THÁNH ANTÔN PADUA, LINH MỤC-TIẾN SĨ HỘI THÁNH

Lòng tôn sùng rộng rãi và mạnh mẽ đối với thánh Antôn Padua thật lạ lùng so với những sự kiện đời ngài. Ngài sinh năm 1195 có lẽ gần Lisbonne, với tên gọi là Fernandô. Cha Ngài là hiệp sĩ và viên chức tại triều đình hoàng đế Alphongsô thứ II, vua nước Bồ Đào Nha. Fernandô được gởi đi học trường nhà thờ chánh tòa tại Lisbonne. Nhưng vào tuổi 15, Ngài gia nhập dòng thánh Augustinô.

Sau hai năm tại nhà dòng, Ngài xin được chuyển về Coimbra vì bạn bè đến thăm quá đông. Tu viện Coimbra có một trường dạy Thánh kinh rất danh tiếng. Tám năm trời Fernandô nỗ lực học hỏi và đã trở thành học giả sâu sắc về thần học và kinh thánh. 

1. Biến cố thay đổi

Ngày kia với nhiệm vụ tiếp khách, ngài săn sóc cho 5 tu sĩ Phanxicô đang trên đường tới Morocco. Về sau họ bị tàn sát dã man và thi hài họ được đưa về Coimbra để tổ chức quốc táng. Fernandô mong ước hiến đời mình cho cánh đồng truyền giáo xa xăm. Nôn nóng với ước vọng mới, Fernandô phải tiến một bước bất thường đầy đau khổ là rời bỏ dòng Augustinô để nhập dòng Phanxicô. Nhà dòng đặt tên ngài là Antôn và chấp thuận cho ngài tới Moroccô. Nhưng vinh dự tử đạo không được dành riêng cho ngài. Ngài ngã bệnh và phải trở về nhà. Trên đường về, con tàu bị bão thổi bạt tới Messina ở Sicily. Thế là An tôn nhập đoàn với anh em Phanxicô nước Ý. Có lẽ thánh nhân có mặt trong cuộc họp ở Assisi năm 1221, và gặp thánh Phanxicô ở đây. Ít lâu sau ngài được gởi tới viện tế bần ở Forli gần Emilia để làm những công việc hèn hạ.

2. Biến cố tiếp theo

Dầu vậy một biến cố bất ngờ khiến người ta khám phá ra khả năng đặc biệt của thánh nhân. Trong một lễ nghi phong chức ở Forli nhà giảng thuyết đặc biệt vắng mặt. Không ai dám thay thế. Cha giám tỉnh truyền cho An tôn lên tòa giảng. Antôn làm cho khán giả kinh ngạc. Người ta thấy ngay trước được rằng ngài là một nhà giảng thuyết bậc nhất. Hậu quả tức thời ngài được chỉ định làm nhà giảng thuyết trong cả Italia. Đây là một thời mà Giáo hội cần đến những nhà giảng thuyết hơn bao giờ hết để chống lại các lạc thuyết. Kể từ đó nhà tế bần Forli không còn gặp lại Antôn nữa. Ngài du hành không ngừng bước từ miền nam nước Ý tới miền Bắc nước Pháp, hiến trọn thời gian và năng lực cho việc giảng dạy. Sự đáp ứng của dân chúng đã khích lệ ngài nhiều, các nhà thờ không đủ chỗ cho người đến nghe. Người ta phải làm bục cho ngài đứng ngòai cửa. Nhưng rồi đường phố và quảng trường đã lại chật hẹp quá và người ta lại phải mang bục ra khỏi thành phố tới những cánh đồng hay sườn đồi, nơi có thể dung nạp những 20, 30, 40 ngàn người đến nghe ngài. Nghe tin ngài đến đâu, thì nơi đó tiệm buôn đóng cửa, chợ hoãn phiên họp, tòa ngưng xử án. Suốt đêm dân chúng từ khắp nơi đốt đuốc tụ về. Dường như bất cứ ai một lần chịu ảnh hưởng của thánh Antôn thì không có gì chống lại được sự lôi cuốn bởi các bài giảng của ngài.

Ngài thường mạnh mẽ chống lại sự yếu đuối của hàng tu sĩ qua những tội nổi bật trong xã hội đương thời như: tính tham lam, nếp sống xa hoa, sự độc đoán của họ. Đây là một giai thoại điển hình: khi ngài được mời để giảng ở hội đồng họp tại Bourges, dưới sự chủ tọa của tổng giám mục Simon de Sully. Với những lời mở đầu “Tibi loquor cornute” (Tôi xin thưa cùng ngài đang mang mũ giám mục trên đầu), thánh nhân tố giác vị giám mục mới tới, làm mọi thính giả phải kinh ngạc.

Cũng tại Bourges, nên ghi lại một phép lạ lừng danh về một con lừa thờ lạy bí tích cực trọng. Với một người Do thái không tin phép Bí tích Mình Thánh. Thánh nhân nói:

– Nếu con lừa ông cưỡi mà quỳ xuống và thờ lạy Chúa ẩn mình dưới hình bánh thì ông có tin không?

Người Do thái nhận lời thách thức.  Hai ngày ông ta không cho lừa ăn rồi dẫn tới chỗ họp chợ, giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh Antôn kiệu Mình Thánh Chúa đi qua, con vật quên đói quay sang thờ lạy Chúa. 

Mùa chay cuối cùng thánh Antôn giảng ở Padua.  Và người ta còn nhớ mãi sự nhiệt tình mà thánh nhân đã khơi dậy.  Dân địa phương đã không thể nào tìm ra thức ăn lẫn chỗ ở cho đoàn người đông đảo kéo tới.  Nhưng sau mùa chay này, thánh nhân đã kiệt sức.  Ngài xin các bạn đồng hành đưa về nhà thờ Đức Maria ở Padua để khỏi làm phiền cho chủ nhà trọ.  Không nói được nữa,  ngài dừng chân ở nhà dòng Đức Mẹ người nghèo ở Arcella.  Tại đây, người ta đặt ngài ngồi dậy và giúp ngài thở.  Ngài bắt đầu hát thánh thi tạ ơn và qua đời giữa tiếng ca ngày 13 tháng 6 năm 1231 khi mới 36 tuổi.  Ngài được phong thánh một năm sau, ngày 30-5-1232.  Năm 1946, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh.

Năm 1263, trong ngày lễ thánh nhân, hài cốt thánh Antôn được đưa từ tu viện đến nhà thờ mới, dưới sự điều khiển của thánh Bonaventura.  Khi khai quật phần mộ, da thịt ngài đã tiêu tan hết, đặc biệt lưỡi thì còn y nguyên.  Thánh Bonaventura hôn kính “lưỡi đáng kính trọng” ấy, rồi thốt lên: “Bởi lưỡi thánh này đã ngợi khen Thiên Chúa và khuyên dụ nhiều người ngợi khen Thiên Chúa, nên Ngài đã gìn giữ lưỡi này còn nguyên vẹn cho đến bây giờ.”  Lưỡi ấy được đặt vào một bình bạc để trên cao cho mọi người tôn kính.  Từ đó, khách hành hương từ khắp nơi đến viếng nhà thờ và mộ thánh để cầu nguyện và xin ơn.  Thánh Antôn hằng ban ơn giáng phúc, chẳng những về thể xác mà nhất là về phần linh hồn.  Chính thánh Bonaventura đã chứng kiến và ca ngợi rằng: “Ai muốn nhờ phép lạ thì phải chạy đến cùng thánh Antôn.  Người cứu chữa lúc gian nan, giúp đỡ khi túng cực.  Hãy hỏi dân thành Pađua, hãy hỏi các khách hành hương, họ sẽ nói lên sự thật ấy. 

Người ta thường vẽ thánh Antôn bế Hài Nhi Giêsu vì Ðức Giêsu đã hiện ra với ngài.  Thánh Antôn là người hiểu biết thâm sâu, nhất là về Kinh Thánh, do đó Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên xưng ngài là “Tiến Sĩ Tin Mừng” hay Tiến Sĩ Kinh Thánh.

Thánh Antôn Padua đã hiến trọn thời gian và năng lực cho việc giảng dạy về tình yêu Chúa.  Ước gì mỗi chúng ta cũng biết noi gương thánh nhân, can đảm hiến thân cho tha nhân, cho Tin Mừng nước Cha.

Tổng hợp

Xin xem thêm sách thánh Antôn Padua

https://suyniemhangngay.net/ 2016/09/04/thanh-anton-padua/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *