CUỘC SỐNG VĨNH CỬU

Trong mười một mẫu gương phục vụ nổi tiếng nhất trong Giáo Hội trong năm 2001, tạp chí “Inside Vatican” (Trong Ðiện Vatican), đã đề cao cha Micheal Giorgie, dòng Phanxicô, vị linh mục tuyên úy của Ðội Cứu Hỏa, đã hy sinh trong khi cấp cứu các nạn nhân cuộc khủng bố ngày 11/09/2001 tại New York, Hoa Kỳ.

Cha Giorgie sinh ra trong một gia đình di dân gốc Ái Nhĩ Lan.  Là thành viên của đội cứu hỏa New York, cha săn sóc tinh thần cho các nhân viên cứu hỏa.  Một trong những nhiệm vụ của cha là an ủi và nâng đỡ tinh thần cho các gia đình của những nhân viên qua đời.  Mỗi ngày, cha chứng kiến nỗi đau khổ của không biết bao nhiêu người.  Cha không chỉ an ủi và nâng đỡ các nhân viên cứu hỏa, tất cả những ai quen biết cha đều chứng kiến cảnh cha chia sớt tiền của cho những người vô gia cư.  Và các bạn của cha sẽ không bao giờ quên được hình ảnh của vị linh mục ngồi cạnh giường bệnh của các em bé.  Người ta lại càng thấy rõ tấm gương hy sinh quảng đại ấy chiếu sáng trong khi cấp cứu các nạn nhân của cuộc khủng bố ngày 11/09/2001.  Khi những nhân viên cứu hỏa ùa vào trong tòa nhà thương mại thế giới đang bốc cháy để tìm cứu các nạn nhân, họ biết rõ mình đang đương đầu với chính cái chết, cha Giorgie cũng ý thức được điều đó, nhưng ngài vẫn cùng với họ len lỏi  vào tòa nhà đang sụp đổ.  Cha ban bí tích xức dầu bệnh nhân cho những người đang hấp hối.  Là người của niềm tin, cha tin ở ơn cứu rỗi muôn đời và cha đã hy sinh mạng sống để mang lại ơn cứu rỗi ấy cho những ai đang đối diện với sự chết.  Vị linh mục đã tháo bỏ chiếc mũ bảo vệ đội trên đầu để cử hành nghi thức cuối cùng cho một người lính cứu hỏa bị một người phụ nữ từ trên một cửa sổ của toà nhà thương mại quốc tế nhảy xuống đè chết.  Trong khi ngài cử hành nghi thức thì một khối gạch rơi xuống trúng đầu, ngài chết tại chỗ.

Cha Micheal Giorgie đã trả giá cuối cùng là chính sự sống của ngài.  Cha hy sinh mạng sống của cha cho các nhân viên mà cha hằng yêu thương và gọi là con cái của cha.  Năm người lính cứu hỏa đã mang cha vào trong một nhà thờ gần bên và đặt cha dưới bàn thờ trong y phục của một người lính cứu hỏa.  Họ khóc cha một lúc rồi trở lại hiện trường để cứu thêm những nạn nhân khác.  Giấy chứng tử của cha mang số 1, bởi vì thi thể của cha là thi thể đầu tiên được mang ra khỏi nơi đổ nát.

Tại New York, người ta nói rằng cha phải là người chết số một, bởi vì cha là người hướng dẫn bao nhiêu người khác vào cổng thiên đàng.

*******

Biến cố ngày 11/09/2001 sẽ mãi mãi được ghi khắc trong tâm khảm của mọi người trên khắp thế giới.  Bên kia bao nhiêu cái chết và bao nhiêu thương tích là hình ảnh của vô số những bậc anh hùng.  Nhiều người sẽ bị lãng quên nhưng một số sẽ mãi mãi tồn tại như những cột trụ của chiến thắng và khải hoàn với sự hy sinh quên mình.  Giữa khối vụn vỡ và cát bụi trổ sinh những bông hoa của hy sinh quên mình.  Trong thân phận bụi tro, con người phải trở về tro bụi.  Nhưng bên kia tro bụi là sự sống mà sự hiến thân vô vị lợi làm cho trở nên vĩnh cửu.

Chúng ta không chỉ suy nghĩ về thân phận mong manh bất toàn của kiếp người.  Niềm tin hướng cái nhìn của chúng ta về sự sống vĩnh cửu.  Nơi đó, chân lý về con người luôn được ngời sáng.  Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi.

*******

Lạy Chúa,  Trong khi mưu tìm cuộc sống giữa những thực tại chóng qua ở đời này.  Xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu.

R. Veritas

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *