“Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi… Nàng sẽ được gọi là đàn bà vì đã được rút ra từ đàn ông. Bởi thế người đàn ông đã lìa xa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St.2:23-24)
*****
Bạn thân mến! Trên đây là đoạn văn cuối cùng trong bài đọc thứ nhất của phụng vụ Chúa Nhật hôm nay. Phụng vụ Tin Mừng cũng nhắc đến sự bất khả phân ly trong đời sống vợ chồng: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc.10:9)
Lời Chúa trên đây đã vang vọng qua hơn hai mươi thế kỷ và ngày nay vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới. Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng? Tiếc thay số ly dị nơi các kitô hữu mỗi ngày mỗi tăng. Sống với nhau một vợ một chồng suốt một đời người đã trở thành một ước mơ khó đạt.
Trong xã hội Do Thái thời Đức Giêsu, người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới. Người vợ là một thứ tài sản của người chồng, nên chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ, có khi ly dị chỉ vì một lý do cỏn con.
Trước câu hỏi “Chồng có được rẫy vợ không?” (Mc.10:2). Đức Giêsu cương quyết nói KHÔNG. Ngài bênh vực các bà vợ bị áp chế. Họ không phải là một món hàng bỏ đi khi không cần. Lập trường của Ngài đi ngược với nền văn hóa và tôn giáo của thời xa xưa đó, cũng như thời đại của chúng ta hôm nay.
Khi người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật để biện minh cho việc ly dị đúng theo luật Môsê, Đức Giêsu lại trích sách Sáng Thế, để nhấn mạnh đến sự hiệp nhất vĩnh viễn của vợ chồng: “Họ không còn là hai, nhưng là một xương một thịt” (St.2:24). Điều này nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa. Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời. Đức Giêsu đến để hoàn chỉnh luật Môsê và khai mở trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa.
“Không còn là hai, nhưng là một” (St.2:24). Làm sao hai người lại có thể “trở nên một” nếu mỗi người không “cắt bỏ” đi phân nửa ? Cắt bỏ là việc làm đau thương lắm, chịu nhiều hy sinh lắm. Nhưng tình yêu là sức mạnh sẽ biến đau thương thành hạnh phúc, biến hy sinh thành hy vọng ngọt ngào. Chính tình yêu sẽ mang ta đến với nhau, sẽ giúp ta chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả và vượt qua tất cả. Và Thiên Chúa, Ngài cũng chính là Tình Yêu (1Ga.4:16)
Trong Lễ Cưới, không phải chỉ có hai người yêu nhau, lấy nhau và cam kết suốt đời sống cho nhau. Hôn nhân không chỉ là bản hợp đồng giữa hai bên. Còn cần một bên thứ ba nữa, đó là Thiên Chúa: Đấng phối hợp và làm cho hai bên trở nên vợ nên chồng. Thiên Chúa có mặt trong mỗi Lễ Cưới để ban ơn chúc phúc cho ta. Ngài cũng có mặt trong cuộc sống của mỗi gia đình để tiếp tục bảo vệ tình yêu, để ban ơn giúp sức cho ta duy trì hạnh phúc … ngay cả khi ta muốn bỏ cuộc.
Hãy cầu nguyện cho những cặp hôn nhân gia đình. Xin cho họ bớt một chút ích kỷ, thêm một chút khiêm tốn, bớt một chút tự ái, thêm một chút phục vụ, bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ… Nhờ đó họ cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ và tưới bón tình yêu hạnh phúc gia đình.
Hãy mở lòng để đón nhận ơn Chúa. Hãy dành cho Chúa một chỗ trong gia đình của ta, bạn nhé
*****
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao, xin Cha nhìn xuống những gia đình sống trên mặt đất trong những khu ổ chuột tồi tàn hay trong những biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến những gia đình thiếu vắng tình yêu hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu… những gia đình buồn bã vì hiếm muộn vắng tiếng cười trẻ thơ hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Xin cho mỗi gia đình chúng con biết cố gắng gìn giữ tình yêu, biết nỗ lực xây dựng hạnh phúc và nhất là biết kết hiệp mật thiết với Chúa vì chỉ có Chúa mới mang lại tình yêu và hạnh phúc cho chúng con trong cuộc sống hôm nay và ngay cả trong cuộc sống đời đời mai sau. Amen.
Tổng hợp từ R. Veritas