Cha Christian Grison đã qua đời tại Paris vào tháng 8 năm 2007 vừa qua, sau một thời gian ngắn nghỉ hưu và điều trị bệnh ung thư. Tin ấy được nhiều người Thượng trên cao nguyên Di Linh truyền miệng cho nhau rất nhanh chóng, cách riêng tại những nơi trước đây cha đã từng sống và làm việc trong công cuộc rao giảng Tin Mừng cho những người con của núi rừng trên vùng cao nguyên này.
Đối với người Thượng thì không có những hình thức để tang và cầu nguyện bề ngoài cho vị mục tử của họ, nhưng khi nghe cha qua đời thì hầu như ai cũng đều có những phản ứng tuy đơn sơ ngắn gọn nhưng đầy tâm tình thương nhớ, họ nói bằng tiếng Thượng của họ là sơnđàc bèp, nghĩa là thương cha, vì cha ngày xưa đã thương yêu họ, sống gần gũi với họ, chia sẻ buồn vui cuộc sống với họ trong nhiều năm trời ròng rã .
Khi ôn lại kỷ niệm về vị mục tử đã đi về nhà Cha trên trời, người ta không thể không nhắc đến lòng yêu thương vị tha của ngài đối với tha nhân và nhất là tâm hồn nóng bỏng đầy nhiệt huyết cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Một kỷ niệm đáng ghi nhớ nữa là trong cái đêm Vọng Phục sinh của năm 1975, một quả đạn trọng pháo đã cưa mất cái chân của cha. Với cái chân đó Cha đã từng lái xe trên khắp các buôn làng vùng Di Linh để phục vụ, để tìm kiếm những thanh thiếu niên Thượng nghèo và thất học, tạo cho các em cái cơ hội để được học hành nên người tốt cho xóm làng và cộng đồng.
Biến cố 1975 đã làm cho cha phải rời bỏ xứ Di Linh Thượng, nơi ngài đã gửi lại những giọt máu đào thấm sâu vào lòng đất tại trung tâm Brah-Yang với cái chân bị thương tật trầm trọng. Chính trong cái đêm ấy, ngài đã mãi mãi từ giã trung tâm Brah-Yang trong nước mắt đau thương.
Sau này khi mọi sự qua đi, đã có nhiều người tìm kiếm tin tức về cha, nhưng người ta chỉ có thể biết được rằng sau khi phục hồi cái đùi bị gẫy một cách lạ lùng ở quê hương nước Pháp của cha, cha đã sang Inđônêsia để tiếp tục công việc truyền giáo tại xứ sở này cho đến khi về hưu và qua đời tại Paris trong những ngày gần đây.
Có một lần duy nhất cách nay khoảng 7 năm, cha đã trở lại thăm Di Linh và gặp lại một số con cái, nhìn lại một lần cơ sở của trung tâm Brah-Yang mà ngài đã dày công xây dựng khi xưa. Sau đó ngài không còn trở lại Việt Nam nữa cho đến khi được tin ngài đã an nghỉ trong Chúa.
Thời gian năm tháng qua đi, nhưng kỷ niệm về vị mục tử thì vẫn còn sống mãi như một chứng từ về Thiên Chúa là Cha đầy tình yêu thương đối với con người.
(Trích từ simonhoadalat.com)
* * * * *
Bạn thân mến! Lời mời gọi của Chúa vang lên thật bất ngờ … Mấy chục năm trước đây, Ngài đã gởi tới cha Christian Grison lời mời gọi. Hơn hai ngàn năm trước, Chúa cũng đã gởi tới bốn môn đệ đầu tiên lời mời gọi: “Hãy theo ta”. Bốn môn đệ đầu tiên ấy là các ông Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan.
Ðoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta biết khi Ðức Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilê, Ngài tình cờ nhìn thấy bốn anh em đang làm việc, kẻ quăng chài, người vá lưới. Tất cả ở trong một bầu khí êm đềm và huynh đệ. Ðức Giêsu biết việc mình sắp làm, Ngài gọi những người Ngài muốn. Tiếng gọi của Ngài vang lên thật bất ngờ. Tiếng gọi đã mang đến những chia lìa đớn đau. Các ông đã phải từ giã nghề chài lưới, nghề đã nuôi sống gia đình vợ con, đã giúp họ trưởng thành, đã đem lại cho họ biết bao kỷ niệm buồn vui. Chấp nhận bỏ nghề là chấp nhận bấp bênh. Các ông nay phải sống trên bờ để đi theo một ông thợ mộc đã bỏ nghề! Hơn nữa, các ông còn phải từ giã gia đình và họ hàng thân thuộc. Chắc chắn Phêrô đã phải cố gắng lắm mới có thể chia tay với người vợ, người đã trở nên một phần xương thịt của ông. Giacôbê và Gioan cũng phải từ giã cha là ông Dêbêđê. Ông này sẽ sống ra sao, sẽ phải nương tựa vào đâu khi hai người con trai của ông ra đi? Tiếng gọi của Chúa có khi gây ảnh hưởng trên cả những người thân và đòi họ những hy sinh to lớn.
Chỉ sau một lời mời gọi, cả bốn người đã bỏ những điều rất quý và rất thân thương để đi theo Đức Giêsu. Thông thường người ta chỉ bỏ một điều cao quý vì một điều “cao quý hơn”. Chắc hẳn bốn môn đệ đầu tiên chẳng ngây thơ chút nào khi chọn đi theo Ðức Giêsu. Họ đã coi Ngài hơn cả cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp và tương lai.
Trong cuộc sống hôm nay, Chúa vẫn gởi đi lời mời gọi… Ngài gọi tôi, Ngài gọi bạn giống như xưa kia Ngài đã từng mời gọi các môn đệ…nhưng nhiều khi tôi giả vờ như không nghe thấy tiếng Chúa để khỏi phải đáp lại, khỏi phải từ bỏ và hy sinh. Có nhiều điều đang bám dính lấy đời tôi, làm tôi không dễ gì gỡ ra được: tiền bạc, sự ổn định, sự thoái mái tiện nghi, chút tiếng tăm địa vị, chút thỏa mãn nơi thân xác … Làm sao tôi có thể từ bỏ để theo Chúa? Từ bỏ là đặt mọi sự dưới Chúa, coi Ngài là giá trị cao nhất vượt lên trên mọi giá trị.
Phải có tình yêu lớn lao mới có thể từ bỏ những gì tôi đang ôm ấp dính bén. Từ bỏ trở thành thước đo tình yêu của tôi đối với Thiên Chúa.
Tôi phải gắn bó với điều tốt, nhưng cũng phải sẵn sàng từ bỏ để chọn điều tốt hơn theo ý Chúa muốn. Có lẽ Chúa không mời gọi bạn và tôi phải từ bỏ đời sống gia đình để sống đời thánh hiến tu trì, phải từ bỏ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày để làm nhưng điều cao cả vĩ đại. Nhưng Chúa mời gọi tất cả chúng ta phải từ bỏ sự ích kỷ và cứng cỏi của lòng mình để sống yêu thương hơn, phải bỏ chính bản thân mình, bỏ cái tôi của mình, bỏ mặt mũi danh dự và những ước mơ dính bén của mình để cho vinh quang của Chúa mỗi ngày được rực sáng hơn
* * * * *
“Hãy theo Ta!“ Đó là lời mời gọi lên đường mà Chúa đã gởi đến cho các môn đệ bên bờ hồ Galilê xưa kia. Lời mời gọi ấy không ngừng lại với các môn đệ nhưng vẫn còn tiếp tục vang vọng đến mỗi người chúng con hôm nay. Xin cho chúng con biết lắng nghe và đáp trả lời mời gọi của Chúa, biết mạnh dạn lên đường như các môn đệ xưa kia. Xin ban cho chúng con bình an và ân sủng của Chúa để mỗi ngày chúng con mạnh dạn hơn, quyết tâm hơn đi theo tiếng mời gọi mà Chúa đã trao ban cho mỗi người chúng con. Amen.