THAY ĐỔI TÂM HỒN

 

Có một người kia đến gặp một vị linh mục và nói: “Thưa cha, hôm nay con đến xin cha giúp con.  Con bê bối lắm: Mười điều răn Đức Chúa Trời, Sáu điều răn Hội Thánh, Bảy mối tội đầu, điều nào con cũng phạm hết.  Con xưng tội rồi, lại cứ phạm hoài.  Con muốn thay đổi nhưng con không biết bắt đầu từ đâu cả.  Con nản quá, muốn buông xuôi cho rồi.  Đằng nào cũng phạm tội thì phạm thêm tí nữa có sao đâu!  Nói thì nói vậy nhưng con vẫn thấy nó làm sao sao ấy.”

Vị linh mục cười và nói: “Cha kể cho con một câu chuyện nhé: Một người kia đi làm trên thành phố.  Sau Tết anh bị thất nghiệp, trở về quê buồn bã.  Nguời cha an ủi: Thôi con ạ, nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông thì nhì sĩ.  Con trở lại với miếng ruộng của gia đình mình đi.  Sáng mai con hãy ra làm cỏ năm sào ruộng để tháng tới chúng ta sẽ gieo mạ xạ lúa. Người con nghe lời, sớm mai vác cuốc ra đồng.  Nhưng khi nhìn thấy đám ruộng mênh mông chỉ toàn cỏ với cỏ, anh ngán ngẩm, tìm một gốc cây nằm ngủ.

Người cha biết chuyện, không la rầy, ôn tồn nói với con: “Mỗi ngày con làm cho cha một ít, 20 mét vuông thôi, con làm được không ?”  “Dạ, ít vậy thì được.”  Và cứ như thế, chẳng bao lâu đám ruộng đã sạch cỏ.

Vị linh mục tiếp lời: “Tâm hồn con bây giờ cũng như đám ruộng kia, đầy cỏ dại, nhưng con hãy bắt đầu đi rồi con sẽ thấy kết quả.  Rồi đây con sẽ còn sa ngã, nhưng điều quan trọng là luôn biết bắt đầu lại.  Tội con Chúa đã tha rồi, Chúa chỉ đòi hỏi con cố gắng mà thôi.”

Nhiều năm sau đó, vị linh mục nhận được một thiệp mời đi dự lễ khấn trọn đời của một tu sĩ ngài không hề quen biết.  Trong thiệp có ghi một hàng chữ sau: “Cám ơn cha đã chỉ cho con cách làm cỏ 15 năm trước đây.”

************************************

Bạn thân mến,

Thế là Mùa Chay lại về.  Một mầu tím bao trùm cả không gian cung thánh.  Mầu tím của thống hối.  Mầu tím của hy sinh.  Bước vào Mùa Chay, bước vào cuộc hành trình 40 ngày trong sa mạc với Đức Kitô, chúng ta được mời gọi để duyệt lại cuộc sống của mình.

“Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15).  Lời Chúa trong nghi thức xức tro hôm Thứ Tư Lễ Tro vừa qua cũng là chủ đề chính của bài Tin Mừng Chủ Nhật tuần này.

Câu chuyện trên đây cho thấy sám hối là một tiến trình dài hạn.  Nhưng sám hối là gì?  Sám hối như thế nào và tại sao phải cần sám hối?

SÁM HỐI

zzSám hối, nói theo kiểu văn chương hoa mỹ là “cải tà quy chánh” hay nói theo kiểu đạo đức bình dân là “ăn năn trở về”.  Sám hối là làm một bước ngoặc trong cuộc sống, là “thay đổi tâm hồn” – theo đúng nghĩa của danh từ “metanôia” được dùng trong Tân Ước.  Lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu theo Tin Mừng Marcô là lời mời gọi con người làm một vòng xoay, làm một cuộc cách mạng trong tâm hồn.  Giờ đã điểm.  Nước Trời đang gần đến.  Hãy quay lưng với tội lỗi.  Hãy quay về với Thiên Chúa Yêu Thương.

Lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng của Ngài, Đức Giêsu đã vào hoang địa 40 đêm ngày để ăn chay cầu nguyện và tìm hiểu thánh ý Chúa Cha.  Bốn mươi đêm ngày trong hoang địa nhắc nhớ 40 năm dân Israel chịu thử thách trước khi được vào Đất Hứa.  Bốn mươi đêm ngày trong hoang địa, Đức Giêsu đi vào hành trình tâm linh của dân tộc Ngài.  Hành trình của thử thách và cạm bẫy, nhưng đồng thời cũng là lúc rèn luyện tâm linh.

Trong Mùa Chay chúng ta sống lại kinh nghiệm này của Đức Giêsu để liên kết thâm sâu hơn với Ngài và với Chúa Cha.  Tôi đi vào sa mạc của tâm hồn để thấy rõ hơn những nhu cầu tâm linh mà bấy lâu nay tôi đã để thế giới vật chất làm lu mờ.  Nếu những cỗ máy, những chiếc xe cần được bảo trì hằng năm hầu có thể chạy tốt hơn, thì tâm hồn chúng ta cũng cần được bảo dưỡng như thế.  Mùa Chay là dịp để đổi mới tâm hồn.  Hàng năm, chúng ta có cơ hội để chùi rửa, lau sạch những vẩn đục trong tâm hồn qua việc cầu nguyện, ăn chay, bố thí.  Đó là những phương cách để từ bỏ tội lỗi và trở về với Người Cha nhân lành đang chờ đợi ta.

Đối với một số người, việc hãm mình mùa Chay có nghĩa là kiêng cữ một điều gì đó.  Cụ thể là nhịn rượu, thịt, thuốc lá, hay một thứ gì đó mình ưa thích.  Người khác thì xem mùa Chay là dịp để thực thi bác ái, để đến nhà thờ dự tĩnh tâm.  Dù dùng phương thế nào để tu sửa tâm hồn, điều quan trọng không phải là hình thức, nhưng là động cơ.  Nếu tôi kiêng ăn để thân hình được thon thả gọn gàng hơn, hoặc nếu tôi rộng rãi bố thí để được khen là người hào phóng, nếu tôi dự tĩnh tâm để tỏ ra là mình đạo đức, thì tất cả đều vô nghĩa.  Tôi được tiếng khen của người đời nhưng sẽ được công trạng gì trước mặt Thiên Chúa?

Trọng tâm của Mùa Chay không phải là việc đánh tội hành xác.  Việc hãm mình khổ chế chỉ là phương tiện để gạn lọc những vẩn đục của tâm hồn, ngõ hầu con người có thể chú tâm đến những thực tại cao siêu hơn.  Cũng như thửa ruộng cần phải được cầy xới tưới nước, làm cỏ bón phân, trước khi gieo hạt để đạt được năng xuất cao, tâm hồn chúng ta cần được thanh tẩy để hạt giống tin mừng có thể sinh hoa kết quả.

TIN VÀO TIN MỪNG

“Sám hối” chỉ là vế đầu của lời Đức Giêsu kêu gọi, còn vế sau là “tin vào Tin Mừng.”  Trong Tân Ước, động từ “tin” (pisteuein) không chỉ là gật đầu đồng ý, nhưng tin còn có nghĩa là chấp nhận thay đổi với một sự tín thác và dấn thân.  Vì thế, tin vào Tin Mừng không chỉ đơn thuần là đón nhận chân lý của Tin Mừng, nhưng còn là đặt trọn cuộc đời sống theo những giá trị của Tin Mừng.  Những giá trị này là tinh thần nghèo khó, hiền lành khiêm nhường, khát khao sự công chính, từ bi thương xót, tâm hồn trong sạch, xây dựng hoà bình, không giận ghét xét đoán, chung thuỷ trong hôn nhân, tha thứ không báo oán, yêu thương kẻ thù, và những giá trị khác được nhắc đến trong các huấn từ của Đức Giêsu.

Tin vào Tin Mừng là ký thác đời mình vào tình yêu bất diệt của Thiên Chúa, Đấng đã sai Con Một của Ngài xuống thế làm người vì chúng ta.  Khi tin vào Tin Mừng, chúng ta chấp nhận một lối sống như Con Thiên Chúa đã sống.  Chấp nhận yêu thương mà không đòi hỏi.  Chấp nhận cho đi mà không tính toán.  Chấp nhận quên mình vì người khác.  Khi tin vào Tin Mừng, chúng ta chấp nhận đoạn tuyệt với tội lỗi, đoạn tuyệt với nếp sống chạy theo những gì mà thế gian mời mọc quyến rũ.

************************************

Nói thì dễ làm thì khó.  Sám hối không chỉ xảy ra một lần là xong.  Ăn năn trở về là một tiến trình kéo dài từ ngày này qua ngày khác, có khi cả đời.  Tuy khó khăn và trắc trở, chúng ta vẫn không được bỏ cuộc.  Như chí sĩ Nguyễn Bá Học đã từng nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi.  Nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông.”  Trên đường đi đến Golgotha, Đức Giêsu đã té ngã ba lần.  Ngài biết những yếu đuối của xác phàm.  Ngài biết chúng ta dễ vấp ngã.  Nhưng điều quan trọng là ngã xuống rồi, có thể đứng lên được không?  Nói cách khác, hôm nay chúng ta có thể bắt đầu lại được không?

Mùa Chay, mùa của ân sủng, mùa mời gọi canh tân đời sống.  Chúng ta có thể thử bắt đầu lại với việc cầu nguyện, ăn chay, bố thí.  Trong 40 ngày của Mùa Chay, chúng ta có thể cầu nguyện nhiều hơn và sốt sắng hơn một tí xíu.  Có thể hãm mình, khổ chế hơn một tí.  Và có thể sống bác ái, quảng đại, tha thứ hơn một tí.  Mỗi ngày chỉ hơn một tí thôi là con đường thanh tẩy nội tâm, sống triệt để theo Tin Mừng chẳng còn bao xa.

Xin cầu chúc bạn một Mùa Chay thánh thiện, được canh tân trong ân sủng của Chúa.

Antôn-Phaolô

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *