Có người nằm mơ thấy đi vào một cửa hàng mới khai trương. Anh ta tò mò bước vào và thấy Chúa Giêsu và các môn đệ đang bận rộn bán hàng. Anh hỏi Chúa: “Chúa bán gì ở đây vậy?” Chúa mỉm cười: “Mọi thứ con người mơ ước.”
Thú vị quá, anh hỏi tiếp: “Con muốn sức khoẻ, gia đình hạnh phúc, công ăn việc làm tốt đẹp. Chúa có bán không?” Chúa gật đầu, hỏi lại: “Con còn cần gì nữa không?” Suy nghĩ một chút anh ta trả lời: “Con muốn mua sự bình an trong tâm hồn, hạnh phúc, khôn ngoan, và sự tự do khỏi mọi nỗi sợ hãi.” Nghĩ ngợi một chút anh thêm: “Không phải cho con mà cho hết mọi người!”
Chúa bảo anh ta sang quầy bên cạnh lấy hàng. Thánh Phêrô trao cho anh mấy gói nhỏ. Anh ngạc nhiên hết sức, quay lại nhìn Chúa. Chúa mỉm cười: “Con ơi, chắc con chưa hiểu rõ rồi. Ta không bán hoa quả. Ta chỉ bán hạt giống thôi.”
***************
Hạt giống của đức tin, sự bình an trong tâm hồn, hạnh phúc, khôn ngoan, và sự tự do khỏi mọi nỗi sợ hãi… được người gieo giống trong bài Phúc Âm hôm nay vừa đi vừa vung tay thoải mái gieo rắc hạt giống khắp nơi như chẳng quan tâm gì đến việc phung phí. Người nghe không thể nào hiểu nổi tại sao người gieo giống lại thiếu kinh nghiệm trồng trọt đến thế.
Câu chuyện người gieo giống không phải là về người đi gieo hoặc về hạt giống, nhưng là về tình trạng mảnh đất được gieo trồng. Không có hạt giống xấu, chỉ có những mảnh vườn chưa được khai thác.
Lời Chúa đến từ trời như nước mưa tưới đẫm mặt đất, đem lại hoa trái dồi dào (Is 55:10). Ân sủng từ trời cao dồi dào như những hạt giống rơi vãi khắp nơi, trên mảnh đất tâm hồn của người lành cũng như kẻ dữ. Lời Chúa không phân biệt đối tượng. Hạt giống đức tin chỉ có một loại như nhau, nhưng nó mọc lên như thế nào thì còn tùy thuộc vào tình trạng của mảnh đất được gieo trồng.
Tất cả chúng ta đều được lãnh nhận cùng một lời mời gọi để sống tự do như con cái Thiên Chúa, để đem những giá trị Tin Mừng thực hành vào đời sống thường nhật. Nhưng Người cũng biết chúng ta thường gặp những khó khăn cản trở trong việc thực thi Lời Chúa. Vậy, dụ ngôn người đi gieo giống phải chăng là lời cảnh báo cho chúng ta, đừng ỷ lại nhưng luôn cố gắng nỗ lực để hạt giống đức tin được sinh sôi nảy nở?
Có ba loại ảnh hưởng chúng ta cần phải lưu tâm.
Ảnh hưởng thứ nhất đến từ kẻ thù nội tâm, còn gọi là thần dữ hay ma quỷ. Đó là những thế lực đối nghịch với chân lý, được diễn tả bằng hình ảnh những con quạ đen chuyên đi ăn cắp hạt giống đức tin bên vệ đường. Thần dữ luôn luôn gây nghi ngờ và làm hoang mang, khiến ta đóng lòng lại trước chân lý. Ngày nay, thần dữ gieo hoang mang nghi ngờ vào tâm trí chúng ta bằng những thách đố về khoa học và đức tin, những va chạm của luân lý Kitô giáo và lối sống hiện đại, đang làm chao đảo nhiều người trong chúng ta. Những câu như: “Cái đó xưa quá rồi”, hoặc “Điều đó đâu có làm hại ai”, hoặc “Ai cũng làm vậy mà” và những câu tương tự thường được lập đi lập lại trên môi miệng mỗi người. Cuối cùng rồi không khéo, chúng ta sống cũng chẳng khác gì những người không có đức tin. Hạt giống đức tin, hạt giống nhân bản, đạo đức không có đất để cắm rễ.
Ảnh hưởng thứ hai đến từ sự tìm kiếm bản thân, ưa chuộng bề ngoài hơn chiều sâu. Đó là hình ảnh của thửa ruộng ít đất đầy sỏi đá. Người ta dễ dàng bỏ qua những đòi hỏi của chân lý để tìm kiếm những lối sống, kể cả lối sống đạo, dễ dãi hơn. Chúng ta thường nghe nói “Đạo tại tâm, tôi sống vậy đủ rồi”, hoặc “Sao mà theo đạo rắc rối, đòi hỏi nhiều thứ quá?” Khuynh hướng sống hưởng thụ, ích kỷ ngày càng sói mòn những giá trị căn bản.
Vì thiếu chiều sâu nên khi gặp nguy nan trắc trở, gian nan thử thách người ta dễ dàng chán nản buông xuôi. Đâu rồi lòng quảng đại, tinh thần nhẫn nhục hy sinh? Đâu rồi lòng hiếu thuận trong gia đình, sự trung tín giữa vợ chồng? Chuyện bỏ mình vác thập giá mỗi ngày đi theo Chúa Kitô càng lúc càng khó thực hiện.
Ảnh hưởng thứ ba đến từ xã hội và môi trường được diễn tả bằng thửa đất đầy gai góc trong dụ ngôn. Trong cuộc sống quá bận rộn của ngày nay, hạt giống tin mừng phải cạnh tranh với bao thứ mời mọc quyến rũ. Thế gian khuyến khích chúng ta tìm hạnh phúc nơi của cải, thành công, nổi tiếng, hoặc những thú vui chóng qua. Các phương tiện truyền thông báo chí hàng ngày tung ra những quảng cáo, những lời hứa hẹn, là nếu ta mua sản phẩm này, dùng dịch vụ nọ, thì đời ta sẽ thoả mãn, hạnh phúc hơn. Có khi những lời hứa hẹn mang mầu sắc tinh vi hơn qua những chủ nghĩa này, lý tưởng nọ. Nếu không chạy theo vật chất thì danh vọng hoặc quyền lực. Tất cả đang tạo cho chúng ta một thế giới ảo, cho rằng hạnh phúc đời người có thể dựa trên những gì đến từ thế giới này.
Cái giá phải trả của đời sống hiện đại thì khá nhiều. Người ta có nhiều tiền của hơn, nhưng lại ít tình nghĩa hơn. Nhà cửa to đẹp hơn, nhưng ít niềm vui hơn. Nhiều tiện nghi hơn, nhưng lại ít thời gian cho nhau hơn. Nhiều thuốc men hơn nhưng lại ít tráng kiện hơn. Nhiều thành công hơn, nhưng gia đình lại đổ vỡ nhiều hơn. Cuộc sống đầy đủ hơn, nhưng lại căng thẳng mệt mỏi nhiều hơn. Phải chăng đó là kết quả của một lối sống đặt vật chất trên tinh thần? Một lối sống đặt của cải, danh vọng, quyền lực trên con người. Con người loay hoay bận rộn với tất cả để rồi từ từ không còn biết mình thật sự là ai. Và Lời Chúa Giêsu cảnh báo năm xưa vẫn còn giá trị: “Được cả thế gian mà đánh mất chính mình thì được ơn ích gì?” (Mt 16:25-26).
Lời Chúa không phải chỉ để nghe xuông nhưng cần phải đưa vào cuộc sống. Để có năng xuất cao, nhà nông phải chuyên cần làm việc, phải cày lên sỏi đá, vứt bỏ gai góc, bón phân tưới nước đầy đủ. Cũng vậy Lời Chúa đòi hỏi kiên trì và nỗ lực nơi tâm hồn của mỗi người chúng ta để sinh hiệu quả.
Chỉ cần một câu Tin Mừng thôi nhưng nếu được suy gẫm kỹ càng và kiên trì thực hiện thì sẽ sinh kết quả gấp trăm. Đó là những mảnh đất tốt, sinh nhiều hoa lợi.
Bạn và tôi, chúng ta phải làm gì để hạt giống của Chúa sinh hoa kết quả trong đời sống chúng ta?
***************
Lạy Chúa, sau khi đã lắng nghe Lời Ngài, đã thấm nhuần hạt giống đức tin trong tâm hồn, xin cho con biết ý thức việc “THỰC HÀNH” Lời Chúa trong đời sống Kitô hữu của mình. Xin cho con nhận thức tầm quan trọng của việc “SỐNG” Lời Chúa sẽ quyết định số phận sống còn của hạt giống đức tin chứ không phải là việc “NGHE” Lời Chúa.
Bảo Lộc