Thế giới ngày hôm nay của chúng ta đặt nặng về kinh tế và sản xuất. Dù không nói ra nhưng quan niệm thông thường là già cả không còn đi làm ra tiền được nữa thì một cách nào đó bị loại ra ngoài xã hội. Người già bên Mỹ sợ nỗi cô đơn của tuổi già vì con cháu đưa vào nhà dưỡng lão ám ảnh ngày đêm, ở Việt Nam thì người già đỡ bị cô đơn và bị ruồng bỏ hơn vì con cháu nuôi ở nhà. Con cháu nào còn kính mến và kính trọng thì phúc cho các ông bà cụ già đó, nhưng cũng không ít gia đình con cháu khinh thường làm các cụ ngậm đắng nuốt cay.
Tôi đến thăm bà cụ Tám đã gần 90 tuổi. Cụ ăn trầu cả ngày và thường thích lui cui dưới bếp dù chẳng làm được gì nữa, hoặc cụ ra trước hiên ngồi với mấy cụ hàng xóm nói chuyện trời mây cho hết buổi. Tôi ghé thăm thì cụ khoe là đang học… In-Lít (English) với mấy đứa cháu, cụ đọc mà tôi chẳng hiểu được lấy một chữ! Cụ nói mấy cháu học thì cụ ngồi nghe ké để cùng học với cháu để cho cháu vui, cháu vui là cụ vui rồi, còn cụ học được hay không thì đâu có gì phải lo. Mấy cháu nói cụ hát cho tôi nghe đi, thì cụ hát liền: “Khi Chúa thương gọi con về, con nói rằng con không về đâu, con bảo rằng ở đây vui lắm, Chúa đến mà xem với con nè.” Mấy cháu và mấy cụ hàng xóm nghe cả trăm lần rồi mà cũng vẫn phì cười với tôi. Theo một góc cạnh thì hát như vậy phản thần học quá tải, nhưng vấn đề ở đây là một cụ già gần đất xa trời mà vẫn sống trong hoan lạc, và là niềm vui cho những người chung quanh thì quả thật tôi hiếm khi gặp.
Thường tôi gặp các ông bà cụ già thì các đấng hay lắc đầu than thở là con cháu thời bây giờ không giống như hồi xưa của họ, biết vâng lời, kính trọng ông bà, cha mẹ. Hết than cháu thì đến chê con, hết chê con thì đến kêu trời, rồi đến than thân trách phận hết bịnh này đến bịnh nọ triền miên. Cụ Tám thì chẳng than với thở, cụ vẫn vui và yêu đời như thuở hai mươi, mấy cụ hàng xóm nói vậy. Cụ Tám là niềm vui cho mấy cụ quanh đó, cụ làm niềm vui cho gia đình con cháu.
Tôi thấy cụ Tám đang sống đích thật với Tinh Thần Vâng Phục. Cháu nói cụ học hoài không thuộc thì cụ chỉ nói “ờ” rồi cười, cụ biết đón nhận đầu óc quên trước quên sau của tuổi già. Mỗi khi trở trời thì các cụ ai cũng rên nhức mỏi, cụ Tám thì đón nhận thân phận làm người già yếu của mình mà chính Thiên Chúa đã tác thành nên chẳng than thở gì chỉ làm thêm gánh nặng cho con cho cháu. Cụ thích ngồi phệt dưới đất lắm nhưng con gái cụ trách hoài vì hơi lạnh nền gạch làm cụ dễ bịnh, muốn làm con vui nhưng cụ cứ quên hoài vì cả đời son trẻ nghèo khổ cụ có được mấy lần ngồi ghế đâu. Ngày nào con cũng nhắc cụ ngồi ghế, mỗi lần con gái nhắc là cụ lại lên ghế ngồi vui vẻ chẳng tự ái chi cả. Đã gần 90 mà cụ biết đón nhận và vâng phục đặc biệt là với con với cháu. Tôi cảm thấy như Chúa đang dùng cụ Tám để dạy tôi biết sống đích thật với tinh thần vâng phục, là biết chấp nhận những cái yếu đuối mỏng dòn của tôi và đón nhận thì hiện tại.
Ở trong dòng Tu thì có khuynh hướng hiểu Lời Khấn và Đức Vâng Phục là tuân lệnh bề trên, ở trong gia đình thì con cái vâng phục ông bà cha mẹ, tôi thiết nghĩ Tinh Thần Vâng Phục Chúa mời gọi người môn đệ của Chúa đi xa hơn như vậy. Tinh Thần Vâng Phục là biết lắng nghe, đón nhận, đối thoại và hợp tác. Nếu tôi là bề dưới và chỉ đón nhận và tuân lệnh bề trên mà thôi, còn bề ngang và bề dưới thì tôi chẳng coi ý kiến của họ ra gì thì tôi chẳng biết gì về tinh thần vâng phục. Cha mẹ nghĩ rằng con cái thì phải vâng phục trưởng bối mà cha mẹ không biết quan tâm lắng nghe những thao thức và ý kiến của con cái thì cha mẹ cũng chẳng hiểu tinh thần vâng phục tí nào. Hội họp với nhau mà tôi chỉ thấy ý kiến của tôi mới là hay còn những ý kiến đóng góp của người khác là dở hết thì tôi khó mà đối thoại và hợp tác được với ai vì tôi không có khả năng lắng nghe, và cũng đồng nghiã là tôi thiếu khả năng lãnh đạo.
Bản chất con người là hay so sánh, phân bì và ganh tị. Tôi nhớ hồi nhỏ khi tôi được cái bánh thì vui lắm và ăn ngon lành, nhưng khi thấy đứa bên cạnh có cái bánh to hơn, mắc tiền hơn, ngon hơn thì tự nhiên tôi không còn cảm thấy cái bánh tôi đang ăn là ngon nữa và tôi cảm thấy buồn bực. Lớn dần cái tính này bớt đi. Trong lớp Nhà Tập Dòng Tên của tôi có nhiều người học giỏi lắm, có những thầy chỉ học qua loa thôi là đã lấy được điểm A dễ dàng. Hồi đầu tôi bực bội lắm và hay nói với Chúa sao bất công vậy: “Con gắng học hết trang này đến trang khác mà cuối cùng cũng chỉ được điểm B, sao Chúa không cho con thông minh hơn một chút cho bằng người ta.” Càng tâm sự với Chúa thì tôi càng hiểu Ngài hơn. Chúa cho tôi nén bạc nào thì tôi hãy vui đón nhận nén bạc đó thì tôi hạnh phúc. Kinh nghiệm gặp Chúa này làm tôi hết so sánh, phân bì, ganh tị, và bắt đầu sống hạnh phúc và bình an trong Chúa. Nghe anh em chia sẻ với nhau người lấy thêm bằng cao học này, người dự tính lấy bằng tiến sĩ nọ, thì tôi lại vui khuyến khích anh em có khả năng thì ráng học hỏi thêm để đóng góp xây dựng Giáo Hội, còn tôi thì chịu, dốt quá thì học bao nhiêu cũng vậy thôi. Tôi vui nhận món quà nhỏ bé Chúa ban cho tôi.
Một lần tôi đi từ Phước Long về Sàigòn thì có một người thanh niên khoảng 35 tuổi đón xe đi về Đồng Xoài. Hai chân anh ta bị co rút nên anh đi “cà khệu” tưởng chừng như có thể sụm xuống bất cứ lúc nào. Anh ta khó khăn lắm mới leo lên được xe trước những đôi mắt lo ngại của hành khách, lên xe rồi thì anh ngồi cười nói rất vui tươi với mọi người. Hỏi thăm về anh thì anh kể là anh mới đi làm phụ hồ về làm ai nấy trên xe cũng ngạc nhiên, thầm nhủ người như anh thì ai mà mướn. Anh vui vẻ kể nhà anh ở Đồng Xoài, nhà nghèo có mẹ và ba anh chị em, anh là út, khi mẹ bị tai biến nằm bất toại thì hai anh chị bỏ đi biệt tăm, nên anh gồng mình để nuôi mẹ, ngày nào anh cũng đón xe lên vùng trên khoảng năm, mười cây số để làm phụ nề và mỗi ngày kiếm được 50 ngàn. Ai nghe cũng hiểu là chủ thầu xây dựng thương xót nên nhận anh làm mà thôi, chớ bình thường thì chẳng ai mướn anh đâu. Anh tươi cười kể chuyện đời anh và móc tiền ra trả tiền xe mà bà chủ xe cũng thấy bùi ngùi quá nên miễn lấy tiền của anh. Tới Đồng Xoài anh đã xuống rồi mà hình ảnh của anh cứ đọng lại trong tâm hồn tôi nhiều ngày. Gặp anh đã hơn tháng rồi mà hình ảnh của anh vẫn rõ nét trong trí óc tôi. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện thương tâm như thế, nhưng với một người bịnh tật như anh mà vẫn vui vẻ được thì tôi hiếm khi gặp. Mang thân phận sinh ra là đã bị hai chân co rút như vậy mà anh vẫn vui đón nhận, mẹ bị tai biến nằm bất toại làm hai anh chị lo sợ quá bỏ đi biệt tích mà anh cũng không trách, anh ráng làm gì được thì làm để nuôi mẹ. Càng nghĩ về anh thì tôi càng cảm phục vì anh đã và đang vui sống trọn vẹn với tinh thần vâng phục.
***************************************
Lạy Chúa, hở một chút là chúng con than vãn; trái ý một tí là chúng con bực bội, chúng con ít khi biết vui vẻ đón nhận những điều bất ưng xảy ra trong cuộc sống của chúng con để làm cho đời thêm tươi. Xin cho chúng con biết kết hiệp cùng Chúa luôn trong Đức Tin, Đức Cậy, và Đức Mến để chúng con biết đón nhận những điều trái ý trong cuộc sống thân phận con người mỏng dòn và yếu đuối của mình mà chính Thiên Chúa đã mặc lấy để chia sẻ cuộc sống và dạy cho chúng con cách sống đẹp lòng Chúa hơn. Lạy Chúa, xin tiếp tục dạy dỗ con để con sống đúng với Tinh Thần Vâng Phục mà Chúa mong mỏi con và mỗi người Kitô hữu noi theo. Amen!
Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
April 5, 2009