“Yá Hường ơi, có khách.” Tôi đứng ngoài sân nói vọng vào nhà bếp báo cho soeur Hường biết. “Yá” là tiếng Bana của người Dân Tộc gọi các nữ tu. Yá Hường, nữ tu Dòng Thánh Phaolô, đang phục vụ cho người Dân Tộc và người phong hủi ở Kontum. Khách của Yá là những anh chị em người Dân Tộc nghèo và bị phong hủi. Nhìn cảnh các bà con Dân Tộc đem hai ba nải chuối đến xin Yá đổi gạo đem về ăn mà tôi nghẹn ngào. Đây là những tháng đói của dân rừng núi. Tôi ghé thăm Yá Hường vài ngày mà lúc nào cũng có “khách” mang chuối, mang củi đến đổi gạo về ăn. Nếu đem ra chợ bán thì mỗi nải chuối bán được khoảng một ngàn, mà giá một ký gạo rẻ tiền là sáu ngàn. Còn đem đến đổi với Yá Hường thì hai ba nải chuối Yá cũng đổi cho ba ký gạo mang về, chưa kể cho thêm một hai ký mì ăn liền cầm về, cho thêm áo quần, và dọn bữa cho ăn trước khi về. Nhiều bà con Dân Tộc đi từ mờ sáng mà đến trưa mới đến được nhà Yá Hường. Đổi được gạo rồi lại đi bộ về làng ba bốn tiếng đồng hồ nữa.
Tôi nói giỡn với Yá Hường: “Yá buôn bán kiểu này thì bao nhiêu tiền mới đủ, chi phí mỗi tháng để Yá giúp cho bà con Dân Tộc nghèo đói và người Dân Tộc phong là bao nhiêu? Yá ‘đẻ’ đâu ra tiền mà lo cho họ?” Yá cười: “Chúa cho sao thì xài vậy, có nhiều lúc tự nhiên có người Chúa gởi đến tiếp tế.” Yá cũng cố gắng xoay xở cách này cách nọ, mấy năm trước tôi ghé thăm thì thấy Yá nuôi được một bầy gà 2,500 con để kiếm trứng đem ra chợ bán, năm ngoái bị dịch gà làm tiêu hết trơn rồi. Năm ngoái có bò nhưng bị dịch bò lở móng nên nay cũng không dám nuôi. Trước có gà, bò, dê, heo, nay chỉ còn heo thôi. Vỗ cho heo mập để bán kiếm tiền nuôi 220 người Dân Tộc bị phong. Mỗi tháng Yá cung cấp cho mỗi người bị phong mười ký gạo, một ký cá khô, muối, đường, bột ngọt, v.v… Áo quần thì xin được nên đỡ phải lo khoản này. Còn “khách” đến đổi gạo về ăn thì đếm không xuể.
Yá Hường năm nay 74 tuổi. Một cụ già vào tuổi này thường ngồi nghỉ ngơi vui hưởng tuổi già với cháu chắt và để được con cháu trong nhà nuôi mình, còn Yá thì tất bật suốt ngày nuôi 220 bệnh nhân phong và các anh chị em Dân Tộc nghèo đói. Số tiền khách thành phố và Việt kiều ghé thăm cũng giúp được phần nào cho mục vụ này. Yá mở trại nuôi gà, heo, bò, dê để có tài chánh. Yá mua nho về làm rượu lễ bán, xác nho còn lại thì làm ché rượu cần bán, chuối và măng người Dân Tộc đem đến đổi gạo thì Yá ép làm chuối khô và măng khô để bán. Tôi tính nhẩm sơ sơ thôi thì Yá phải tìm ra trên một ngàn đô-la mỗi tháng mới đủ lo cho công tác phục vụ này. Quả bàn tay Thiên Chúa làm kỳ lạ! Ngài dùng một cụ già chừng nấy tuổi để nuôi chừng đấy người Dân Tộc và phong hủi. Muốn tìm Yá Hường thì cứ vào cái nhà bếp lụp sụp phía sau cùng của nhà Dòng thì thế nào cũng thấy Yá đang lum khum làm việc. Công việc ngập đầu mà lúc nào Yá cũng cười.
“Tính tiền đi bà chủ!” Tôi ghẹo Yá Hường. Sáng nào tôi dâng lễ cũng được bổng lễ một trăm ngàn (tương đương sáu đô-la, bằng hai ngày lương lao động ở Kontum) và sáng nào tôi cũng ăn nơi chỗ của Yá. Hôm nay ăn sáng xong thì tôi cười gọi tính tiền và đưa cho Yá mấy cái phong bì bổng lễ. Yá rất hiền hòa và bình dân nên ghẹo mà Yá vẫn cười. Phải nhìn nhận một điều là người không hiền hòa và bình dân giản dị thì không đến được với anh chị em Dân Tộc và đặc biệt là người Dân Tộc bị phong. Anh chị em Dân Tộc dễ thương lắm, người thân của họ bị phong mà họ chẳng bao giờ tách riêng ra mà cứ để sống chung chạ với nhau như bình thường. Yá Hường hiền và bình dân nên anh chị em Dân Tộc cứ liên tục đến viếng thăm.
Những công việc của Yá làm thường là việc “không tên.” Chuyện lớn mới kể tên được chớ việc nhỏ và làm lụi cụi suốt ngày trong bếp thì nhiều nhưng làm sao kể cho hết được, lặt rau, xắt thịt, rửa hành, rửa chén mà cũng kể thì đếm sao cho xiết. Vừa qua đại hội Giáo Phu của địa phận (các giáo lý viên người Dân Tộc) về họp lên đến 1.500 người. Đức Cha Micae tổ chức hội họp và nhờ Yá Hường đảm trách phần ăn cho anh chị em về họp ở Kontum. Cả khóa họp mấy ngày chẳng thấy Yá đâu cả, vì lúc nào Yá cũng túc trực trong bếp lo sửa soạn bữa ăn. Chiều hôm trước đã phải lo ướp thịt cắt rau để lo cho ngần ấy miệng ăn cho bữa trưa hôm sau. Xong nhóm này thì lại đến nhóm khác, cứ vậy mà nấu với xào. Hết đại hội Giáo Phu thì lại đến các khóa cầu nguyện và khóa huấn luyện. Vừa rồi các anh chị em Dân Tộc phong của địa phận bao gồm hai tỉnh Gia Lai và Kontum gồm 150 người đại diện đến họp để nhận quà Giáng Sinh. Nhóm Gia Lai do cha Nguyễn Văn Đông đảm trách và nhóm Kontum do Yá Hường coi sóc. Linh mục thì nhiều người biết, còn nữ tu thì không. Họ tụ đến tham dự lễ ở Kontum thì Yá Hường cũng được mời lo phần ẩm thực, tôi có “nhân đức ăn uống” nên cũng được mời đến tham dự. Được biết có hai anh chị ở Mỹ về thăm rộng lòng cho tiền mua quà Giáng Sinh cho các anh chị em Dân Tộc phong. Thánh Lễ, thuyết trình, sinh hoạt và cám ơn thì cha Đông lo, phát quà thì các ân nhân rất thích làm, còn việc bếp núc thì Yá cứ âm thầm vui vẻ phục vụ trong bếp.
Ngắm nhìn Yá Hường tôi thấy phản ánh cả hai khuôn mặt của Mát-ta và Maria trong Phúc Âm của thánh Luca. Mát-ta chỉ lo phục vụ mà thiếu sự yêu thương và cảm thông, còn Maria chỉ lo kết hiệp cầu nguyện với Chúa mà thiếu phần đem ra thực hành. Phục vụ mà không có tình thương thì chẳng ơn ích gì. Kết hiệp với Chúa mà không đem ra thực hành là yêu nửa vời. Nếu chỉ cầu nguyện là đủ thì Thiên Chúa đã ở trên trời cầu nguyện cho con người. Nếu cần cầu nguyện mà thôi thì Đức Giêsu đã sống ẩn dật trong hoang địa cả đời để cầu nguyện kết hiệp với Chúa Cha. Đức Giêsu đã phục vụ và cầu nguyện kết hiệp với Chúa Cha liên tục, để có sức sống của Thiên Chúa mà phục vụ trong quỹ đạo yêu thương của Ngài. Cho nên khuôn mặt trọn vẹn là phục vụ trong sự kết hiệp với Chúa. Bản chất con người là thích được khen và sợ bị chê, làm gì tốt thì muốn người ta biết đến. Yá Hường thì không, Yá cứ lui cui trong xó bếp âm thầm phục vụ trong niềm vui liên kết với Thiên Chúa là Cha tình thương và giàu lòng thương xót.
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã mở mắt tâm hồn để con được chiêm ngắm những anh chị em xung quanh đang trên đường dấn thân trong yêu thương phục vụ để con bắt chước sống theo. Xin dạy con biết phục vụ trong sự kết hiệp với Chúa. Xin nhắc nhở con bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và âm thầm “không tên” nhất, như quét nhà, rửa chén, xếp áo quần, chơi với em, nhịn một tiếng, dâng một lời nguyện cho bác ăn xin góc đường. Cám ơn Chúa đã cho con kinh nghiệm sống này. Năm mới con “vòi” Chúa “lì xì” tình yêu và ân sủng của Chúa, để con tiếp tục sứ mạng Chúa thương trao ban. Amen.
Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
January 4, 2008