Cuộc đối chất giữa một giáo dân thế kỷ 21 và nhân vật lịch sử Philatô
Thanh nữ: Này ông Philatô! Theo tôi, chính hành động trốn trách nhiệm của ông đã giết chết Chúa chúng tôi.
Philatô: Tôi không hề thấy mình trốn trách nhiệm. Sở dĩ tôi rửa tay là vì không muốn liên can đến những vấn đề mà tôi cho là chuyện nội bộ Do Thái giáo.
Thanh nữ: Ông biết rõ ràng là Đức Giêsu vô tội. Chính ông đã tuyên bố với mọi người là ông không thấy Người ấy có tội. Thế mà ông vẫn tuyên án tử hình.
Philatô: Tôi đã làm đủ mọi cách để trả tự do cho Giêsu. Tôi cho đánh đập thê thảm để kêu gọi lòng từ tâm của dân chúng. Nhưng họ không buông tha. Tôi lợi dụng thông lệ Vượt Qua để họ chọn lựa trả tự do hoặc cho Giêsu hoặc cho Barabas, tên tử tội ghê gớm nhất tôi đang cầm giữ và họ đã chọn Barabas. Chị còn đòi hỏi tôi làm gì nữa?
Thanh nữ: Tất cả những việc đó chỉ là mánh khóe. Điều tôi mong là ông áp dụng luật pháp cho đúng đắn, nghĩa là trả tự do cho một người vô tội mà không cần một điều kiện gì.
Philatô: Tôi không có quyền đó.
Thanh nữ: Thế ông không phải là người đại diện La mã để duy trì luật pháp sao?
Philatô: Chính vì tôi là người đại diện La mã mà tôi không có quyền tha bổng Giêsu.
Thanh nữ: Tôi không hiểu ông muốn nói gì.
Philatô: Chị hiểu rõ câu nói của tôi. Điều chị không hiểu là nhiệm vụ của tôi. Tôi là một nhà chính trị chứ không phải là một nhà luân lý. Bổn phận của tôi là duy trì an ninh trật tự một nước thuộc địa của Mẫu quốc La mã. Chúng tôi để cho người Do Thái thờ Giavê và tiếp tục lễ nghi của họ trong khi chúng tôi thờ thần Jupiter. Chị tưởng chúng tôi làm thế là vì tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người Do Thái à? Nghĩ như thế là lầm. Chúng tôi làm như thế vì lợi ích của chúng tôi, những người La mã. Nếu cấm đoán, họ có thể nổi dậy làm loạn…
Thanh nữ: Ông nói những điều đó để đi đến đâu?
Philatô: Để chị hiểu vì sao tôi không có quyền tha Giêsu.
Thanh nữ: Nhưng ông biết rằng Đức Giêsu không hề xúi dân làm loạn. Và trong giờ phút đau đớn đó Ngài không có lấy một người lính, thậm chí một người bạn cũng không cơ mà.
Philatô: Chính vì thế mà tôi không có quyền chọn lựa. Nếu dân chúng ủng hộ Giêsu, và cái chết của Giêsu có thể đem đến một sự nổi loạn, thì tôi phải suy nghĩ. Đàng này mọi người đã bỏ rơi Giêsu. Trong khi đó nhóm biệt phái xúi dục dân chúng lên án Giêsu vì những chuyện riêng tư của tôn giáo họ. Nếu tôi buông tha Giêsu, họ sẽ bất bình và có thể làm loạn.
Thanh nữ: Vì thế mà ông đã tuyên án Chúa chúng tôi à?
Philatô: Tôi đã nói rằng tôi không tuyên án kết án ai cả. Tôi trao Giêsu lại cho người Do Thái để họ làm gì mặc họ.
Thanh nữ: Ông là một người vô liêm sỉ.
Philatô: Đấy chỉ là vấn đề quan điểm.
Thanh nữ: Quan điểm gì nữa? Ông đã không dùng quyền hạn mình để bảo vệ một người mà ông biết là vô tội. Không quan điểm nào cho phép một bất công như thế.
Philatô: Với tư cách cá nhân, tôi thấy rằng người ấy vô tội, nhưng với tư cách là Tổng trấn La mã, tôi không có quyền để những tình cảm cá nhân len vào. Tôi chỉ có quyền làm những gì có lợi nhất cho Hoàng Đế của tôi mà thôi.
Thanh nữ: Tôi không cần biết ông nhân danh gì mà hành động. Tôi chỉ biết rằng nếu Chúa Giêsu vô tội thì ông là kẻ có tội.
Philatô: Sao chị lại buộc tội tôi? Tôi chỉ là một người bên ngoài giáo hội Do Thái, làm việc theo lập trường của mình. Những người có tội là những người nhân danh Thiên Chúa của họ để giết Giêsu. Chính những hạng người như chị đã đặt tôi vào tình trạng không thể buông tha Giêsu.
Thanh nữ: Ông là một người thủ đoạn. Ông muốn bịt miệng tôi bằng cách buộc tội tôi, dù ông biết rằng ông không có cơ sở.
Philatô: Có chứ!… Ngày Giêsu vào Giêrusalem thì một số người hăng hái tiếp đón Giêsu, hô to khẩu hiệu. Và một tuần sau thì cũng chính những người đó hét to hơn ai hết: “Hãy thả Barabas. Hãy đóng đinh Giêsu vào thập giá.” Tôi thấy lợm giọng, chị à! Hôm nay cũng vậy, giữa những thân hữu của chị, chị cũng ra vẻ bênh vực Giêsu và mạt sát tôi… Tôi thấy sợ! Tôi thấy mình trở lại cái ngày hôm ấy. Ngày xử án Giêsu, khi tôi lên tiếng hỏi, không có một nhân chứng nào bênh vực cho Giêsu! Ngày hôm đó, tôi chỉ thấy những kẻ chứng gian, những người phẫn nộ, những bọn tò mò, còn những người có cảm tình với Giêsu thì trốn biệt tăm tích. Ngày hôm đó, chỉ có một mình tôi, chị nhớ cho, tôi, Phongxiô Philatô, người mà chị vừa gọi là vô liêm sỉ đấy, chỉ có một mình tôi là người duy nhất nói rằng Giêsu vô tội. Nếu hôm đó chị có mặt, chị sẽ là ai? Chị sẽ là một người trốn biệt hay một người la hét? Chị đừng nói rằng chị sẽ bênh vực, vì không có ai bênh vực Giêsu, ngoài tôi. Nếu chị gọi tôi là vô liêm sỉ thì chị sẽ là gì? Chị tự xét lấy, đừng trả lời tôi, hãy trả lời cho chính chị!
Trần Duy Nhiên