Vào Chúa Nhật Phục Sinh chúng ta được nghe công bố Tin Mừng Gioan 20:1-9, Ngôi Mộ Trống. Nếu thấy ngôi mộ trống là tin Thầy mình, Đức Giêsu thành Nazarét, đã sống lại thì chưa đủ yếu tố để tin. Giả thuyết xác bị trộm thì không đúng vì chẳng có ai đi ăn trộm xác chết đã bắt đầu sình thối mà lại bỏ giờ tháo các băng vải đầy máu me của xác chết ra, rồi xếp lại gọn gàng. Chỉ có mấy tên điên mới làm điều đó. Nhìn theo nghĩa đen thì chúng ta chỉ có thể chứng minh được như vậy, chúng ta được mời gọi nhìn biến cố này bằng một ánh mắt khác. Mời anh chị em cùng tôi đi với Thánh Phêrô đến mồ sáng hôm đó.
Thánh sử Gioan kể rằng các phụ nữ sáng sớm ra mộ và thấy mộ trống thì hốt hoảng chạy về báo tin cho Thánh Phêrô và “người môn đệ Chúa yêu,” mà chúng ta thường liên tưởng đến Thánh Gioan Tông Đồ. Lúc đó các môn đệ của Đức Giêsu đang hoang mang vì biến cố tang thương của Thầy mình và sợ hãi vì cuộc lùng bắt của các Thượng tế. Khi nghe các phụ nữ báo tin, các Ngài càng thêm hoảng sợ. Thử hình dung tâm trạng của Thánh Phêrô lúc đó, đang đau buồn vì chối Thầy mình và tức giận vì chúng nó giết Thầy mình. Khi nghe tin các phụ nữ báo, Ngài nghĩ ngay đến đám Thượng tế và Pharisêu thế nào cũng là những kẻ chủ mưu trong vụ này. Tức giận đến độ muốn phát điên, Ngài đã mở toang cửa bước ra. Chúng nó “chơi bẩn” quá độ, chúng đã giết Thầy mình rồi mà nay cái xác của Thầy mình mà chúng cũng chẳng tha. Tao sẽ “chơi” đủ với chúng. Tao mà bắt được thằng nào làm chuyện này thì tới đâu tao cũng “chơi” hết. Đi theo Thầy đã nhiều năm mà Ngài còn dám vác dao chém người ta thì thử nghĩ trước khi gặp Thầy Giêsu cuộc sống của ông Simon Phêrô này dữ tợn cỡ nào. Khi mà ông ta đang tức giận và nổi khùng lên thì chắc chẳng ai dám bén mảng đến gần hay can gián Simon đâu.
Thánh Phêrô và Người môn đệ Chúa yêu đi ra mộ. Ngài quên mình là kẻ đang bị lùng bắt, ngài quên cả nỗi sợ hãi của mình, trong tâm trí Ngài lúc đó chỉ còn hình ảnh Thầy mình mà thôi. Và Thánh sử viết: “Cả hai cùng chạy.” Văn hóa, xã hội, tôn giáo và chính trị của Do Thái thì không có chạy, vì khi chạy là có chuyện náo động, ai chạy thì lính Roma bắt và đánh đập vì làm huyên náo. Khi chạy, các Ngài đã thoát ra ngoài và vượt lên trên tất cả những lề luật của văn hóa, xã hội, tôn giáo và chính trị. Người môn đệ Chúa yêu chạy đến mộ trước nhưng chờ Thánh Phêrô vào trước rồi mới theo vào sau. Thánh Phêrô được Đức Giêsu chọn làm đầu Giáo Hội, là người đại diện Giáo Hội. Người môn đệ Chúa yêu đi vào theo sau Thánh Phêrô là hình ảnh Người Môn Đệ của Chúa đi vào mồ với Giáo Hội và trong Giáo Hội.
Thánh Phêrô và Người Môn Đệ thấy ngôi mộ trống với các băng vải và khăn che mặt được xếp riêng một nơi. Họ đi vào mồ với tâm trạng hoang mang, tức giận, hận thù và đau đớn… một tâm hồn đầy thương tích. Thầy của họ, Đức Giêsu thành Nazarét, là Thiên Chúa và là một con người bằng xương bằng thịt, cũng đã vào mộ với những vết thương tích của trần thế và băng vải cột chặt theo văn hoá và tôn giáo của người Do Thái. Đức Giêsu đã tháo gỡ tất cả những băng vải đã cột chặt, bó buộc Ngài với một văn hoá; một tôn giáo và một thân xác con người. Đức Giêsu đã sống lại và trở lại với hình ảnh nguyên thủy của Ngài là một Chúa Giêsu, một Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã để lại tất cả những đau thương ràng buộc của đau khổ và Bóng Tối ở trong mồ, Ngài bước ra với một thân xác mới và một sự sống mới. Với khả năng hạn hẹp của con người, chúng ta chưa ai có được sự cảm nghiệm thân xác Phục Sinh của Chúa Giêsu như thế nào, vì Ngài có thân xác để có thể ăn uống và đụng chạm được như chúng ta, nhưng lại có thể đi xuyên qua tường và có thể thay hình đổi dạng như bóng ma. (Mc 16:12).
Thánh Phêrô và Người môn đệ Chúa yêu cũng đã đi vào mồ với những ràng buộc của thân xác con người: hoang mang, đau đớn, tức tưởi, hận thù, v.v… là những băng vải đã ràng buộc họ trong lề luật, văn hoá, tôn giáo, để được chính Chúa Giêsu tháo gỡ những băng vải đó. Họ đã vào và đã tin, đã đi ra khỏi mồ với một thân xác mới, con người mới, một trái tim mới và một đức tin mới. Họ ra khỏi mồ với một tâm hồn đầy Thần Khí Yêu Thương, Tha Thứ, Nhân Từ và xác tín vào Thiên Chúa.
Mỗi Người Môn Đệ của Chúa cũng được mời bước vào mồ với Thánh Phêrô và với Giáo Hội trong Tin Yêu để được chính Chúa Giêsu tháo gỡ những băng vải của tất cả những nỗi lo lắng, hoang mang, thành kiến, vết thương tâm hồn, hiểu lầm, uất ức, hận thù, ganh ghét, đam mê, v.v… để có thể bước ra khỏi mồ cùng với Thánh Phêrô và Giáo Hội với một thân xác mới, con người mới, một trái tim mới đầy tràn Thần Khí và Yêu Thương. Nhờ vào ân sủng, lòng nhân từ và hay tha thứ của Thiên Chúa, Người Môn Đệ bước vào mồ để được bỏ lại trong mồ những gì thuộc về Bóng Tối của Sự Dữ để bước ra khỏi mồ với một sự sống mới trong Ánh Sáng Tin Yêu của Thiên Chúa và được sống sung mãn trong Ngài. Người Môn Đệ đã sống lại với Chúa Giêsu. Người Môn Đệ đã bước ra khỏi mồ với dấu ấn từ tấm khăn che mặt của Đức Giêsu được in lên trọn thân xác và tâm hồn mình để thân xác mới này chỉ còn mang một khuôn mặt: Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.
Người môn đệ Chúa yêu này là ai? Là Người Môn Đệ yêu Chúa và muốn dấn thân theo Chúa.
Người Môn Đệ là ai? Là những người đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành.
Những người này là ai? Họ không phải là các môn đệ của Đức Giêsu thành Nazarét năm xưa, mà họ là những Môn Đệ của Chúa Giêsu ngày hôm nay. Chính Thiên Chúa đã thương mời gọi họ làm nghĩa tử và làm môn đệ, để thay Chúa ; hợp tác với Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài. Họ là những anh chị em đã và đang đón nhận Ngài ; làm chứng nhân cho Ngài trong lời nói, cử chỉ và hành động trong cuộc sống mỗi ngày của họ.
Xin Thiên Chúa thương đón nhận mỗi người chúng con, dù rằng chúng con là những kẻ bất trung và bội ước, hay yếu đuối và mỏng dòn, được vào Ngôi Mộ của Chúa để chính Chúa tháo gỡ những băng vải ràng buộc chúng con trong Bóng Tối mà chúng con không có khả năng tự tháo gỡ, để chúng con được bước ra khỏi mồ với lòng đầy Tin Yêu và được sống Tự Do như Con Thiên Chúa, để thân xác và tâm hồn chúng con chỉ còn mang một hình ảnh là Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Amen.
Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
March 21, 2008