MỘT MAI SẼ KHÔNG LÀM CÁT BỤI

Tin tưởng, khắc khoải và hy vọng về một cuộc sống mai sau phải chăng đó là “câu chuyện chung muôn thuở của loài người”.

Trước hết, các tôn giáo đều dạy các tín hữu của mình niềm tin về sự sống mai sau. Cõi “Niết bàn” của Phật giáo hay “Thiên đàng” của Do thái giáo, Hồi giáo, Kitô giáo đều là những chân lý khẳng định niềm tin vào cuộc sống vĩnh hằng bên kia ngưỡng cửa sự chết.

Cho dẫu có những người không theo một tôn giáo chính thức nào thì vẫn cho rằng : chết là đi về với ông bà, là đi xuống suối vàng. Chính vì thế, trong nghi thức tiển đưa người quá cố, người ta thường “đơm xôi, cúng quả, đốt giấy vàng bạc…để mong người chết còn có đường tồn sinh, còn có phương an dưỡng.

Thậm chí đến những người vô thần và thấm nhuần triết lý duy vật của Marx – Engel như ông Hồ, thì trước khi lìa đời vẫn tuyên bố nghiêm chỉnh rằng : “Tôi đi gặp các ông Marx, Lênin…”

Trong khi đó, ngôn ngữ đời thường trong giới bình dân hay văn chương đài các của các danh gia bác học, âm hưởng về một cuộc sống mai sau gần như thời nào cũng có, lúc nào cũng vang vọng với thời gian.

zzNếu không mông lung, hư ảo như Nguyễn Công Trứ:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”

hoặc bấp bênh vô định Trịnh Công Sơn :
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi.  Ôi cát bụi mệt nhoài…

hay một thoáng khinh bạc, hững hờ như Lê Dinh :
Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho ta cám ơn trời dù sống thương đau.  Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau.  Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao… “

thì cũng thấp thoáng ưu tư phiền muộn như kiểu nàng Kiều xót thương Đạm Tiên của Nguyễn Du :
Đã không kẻ đoái người hoài
Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương,
Gọi là gặp gỡ giữa đường,
Họa là người dưới suối vàng biết cho.

****************************************

Sứ điệp phung vụ hôm nay cũng mang âm hưởng về cõi vĩnh hằng, về một ngày mai bên kia cái chết nhưng hoàn toàn khác hẳn.  Đúng hơn, không phải là âm hưởng mà là một lời gọi mời hướng tầm nhìn đức tin về cõi vĩnh hằng, hướng cuộc sống về một chân trời hy vọng của ngày mai, hướng tâm tư đến một niềm trông cậy vững vàng vào cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa sẽ ân ban.

Chính vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi các bài đọc Lời Chúa hôm nay gần như xoay quanh nội dung nầy.  Trước hết,

Bài đọc 1 : Trích sách Ma-ca-bê-ô quyển II : Kể lại lòng dũng cảm của 7 anh em người Do Thái đối diện với cuộc tra tấn dữ tợn trong cuộc bách hại thời vua An-ti-ô-khô, cùng với lòng trông cậy vững vàng của họ vào cuộc sống vĩnh hằng mai hậu dành cho những ai trung tín với lề luật của Thiên Chúa, như lời tuyên xưng dõng dạc của người con thứ tư:

“Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào Lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu” (BĐ 1)

Phải chăng đây là điểm mới mẻ sau cùng của mặc khải cựu ước để hướng đến chân lý về sự phục sinh mà Đức Ki-tô sẽ công bố trong thời Giao ước mới.  Thật vậy, cho dù chưa được hồng phúc đón nhận mạc khải về sự sống lại, sự phục sinh vinh quang trong Vương quốc của Thiên Chúa do Đức Kitô mang đến, các tín hữu Do Thái, nhờ ánh sáng Lời Chúa, vẫn tin tưởng mãnh liệt vào cuộc sống mai sau, một cuộc sống có lành có dữ, có thưởng có phạt.  Sứ điệp của sách Macabêô cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị sư phạm trong trường dạy đức tin.  Thật vậy, trong cuộc hành trình tiến về vĩnh cửu, có ai trong chúng ta lại không đối diện với những thử thách đau thương, với những bách hại cách nầy hay cách khác.  Sợ rằng, với những cuộc bách hại tinh vi của thời đại hôm nay, không phải là “dầu sôi lửa bỏng, là gươm giáo ngục tù”, mà là danh vọng tiền tài, sắc dục, đam mê, thành công hưởng thụ… liệu chúng ta có còn đủ can đảm và trung thành để nói lên một lời xác tín như lời của Thánh vịnh 16 trong đáp vịnh ca hôm nay :

“Về phần con sống công minh chính trực,
con sẽ được trông thấy mặt Ngài,
khi thức giấc, được thỏa tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan”

Thế nhưng, đích điểm của niềm trông cậy vĩnh hằng của chúng ta, hạnh phúc vĩnh cửu mai hậu mà chúng ta đang tiến về, quê hương Nước Trời mà chúng ta đang nỗ lực dựng xây lại không bao giờ là một cõi vu vơ, hão huyền một lời ca dao của người xứ Huế :

“Trăm năm trước thì ta chưa có.
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi”

Hay lãng đãng mơ màng như “Một cõi đi về “của Trịnh Công Sơn :

“Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ.  Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà…”

Trái lại, ở cuối chân trời hy vọng, ở đích điểm vĩnh hằng, ở cội nguồn hạnh phúc của chúng ta lại là một CON NGƯỜI, MỘT NGÔI VỊ:  Một Thiên Chúa tình yêu, Một Mục Tử tốt lành dẫn chiên về bên suối mát, một Người Cha thương yêu đang ngóng đợi con về, một bạn đồng hành đang thân thương sánh bước Emmau, một “Thầy đây đừng sợ” đang dẹp tan cuồng phong bão táp để đưa thuyền về bến đỗ bình yên…  Vâng Thiên Chúa của chúng ta, Đức Kitô của chúng ta không phải chỉ đứng đợi mà là đang đi tới, đang trở về, đang tuôn tràn ân sủng như tư tưởng của thư thứ 2 Thánh Phao lô gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca :

“Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp” (BĐ 2)

Lời động viên của Thánh Phao-lô dành tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca hãy vững lòng trông cậy đợi chờ ngày Chúa đến vẫn còn nguyên giá trị đối với mỗi người chúng ta hôm nay, những kẻ đang đánh cuộc đời mình trong niềm tin vào Đức Kitô phục sinh..

Tuy nhiên, sống chiều kích vĩnh cửu trong giữa đời thường ô trọc hôm nay không phải lúc nào cũng dễ dàng, cũng êm trôi.  Bởi vì, khi đối diện với những vấn nạn mang chiều kích vĩnh cửu của phận người như: có không thiên đàng, hỏa ngục, có không hạnh phúc vĩnh hằng, có không thế giới bên kia… và những thực tại đó nó như thế nào?  Thì đã có không ít người hoặc đã quay lưng chạy trốn hoặc bực bội khước từ.  Quả thực, đối với nhiều người: cuộc sống đời thường là trên hết, hưởng thụ là cần thiết nhất, thành công phương tiện là ưu tiên số một.  Mọi thứ khác chẳng đáng quan tâm.  Ngay vào thời Chúa Giêsu cũng đã có cả một phong trào, một cộng đoàn Do Thái chủ trương như thế.  Họ chính là nhóm Sa-đu-kê-ô mà hôm nay trong trích đoạn Tin mừng Lu-ca bày đặt ra câu chuyện “một vợ bảy chồng” để bắt bí Chúa Giêsu về niềm tin sống lại. Và Ngài đã đập tan những luận điệu xuyên tạc sự sống lại ở đời sau của họ.  Ngài khẳng định chân lý về cuộc sống vĩnh hằng, một cuộc sống được thăng hoa, biến đổi để trở nên “con cái của Thiên Chúa”, con cái của sự sống lại.

Quả thật nếu không có sự sống lại thì thế giới nầy quả là vô nghĩa, cuộc sống nầy chẳng có chút giá trị gì.  Bởi vì nếu  không có đời sau, không có vĩnh hằng, không có thưởng phạt thì “thiện ác đáo đầu cũng như nhau” chứ làm gì có chuyện “chung hữu báo”, bậc công chính hiền nhân hay tên tàn ác giết hại sinh linh cũng chỉ là hai chiếc đầu lâu mục nát.  Và như thế, người ta có thể nói với nhau “ta ăn đi, ta uống đi, vì ngày mai ta sẽ chết” (Is 22,13).   Hay như lời Thánh Phaolô: nếu không có sự sống lại “thì lời rao giảng của chúng tôi thật hư không… và việc anh em tin cũng thật hảo huyền” (1 Cr 15,12-17).  Hư ảo hão huyền như “vết mực xóa bỏ không hay”

“Ôi cát bụi phận nầy, vết mực nào xóa bỏ không hay” (Cát bụi của TCS).

Không, người kitô hữu chúng ta “một mai sẽ không làm cát bụi” mà sẽ sống lại vinh quang. Chúng ta tin “xác loài người ngày sau sẽ sống lại”.

Tóm lại, vào những ngày gần kết thúc năm phụng vụ, sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta sống đức “Trông cậy” một cách vững vàng, sống niềm hy vọng sẽ được hưởng hạnh phúc bất diệt trong vương quốc của Thiên Chúa, vương quốc của sự phục sinh.  Đó chính là tiêu đích cho cuộc sống hôm nay: sống là để chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đời đời.  Sống chính là cuộc hành hương đi về vĩnh cửu.  Sứ điệp nầy lại được vang lên trong những ngày của tháng “Các đẳng linh hồn” sẽ là một nhắc nhớ mỗi người chúng ta đừng quên số phận của những anh chị em đang được thanh luyện trong luyện ngục, và sốt sắng cầu nguyện cho họ để họ sớm được hưởng phúc thiên đàng.  Và chúng ta cũng đừng quên, chút nữa đây, Tấm bánh là Thân mình Đức Kitô được bẻ ra để trao ban cho chúng ta như quà tặng tuyệt vời nhất, như lương thực trường sinh cao quí nhất để dẫn chúng ta tiến bước về quê hương bất diệt.  Vì chính Ngài đã dạy : “Ai ăn và uống máu tôi, sẽ được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).

LM. Giuse Trương Đình Hiền

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *