Tôi là con lừa đi từ Nazareth tới. Tôi đã chở cô chủ đáng kính trên lưng tôi. Đêm hôm ấy, khi không còn chỗ trong quán trọ, hai vợ chồng trẻ đã dẫn tôi về chuồng bò.
Điều bực mình đầu tiên là trong chuồng bò có một… con bò. Tôi, một con lừa, mà lại đi ở chung với một con bò à! Các bạn biết không: Nhìn cái tướng của đám bò là tôi đã thấy ghét cay ghét đắng: trên đầu đội hai cái sừng nhọn hoắc, miệng mồm thì lúc nào nước mũi nước miếng phều phào. Đấy là chưa kể tôi còn có mối hận riêng. Ông chủ cũ của tôi, trước khi bán tôi cho hai vợ chồng đáng quí này, đã từng rủa vào mặt tôi: “Con lừa này ngu như bò, bán quách cho xong.”
Đấy, thế đấy, vậy mà đêm nay tôi phải hạ mình ở chung với một con bò. Nhưng khi thấy người chủ của tôi kéo rơm ra làm chỗ nghỉ thì tôi chột dạ: Họ là những con người mà vẫn ở được với bò, vậy sao tôi lại không? Vì thế, tôi cũng tìm một góc để ngủ, và tránh xa con bò đang đưa cặp mắt ếch… xin lỗi… cặp mắt bò nhìn chúng tôi mà không một lời chào hỏi. Nếu không dằn lòng thì tôi đã mắng cho một câu: “Đồ ngu như bò.”
Nghĩ như thế, nhưng mệt quá tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khuya hôm đó tôi chợt thức giấc một cách bất thường. Nhìn về phía máng cỏ thấy cô chủ của tôi mệt mỏi nhưng đang âu yếm nhìn chăm chú vào bên trong. Bên cạnh, con bò đang lúc lắc cặp sừng. Tôi vội chạy đến để bảo vệ chủ. Nhưng khi đến gần, tôi thấy một hài nhi nằm trong máng cỏ. Tôi không biết ai đã đem hài nhi xinh đẹp này đến, vì lúc đầu chỉ có hai người thôi mà. Nhưng mà thôi, suy nghĩ làm gì cho mệt đầu. Tôi vẫn âm thầm mang cái mặc cảm “ngu như bò.”
Thì ra con bò không có ý hại chủ tôi, nó lắc lư cặp sừng để xua đuổi mấy con ruồi đang quấy phá giấc ngủ của hài nhi. Tôi ngạc nhiên quá, chỉ biết đến nằm phủ phục bên máng cỏ mà không biết phải làm gì. Con bò lợi dụng tình thế đến bên cạnh tôi. Có bực mình không chứ? Nếu không sợ hài nhi thức giấc thì chắc tôi đã tỏ thái độ. T hế mà không biết thân, nó còn ra mặt dạy đời:
– Hài nhi sắp thức giấc, chúng ta không nên đến quá gần.
Tôi bực mình: – Chúng ta có phải là quái vật đâu?
– Nhưng mà mặt chúng ta không giống mặt cha mẹ hài nhi, hài nhi sẽ sợ đấy.
– Máng cỏ kìa, chuồng bò kìa, có giống mặt cha mẹ hài nhi đâu, nhưng hài nhi nào có sợ?”
Nó im lặng một lát rồi lẩm bẩm:
– Thật là đau đớn khi không thể đến gần một người mình thương, chỉ vì mình có cái tướng dữ dằn. Phải chú ý để khỏi gây thương tích… Mặc dù, bạn biết đó, bản chất tôi không bao giờ muốn làm hại ai, nhưng biết làm sao được, tôi đi đến đâu thì cũng phải mang theo cặp sừng.
Tôi bỗng thấy hơi tội nghiệp nó, nhưng không làm sao ngăn được lời mỉa mai:
– Đúng đấy! bạn không nên đến gần, cặp sừng của bạn sẽ đâm vào hài nhi đấy. Còn tôi, tôi sẽ ngoe nguẩy đôi tai, và hài nhi sẽ thích thú… Vả lại, bạn có thể nhiễu nước miếng vào mặt hài nhi. À, tôi không hiểu tại sao khi bạn sung sướng, thì mồm của bạn lại trều trào nước miếng một cách… thiếu vệ sinh như vậy?
Nó im lặng một lát rồi lẩm bẩm:
– Này hài nhi đáng kính, xin đừng xua đuổi tôi. Cậu hiểu cho rằng cặp sừng này chẳng qua là một hình thức trang trí. Tôi phải thưa với cậu rằng tôi chưa bao giờ sử dụng chúng. Cậu hãy cho tôi một tí ánh sáng để tôi biết mình phải làm gì. Bởi vì tôi sung sướng quá, bởi vì tôi mang ơn cậu nhiều quá. Làm sao tôi có thể tạ ơn cậu vì đã cho tôi ở gần cậu như thế này, đã được sống thân mật giữa các thiên thần và các vì sao.
Nghe nó nói, tôi hơi xúc động, nhưng để tỏ ra cứng đầu đúng với bản chất của mình, tôi rầy:
– Im đi, bạn làm gì mà rên rỉ vậy. Bạn không thấy là bạn đang phá giấc ngủ của hài nhi với những lời lải nhải của bạn sao?
Đáp lại, nó nói lên một câu thật dễ thương:
– Bạn có lý… cần phải biết im lặng khi cần thiết, dù mình có thấy một hạnh phúc to lớn đến độ không biết phải cất dấu nơi đâu.
Ngày qua ngày, càng ở gần hài nhi, tôi lại thấy bò càng dễ mến. Nhất là những lúc bò đến cuốn hết ruồi muỗi để chịu chúng đốt thay cho hài nhi, nhờ vậy mà hài nhi được yên lành trong giấc ngủ. Tôi vẫn chưa nói được một lời nhẹ nhàng nào với bò, nhưng đã cảm thấy gần gũi hơn trước nhiều… Bỗng một đêm kia, chủ tôi thức giấc, gọi vợ mình và nói: “Hãy sang Ai-cập vì Hêrôđê muốn giết hài nhi.”
Trong khi ông đặt tấm khăn lên lưng tôi, thì bò đưa mắt nhìn ngơ ngác. Cô chủ dịu dàng đến nói với bò: “Thôi, bò ở lại nhé, cám ơn bò vì những ngày qua đã sưởi ấm hài nhi!” Bò không nói gì cả, chỉ lảo đảo quay đi nằm xuống một góc làm như đôi chân quá yếu không còn sức để chịu nổi thân mình… Khi tôi đưa mẹ con hài nhi ra đi, chủ tôi muốn nói gì với bò, nhưng bò đã ngủ. Không! bò không ngủ, tôi biết rằng bò còn thức. Trước khi quay đi, tôi đã thấy một giọt nước mắt tràn ra khỏi đôi mi khép kín của bò. Bò giả vờ ngủ để khỏi bịn rịn lúc chia tay!
Và suốt trên hành trình đi qua Ai-Cập, mặc dù tôi được vinh dự chuyên chở hài nhi, tôi vẫn không được hoàn toàn hạnh phúc vì tôi chưa nói cho bò hiểu rằng bò rất dễ mến. Vả lại, dù tôi muốn nói lên điều đó, tôi cũng không biết nói thế nào cho gãy gọn, vì tôi vốn dĩ ‘ngu như…lừa.’
Vì thế hôm nay, tôi muốn nhờ các bạn điều này: hôm nào đi thăm máng cỏ thì hãy nói với bò hộ tôi rằng: “Ơn lớn nhất chúng tôi đã nhận được từ hài nhi là chúng tôi thương yêu nhau.”
Các bạn tin tôi đi. Các bạn hãy hết lòng đến với hài nhi, rồi các bạn cũng sẽ nói như tôi: “Bò mới trông thì thế đấy… nhưng bên trong thì thật dễ thương”.
Trần Duy Nhiên