn đau. Tôi không cầm được nước mắt, để các giòng lệ rơi, tôi cố giữ giọng để trấn an con:
– Con ráng chút nữa, sắp hết thuốc rồi!
Sau gần năm tiếng khi chai thuốc đã cạn, cô y tá mới tháo ống nước biển nơi cánh tay của con ra. Đến lúc này con tôi đã mệt lả người. Khuôn mặt lừ đừ, không thần sắc vì từ khi nhập viện lúc trưa cho đến giờ đã hơn mười giờ đêm, con tôi chưa có gì lót lòng. Chứng bệnh đã làm liệt các dây thần kinh ở đôi chân và đôi tay của con. Người con không khác gì cọng bún mềm, rã rượi. Con tôi chẳng buồn ăn uống và cũng lười trả lời các câu hỏi của tôi. Nếu có trả lời, con chỉ nói cộc lốc một hai câu, quên kềm theo hai tiếng “dạ, thưa”. Khi đó tôi cảm thấy như bị xúc phạm vì con đã thiếu lễ phép. Nhưng khi ý tưởng đó vừa dứt, ý nghĩ khác chợt đến: con bị đau như thế, ăn ngủ không được, làm sao mà nhớ để dạ với thưa. Vô lý! Ngày hôm sau con đã khỏe, ăn uống được chút đỉnh. Mỗi lần nhờ tôi giúp việc gì, con tôi đều lễ phép nói: “Dạ thưa Ba…Cám ơn Ba…”
Đêm về tôi mở lại đoạn phim của ngày hôm qua, trở lại cái khúc tự ái bị xâm phạm. Tôi tìm mọi lý lẽ để bênh vực cho lối suy nghĩ “chính đáng” của mình. Nhưng cũng cùng lúc ấy, lòng tôi bị thổn thức, xốn xang. Tôi mất bình an. Tiếng nói của Thần Dữ gợi lên lòng tự ái, tự kiêu, đem cái truyền thống phép tắc đã có từ nghìn xưa, lôi tôi trở về theo phe nó. Trong lúc lòng tôi đang phân vân chưa biết nghe theo tiếng nói của Thần Lành hay Thần Dữ, thì lời Chúa đến với tôi: “Trên hết mọi sự hãy làm vì đức yêu thương.” Tôi nghe những lời này rất nhiều lần, từ tai này sang tai kia. Nhưng chưa bao giờ tôi dừng lại để cảm nghiệm hay để sống những lời này. Tôi thấy mình thật vô lý khi đòi hỏi nơi con một điều qúa đáng. Đã bao lần tôi nằm co quắp ôm bụng, nhăn nhíu mặt mày vì cơn đau bao tử, tôi có được mấy lời nhã nhặn với vợ con của tôi? Mãi đến hôm nay, tôi mới thật sự thấm hiểu Lời Hằng Sống này. Mới biết rằng bao lâu nay tôi đã đặt sai thứ tự trong cuộc sống. Tình yêu quan trọng hơn hết mọi sự, quan trọng hơn phép tắc ngàn lần!
Bạn thân mến! Những biến cố đau thương: bệnh tật, chia ly, chết chóc xẩy ra trong cuộc sống, trong gia đình, cho mỗi người chúng ta không hẳn là một điều xấu nếu được nhìn bằng con mắt đức tin; khi chúng ta biết lắng đọng tâm hồn để tìm thánh ý Chúa qua từng biến cố.
***********************
Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã mở mắt tâm hồn con, giúp con nhận ra chỉ có Tình Yêu là quan trọng nhất, là cao qúi nhất trên cuộc đời này. Xin Chúa gíup con luôn biết khiêm nhường để nhận và sửa sai những lỗi lầm của con, để mỗi ngày con được trở nên giống Cha trên trời là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Amen.
Lữ Khách (24-06-2005)
El Camino Real Hospital, Mountain View