Thông thường tôi thích ngắm các tấm hình dọc hơn là hình ngang. Tuy thế, khi nhìn tấm hình này, nhiều ý tưởng nảy lên trong đầu tôi. Tôi cảm được một điều gì nơi bức hình này. Nói cách khác, bức hình này đang nói với tôi điều gì. Chia sẻ với bạn điều tôi cảm nhận nơi tấm hình này.
Thoạt đầu, tôi đặt tên cho tấm hình là “Nụ Tầm Xuân” như tựa một bài nhạc của Phạm Duy. Nhưng có nhiều cây đâm chồi, nảy lộc vào những mùa khác không nhất thiết vào mùa xuân. “Tái Sinh” diễn tả đúng ý nghĩa tấm hình này hơn. Sinh ra lần nữa.
Cái phông
Tôi bắt đầu từ cái phông hình phía sau và đi dần ra trước. Cái phông là nền tảng của tấm hình. Như đời sống con người, mọi sự chúng ta đang có, khởi đầu ở một thời điểm nào đó trong quá khứ. Có hôm qua mới có hôm nay.
…Nếu không có ngày gạt nước mắt ra đi, lênh đênh trên biển cả bốn ngày năm đêm, tôi đâu đến được bến bờ tự do hôm nay.
…Những ngày đầu đến đất Mỹ, nếu không có những ngày vất vả vừa đi làm, vừa đi học, tôi đâu có được việc làm tương đối nhẹ nhàng, thoải mái như bây giờ.
…Nếu không có buổi đầu gặp gỡ, quen nhau, yêu nhau, lấy nhau, chúng tôi đâu có được hai đứa con ngoan, quây quần bên nhau trong các bữa cơm chiều, trong giờ kinh nguyện tối.
…Nếu…và nếu…
Nhưng sao cái phông lại mờ? Có người hỏi. Đó chính là dụng ý của tác giả. Cái phông mờ để làm rõ nét, nổi bật ý chính nơi hai chiếc lá. Nếu cái phông phía sau rõ, sẽ làm chia trí người ngắm, và hai chiếc lá không còn là trọng tâm của tấm hình, ý tác giả muốn nói. Nghĩ đến đây, tôi nhớ đến năm, sáu năm về trước khi còn làm việc trong giáo xứ, trong chức vụ đoàn trưởng ca đoàn. Các bạn ưu ái bầu tôi luôn hai nhiệm kỳ. Đến nhiệm kỳ thứ ba, tôi xin rút lui. Không phải vì tôi muốn trốn tránh trách nhiệm; tôi rút lui, để các bạn trẻ khác có cơ hội phát triển tài năng của họ. Ở lâu, mọc rễ, là điều không tốt. Tôi đã gặp và biết có nhiều người từ giáo dân đến cha, rất nhiệt tình muốn phục vụ trong các ban ngành trong giáo xứ. Vì “quá” nhiệt tình, họ không muốn rời chiếc ghế chủ tịch, cha sở. Tuy không nói ra, nhưng trong chức vị họ đang giữ, phần nào cũng làm nở mặt, nở mày khi được giới thiệu: “Đây là ông chủ tịch.” “Đây là cha sở cộng đoàn…” Họ sợ thay đổi. Sự thay đổi thường đưa đến những bất đồng. Số giáo dân thích sẽ ở lại. Số không thích có thể bỏ đi qua xứ khác. Vô tình lòng nhiệt thành của họ làm bước cản cho sự thăng tiến của cộng đồng. Các cha trẻ không có được cơ hội phát triển tài năng. Các bạn trẻ thiếu tiếng nói trong các ban ngành.
Biết lui lại làm một cái phông mờ để những mầm non có cơ hội phát triển, vươn lên, nổi bật hơn là điều tốt nên làm. Để nhận ra điều này cần có lòng khiêm nhượng.
Những vết nâu, xám
Những vết nâu, xám mờ như là những tì tích, vết nhơ, tội lỗi tôi đã phạm. Có những tội tôi đã quên. Nhưng cũng có những tội tôi không quên, tôi giữ hoài trong lòng. Tôi tự giam mình trong quá khứ tội lỗi. Tự hủy diệt mình. Người tôi xúc phạm, và cả Thiên Chúa, tất cả đã tha thứ cho tôi. Còn tôi, cho đến bao gìờ tôi mới biết tha thứ cho chính mình? Quyền quyết định nơi tôi.
Hai chiếc lá
Hai chiếc lá xanh tươi mọc và lớn lên cùng một lõi của nhành cây như hình ảnh của vợ chồng. Cả hai trở nên một trong tình yêu và đức tin. Tuy xuất phát từ một nhành, nhưng mỗi chiếc lá có nét đặc thù riêng mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên từ thuở ban đầu. Trở nên một trong tình yêu và đức tin không có nghĩa là em phải biến đổi con người em giống như anh từ lời ăn, tiếng nói, điệu bộ, v.v… Em thương anh nhưng em vẫn luôn là em. Một chị bạn, người ngoại, nhưng lập gia đình với người Công Giáo. Đạo ai nấy giữ. Hơn 26 năm chung sống, anh chị thật hạnh phúc bên nhau vì họ có tình yêu.
Trong thư thứ nhất của thánh Gioan, chương 4, câu 8 viết: “Thiên Chúa là tình yêu.” Vậy người có tình yêu, họ có Thiên Chúa. Như hai chiếc lá sinh ra và lớn lên trên cùng một nhành, cũng thế mọi người chúng ta được tạo dựng theo giống hình ảnh của Thiên Chúa, cùng một nguồn. Hình ảnh thật của Thiên Chúa chính là tình yêu.
Nhành cây
Chính vì nhành cây đi từ trên xuống đã gợi cho tôi ý tưởng để viết. Sự sống phải bắt nguồn từ trên: từ Thiên Chúa, đến ông bà, ba, mẹ. Dòng máu của các ngài đang lưu luân trong tôi. Nếu tôi biết sự sống của tôi từ đâu đến, tôi sẽ yêu qúy nó, và không tự hủy diệt mình. Sự sống đó là kết tinh tình yêu của Ba Mẹ tôi, là món quà chính Thiên Chúa ban tặng cho tôi.
Nhành cây không lá, khô cằn khô cõi, tưởng chừng nó đã chết, trở nên vô dụng, vứt đi. Bỗng một ngày, với một phép lạ nhiệm mầu, nó sống dậy, tươi xinh, cho hoa, cho lá, hương thơm, trái ngọt. Có dịp vào trại tù San Quentin nói chuyện, sinh hoạt với các anh, các em Việt Nam trong đó, tôi mới thật sự hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của họ. Những gì tôi đọc trên báo, nghe qua đài truyền thanh, T.V. không phản ảnh đúng, có khi họ còn phóng đại thêm cho tin sốt dẻo. Là người Công Giáo, tôi phải đứng về bên “Pro-Life” “Bảo tồn sự sống.” Nhưng không, tôi đã chọn bên “Pro-Death” “Sự chết”. Nhưng rồi một ngày Thiên Chúa đã thay đổi con tim sắt đá của tôi bằng một con tim thịt mềm. Nó biết rung động, rơi lệ, xót xa khi nghe tin một tù nhân sẽ bị kết án đúng 12 giờ sáng…
Hai anh bạn tôi quen ở San Quentin, sau hơn 23 năm nay đã ra. Thỉnh thoảng có dịp xuống Quận Cam, anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng. Hai anh đã có công việc làm tốt. Tuy vậy, một anh vẫn mong ước sau khi mãn hạn tù treo, anh sẽ xin làm việc thiện nguyện để giúp các em Việt Nam và Mễ trong các băng đảng, đừng lầm đường, lỡ bước như anh đã một lần bước vào. Với phép lạ nhiệm mầu, nhành cây khô bắt đầu đơm bông, ươm trái cho đời.
Hãy cho người thân của bạn một cơ hội quay về. Hãy thắp lên một ngọn nến yêu thương trong đêm vắng, biết đâu đứa con hoang đàng của bạn đang trên đường trở về. Hãy cho họ một cơ hội tái sinh.
Lữ Khách
10-24-2007