Ý NGHĨA VIỆC CHÚA LÊN TRỜI (có Youtube)

“Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi” (Mc 16,20)

Theo Thánh Luca, biến cố Chúa về trời mang chở một ý nghĩa sâu xa, nhằm biến đổi các tông đồ và khởi sự sứ vụ rao giảng Tin mừng của toàn thể Hội Thánh.  Thánh Luca thuật lại biến cố này để kết thúc Tin mừng và cũng để khởi đầu sách Tông đồ Công vụ.

Việc Chúa Thăng Thiên mang lại một âm hưởng sâu xa nơi các môn đệ.  Đối diện trước biến cố này, các ông ngỡ ngàng, mắt vẫn còn đăm đăm ngước lên trời cao (Cv 1,10), và chưa thể hình dung sự việc xảy ra như thế nào.  Nhưng sau đó, các ông đã hiểu.  Chính xác hơn, là các tông đồ đã dần dần hiểu ra và tiến sâu vào thế giới của huyền nhiệm khi nhớ lại những lời Đức Giêsu đã căn dặn.  Cuối cùng, “Các ông bái lạy Người.  Các ông trở về Giêrusalem lòng đầy hân hoan, và họ ở trong đền thờ, ngày đêm chúc tụng Chúa (Lc 24,52-53).

Thoạt đầu, phản ứng của các tông đồ khiến chúng ta dễ đặt nghi vấn.  Đức Giêsu vừa “rời bỏ” các ông.  Sự ra đi nào cũng để lại biết bao sầu thương và nỗi nhớ.  Các ông buồn, nhưng sau đó các ông lại “ngập tràn niềm vui.”  Tại sao các tông đồ lại có phản ứng trái chiều mau lẹ đến thế?  Chúng ta nhớ lại trong diễn từ ly biệt, ở phần cuối chương 13 của Tin mừng Gioan, Đức Giêsu báo trước là Ngài sẽ bỏ lại các ông, và tâm hồn các ông sẽ xao xuyến.  Nhưng sau đó Ngài trấn an và nói về Thánh Thần, là nguyên lý chữa trị những sầu buồn và tuyệt vọng (Ga 14-17).  Ngài nói với các học trò của mình đừng lo lắng, các ông sẽ không mất Ngài, nhưng Ngài vẫn ở với các ông mọi ngày cho đến tận thế qua một dạng thức khác, nhờ Thánh Thần.

Việc Chúa về trời khơi dậy niềm vui.  Các tông đồ sớm nhận ra rằng khi Đức Giêsu trở về với Chúa Cha, họ sẽ lãnh nhận được nhiều đặc phúc.  Trước hết, đó là quà tặng Thánh Thần.  Lời hứa về Chúa Thánh Thần sẽ được thực hiện tròn đầy.  Các tông đồ nhìn xem Chúa lên trời, nhưng lòng đầy vui mừng bởi vì các ông nhớ lại lời hứa của Chúa về “ Đấng sẽ đến.”  Những nghi ngại và sợ hãi dần tan biến.  Các tông đồ thâm tín rằng Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết và vẫn đang sống.  Qua sự phục sinh của Đức Kitô, các tông đồ trải nghiệm niềm vui, và hy vọng về sự chiến thắng trước mãnh lực tử thần.  Họ tín thác vào Chúa.  Vì thế, sự ra đi của Đức Giêsu để trở về với Chúa Cha đem lại cho họ niềm vui.  Niềm vui đó được cắt nghĩa với những lý do sau.

1. Đức Giêsu lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã sai Ngài đến trần gian.  Ngài đã tiếp nhận cái chết một cách bi thương và đã được quyền năng Chúa Cha làm cho sống lại.  Cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu là bằng chứng chắc chắn về ơn cứu độ và sự tha thứ tội lỗi (Do Thái 10,22-24).  Đây là căn nguyên niềm vui nơi các môn đệ cũng như nơi chúng ta.

2. Khi Chúa Giêsu về trời, Ngài đảm nhận vai trò trung gian giữa con người với Chúa Cha. Nhờ Ngài và với Ngài, chúng ta được thông dự vào thế giới thần linh cùng Chúa Cha (1Ga 2,1).

3. Khi Chúa lên trời, vương quốc vĩnh cửu của Ngài bắt đầu khai mở. Đó là vương quốc đánh bại kẻ thù là Satan và ác thần.  Thánh Phêrô đã viết: “ Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền (1P 3,22).

4. Cuối cùng, khi Đức Giêsu lên trời, Hội thánh được phú ban năng quyền để thực thi sứ mệnh Chúa trao phó. Khi nói về việc Đức Giêsu sống lại và lên trời, Thánh Phaolô trong thơ gửi giáo đoàn Êphêsô đã khẳng quyết: “Thiên Chúa đã đặt tất cả mọi sự dưới chân Đức Giêsu và đặt Người làm đầu toàn thể hội Thánh, mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Eph 1,22-23).

Đức Giêsu được đưa về trời, khai mở vương quốc bất diệt.  Ngài là Vua, là Chúa tể hoàn vũ và Satan không thể làm được gì đối với vương quốc ấy.  Satan cám dỗ con người để chúng ta quên đi Đức Kitô là Vua vũ trụ.  Ma quỷ làm mọi cách để cắt đứt sự liên lạc giữa chúng ta với Ngài.  Sách Tông đồ Công vụ thuật lại, trước khi bị ném đá đến chết, Thánh Stêphanô đã ngước mắt lên trời và thấy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Chúa Cha.  Các sách tân ước đều khải thị cho chúng ta hình ảnh Đức Giêsu Đấng Cứu thế, là Vua hoàn vũ, là Vua chiến thắng, để mời gọi chúng ta tin vào Ngài.

Trước sự kiện Chúa lên trời, tâm hồn các tông đồ ngập tràn niềm vui, chứa chan niềm hy vọng, và sẵn lòng rộng mở để thực thi sứ mạng mà Đức Giêsu đã chuyển giao.  Đây là ba nét căn bản đã làm đổi thay các tông đồ một cách toàn diện: Niềm vui, niềm hy vọng, và việc thực thi sứ mạng rao giảng.

Chớ gì mỗi người chúng ta hôm nay, cũng như các tông đồ năm xưa, có thể trải nghiệm niềm vui, và niềm hy vọng.  Đồng thời, tiếp nối dấu chân của các tông đồ, chúng ta hân hoan lên đường thực thi sứ mạng cứu thế mà Chúa Giêsu đã chuyển giao cho chúng ta trước khi Ngài trở về với Chúa Cha.

Keith Witfield – Lm. GB. Văn Hào SDB, chuyển ngữ

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *