TIẾNG KÊU CỦA HỮU HẠN

Điều gì làm cho bạn xúc động nhất?

Vừa có người hỏi tôi câu này trong một cuộc thảo luận.  Trong một buổi thảo luận, tất cả chúng tôi đều được hỏi câu này: Lúc nào bạn cảm nhận tình thương trong lòng mình một cách tự nhiên nhất?

Với tôi, câu trả lời thật đơn giản.  Tôi xúc động nhất khi thấy sự bất lực, khi tôi thấy ai đó hay sự gì đó bất lực không thể lo được cho nhu cầu hay bảo vệ phẩm giá của mình.  Có thể đó là một đứa trẻ, đói bụng và kêu khóc, quá nhỏ để tự ăn và bảo vệ phẩm giá của mình.  Có thể là một bà trong bệnh viện, bệnh tật, đau đớn, không cách nào khá hơn được, cũng như không thể giữ phẩm giá của mình.  Có thể là một người thất nghiệp, gặp vận hạn, không tìm được công việc, một người lạc lõng trong khi mọi người khác có vẻ đang rất tốt.  Có thể là một cô bé trên sân chơi, bất lực khi bị chọc ghẹo và ăn hiếp, chịu đựng bị làm nhục.  Hay có thể là một chú mèo con, đói bụng, bất lực, nhìn tôi với đôi mắt nài nỉ, không thể tự kiếm ăn mà cũng chẳng biết nói.  Sự bất lực xoáy sâu vào tâm hồn.  Tôi luôn luôn xúc động đến tận những nơi sâu nhất lòng mình, mỗi khi chứng kiến sự bất lực, nài van của sự hữu hạn.  Tôi cho rằng tất cả chúng ta cũng thế.

Chúng ta đều giống nhau.  Đây cũng là điều đã lay động Đức Maria ở tiệc cưới Cana, khi Mẹ đến nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi!”  Lời thỉnh cầu này của Đức Mẹ có nhiều ý nghĩa.  Một là lời thỉnh cầu cụ thể ở một dịp cụ thể trong lịch sử: Mẹ đang cố gắng cứu chủ tiệc cưới khỏi bị bẽ mặt, khỏi bị chuốc nhục nhã.  Chắc chắn, việc hết rượu là tỏ ra nghèo kém, dù là thiếu tiền hay thiếu tính toán, nhưng dù gì thì cũng làm cho chủ nhà mất mặt trước quan khách.  Như hầu hết mọi câu chuyện trong Tin mừng, câu chuyện này có một ý nghĩa thâm sâu hơn.  Đức Mẹ không chỉ ngỏ lời thay cho một chủ nhà cụ thể hay một dịp cụ thể.  Mẹ nói chung cho tất cả, như mẹ của nhân loại, lên tiếng thay cho tất cả chúng ta “tiếng kêu của hữu hạn” theo lời John Shea.

Hữu hạn là gì?  Như chúng ta có thể thấy, hữu hạn tương phản với vô hạn, với sự không có gì giới hạn được, chính là Thiên Chúa.  Thiên Chúa, chỉ mình Ngài là không hữu hạn.  Chỉ mình Thiên Chúa là tự đủ.  Chỉ mình Thiên Chúa là không bao giờ bất lực, và chỉ mình Ngài không bao giờ cần bất kỳ ai giúp sức.  Chỉ mình Thiên Chúa không bao giờ bị đau bệnh, đói khát, mệt mỏi, cáu tức, kiệt lực, suy tàn thể xác và tinh thần, và cả cái chết.  Chỉ mình Thiên Chúa không bao giờ chịu sự mất phẩm giá của một nhu cầu không được đáp ứng, của bị đè nén, của sự bất lực không thể hiện được bản thân, không được trân trọng, của sự khó chịu bối rối, bị bắt nạt, hay sự bất lực không thể làm gì cho mình, cũng như sự than van câm lặng.

Mọi sự khác đều hữu hạn.  Như thế, là con người, chúng ta là đối tượng của sự bất lực, bệnh tật, than khóc, đui mù, đói khát, mỏi mệt, cáu tức, suy tàn và cái chết.  Hơn nữa, trong tất cả mọi sự này, chúng ta cũng là đối tượng bị mất phẩm giá.  Vậy nên, nhiều lời lẽ và hành động của chúng ta là tiếng khóc của sự hữu hạn, tiếng khóc cần giúp đỡ, tiếng khóc của đứa trẻ đòi ăn, đòi hơi ấm, che chở, và bảo vệ khỏi bị mất phẩm giá.  Dù cho chúng ta không ngừng ngụy biện hơn về nhân tính của mình, nhưng trong mức độ nào đó, tất cả chúng ta vẫn là con mèo con, ngước đôi mắt nài nỉ xin được cho ăn, và khi những người giàu có, khỏe mạnh, kiêu căng, và những ai có vẻ như không cần giúp đỡ làm tất cả mọi sự để khẳng định mình tự đủ, thì nó chẳng gì hơn là những nỗ lực giữ cho sự bất lực tạm xa mình.  Dù cho có mạnh mẽ và tự đủ đến thế nào đi chăng nữa, thì tự bản thân chúng ta hẳn phải tin rằng mình hữu hạn và khả tử, không có ngoại lệ nào cả.  Sự mệt mỏi, bệnh tật, suy tàn, cái chết và những cơn đói khát đau đớn cuối cùng sẽ tìm đến chúng ta, tất cả chúng ta.  Rượu của chúng ta cuối cùng rồi cũng hết. Và chúng ta hy vọng có ai đó như Đức Mẹ nói thay cho chúng ta rằng: “Họ hết rượu rồi!”

Chúng ta có được bài học nào qua điều này?

Thứ nhất, nhìn nhận sự hữu hạn của mình có thể cho chúng ta một tự nhận thức lành mạnh hơn.  Nhận biết và chấp nhận sự hữu hạn của mình có thể giúp chế ngự nhiều nản lòng, bồn chồn, và cảm giác tội lỗi sai lầm trong đời chúng ta.  Tôi từng có một linh hướng là một nữ tu cao niên, đã thách thức tôi sống theo châm ngôn này: Đừng sợ, bởi con là bất xứng.  Chúng ta cần tha thứ cho bản thân, bởi vì chúng ta có giới hạn, bởi chúng ta là con người, hữu hạn, và không thể cho mình cũng như cho những người chung quanh mình tất cả những gì chúng ta cần.  Nhưng sự bất xứng là một tình trạng có thể tha thứ được, chứ không phải là một lỗi phạm luân lý.

Khi nhìn nhận và chấp nhận sự hữu hạn của mình, không chỉ là tự tha thứ cho sự bất lực của bản thân, nhưng còn thách thức chúng ta lắng nghe rõ ràng hơn tiếng kêu của hữu hạn quanh chúng ta.  Và dù đó là tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh, sự nhục nhã trong đôi mắt một người tìm việc, sự hoang tàn trong đôi mắt người bệnh liệt giường, hay đơn giản là đôi mắt nài nỉ của một chú mèo nhỏ, thì chúng ta cần phải, như Đức Mẹ, lo cho họ, và bảo đảm có ai đó giúp cho họ khỏi bị mất phẩm giá, bằng cách mở lời: “Họ hết rượu rồi!”

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *