Hai vợ chồng trẻ ngồi bên nhau dưới mái tranh nghèo, họ thủ thỉ bên tai nhau:
Người chồng: “Anh sẽ làm việc gấp bội và một ngày kia, chúng ta sẽ giàu có.”
Người vợ: “Cưng ơi, chúng ta đã giàu có rồi, bởi vì chúng ta luôn luôn có nhau. Có thể một ngày kia, chúng ta sẽ có thêm tiền bạc thôi”
* * * * *
Bạn thân mến! Ðời sống mỗi người đều có những chỗ khuyết, chỗ hụt, những mất mát, yếu kém không thể bù đắp, nên ở đời có vẻ chẳng ai được hạnh phúc trọn vẹn. Ngay giữa lúc hạnh phúc nhất, cũng có điều làm bận lòng. Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nhắc đến bài giảng đầu tiên của Ðức Giêsu trên một ngọn núi, Ngài đã chỉ cho ta bí quyết để có hạnh phúc. Hạnh phúc thực sự là quà tặng của Thiên Chúa, nhưng con người cần sống tích cực để đón nhận những ơn phúc đó. Ðược Nước Trời, được Ðất Hứa, được thấy mặt Thiên Chúa, được Ngài ủi an, thương xót, và làm cho no thỏa. Những điều đó có nghĩa là sống thân tình với Ngài, được vui hưởng hạnh phúc viên mãn của chính Thiên Chúa. Chỉ nơi Ngài mới có hạnh phúc trọn vẹn, vững bền. Con người chỉ có hạnh phúc khi gắn bó với nguồn cội, với Ðấng đã, đang và sẽ ban cho mình tất cả. Nói cho cùng, người hạnh phúc là người biết mở ra, mở ra với Thiên Chúa và mở ra với tha nhân.
Người có tâm hồn nghèo khó là người thật sự nghèo, chẳng có nhiều của cải hay chỗ đứng trong xã hội. Khi cảm nghiệm nỗi bất lực của mình, họ khiêm tốn mở ra và phó thác cho Thiên Chúa. Chính lúc đó họ thấy mình bình an, vững vàng.
Người khao khát trở nên công chính là người mong nên thánh. Nên thánh là sống theo tinh thần của cả Bài Giảng Trên Núi. Nỗi khao khát không nguôi làm cho con người lớn lên. Nỗi khao khát đào sâu, để con người lãnh nhận được nhiều.
Người sầu khổ về mọi mặt sẽ được hạnh phúc, khi trong cơn đau, họ biết quay về với Thiên Chúa. Phúc cho ai thấy đau khổ của mình có ý nghĩa: đau khổ để đền tội, để phục vụ, để triển nở thiêng liêng. Ngay cả đau khổ vô lý cũng làm ta gần Ðấng trên thập giá.
Người bị bách hại, lăng nhục, vu khống là người có phúc. Ngay giữa ngặt nghèo họ vẫn cảm được niềm vui (Cv 5,41), vì họ dám sống và dám chết cho Thầy Giêsu.
Người hiền lành là người có lòng nhân đối với người khác. Họ học gương hiền lành của Thầy Giêsu (Mt 11,29), không lấy oán báo oán khi mình bị xúc phạm (Mt 21,5).
Người có lòng thương xót là người biết mở ra để cảm thông, đau nỗi đau người khác và chia sẻ những gì mình có.
Người có tâm hồn trong sạch là người ngay thẳng, thật thà, không giả hình, nhưng làm với ý hướng trong sáng. Chính sự trong sáng của thân xác và tâm hồn sẽ làm người ấy dễ gặp được khuôn mặt Thiên Chúa.
Người xây dựng hoà bình là người gieo an hoà khắp nơi, trong gia đình, ngoài xã hội và giữa các dân tộc. Họ giải toả những bất đồng, tháo gỡ những tranh chấp. Họ coi mọi người là anh em, con cùng một Cha.
Thời nào con người cũng lao đao đi tìm hạnh phúc. Phúc cho ai không khép lại để tìm hạnh phúc cho mình, nhưng biết mở ra để sống cho Chúa và tha nhân.
* * * * *
Lạy Chúa! xin cho con luôn vui tươi, dù có phải lo âu và nghèo khổ, xin cho con đừng bao giờ khép lại lòng mình, nhưng biết nghĩ đến những người chung quanh con.
Nếu như con yếu đuối, xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn, thông cảm và nhân từ hơn. Nếu bàn tay con run rẩy, xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi đến giờ sau hết của cuộc đời này, xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật như một lời kinh nguyện. Ước chi con được ra đi trong khiêm hạ và tín thác, như một lời xin vâng cuối cùng để con được về nhà Cha, tham dự bàn tiệc yêu thương muôn đời mà Cha đã dọn sẵn cho con. Amen.
R. Veritas