TÂM TÌNH MÙA VỌNG

Đêm 14 rạng 15 tháng 4 năm 1912, con tầu Titanic sang trọng và vĩ đại nhất thế giới đã đụng phải tảng băng sơn trên miền Bắc Hải Thái Bình Dương.  Con tầu từ từ chìm xuống mang theo 1513 người thiệt mạng.  Trong cuốn phim Titanic được dựng lại, cảnh khủng khiếp xáo trộn của các nạn nhân tranh dành nhau để trốn thoát, cảnh nước ùa vào con tầu…  Và đặc biệt nhất, cảnh dàn nhạc vẫn bình thản trong tư thế sẵn sàng hòa tấu bản nhạc bất hủ “Một Niềm Phó Thác hay Tin Cậy Mến” Chúa ơi con tin thật lòng…  Chúa ơi con luôn một niềm cậy trông Chúa thương… rất cảm động.  Như một thái độ tỉnh thức và sẵn sàng đón chờ giây phút ra đi về miền miên viễn xót xa… Và con tầu từ từ chìm xuống…

*******************************************

Cuộc đời mỗi người trong nhân loại cũng có cuộc sống giống như con tầu định mệnh Titanic.  Có lúc sinh ra.   Có lúc thăng trầm.  Có lúc chuẩn bị ra đi…  Mùa Vọng Đức Kitô mời gọi mỗi người chúng ta có thái độ tỉnh thức và cầu nguyện trong tư thế sẵn sàng.  “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.”  Lời Đức Kitô như một thúc bách mỗi người chúng ta.  Hãy tỉnh thức và cầu nguyện trong thái độ sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến.  Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta khi nhắn gửi tín hữu Rôma: “Phần rỗi chúng ta gần đến.”

Ngày 27.11.2003, một sự kiện bất ngờ làm ngạc nhiên thế giới.  Tổng Thống George Bush của Hoa Kỳ đã hiên ngang và can đảm dùng chuyến bay Air Force One đáp xuống phi trường quốc tế Baghdag tại Iraq, giữa lúc chiến tranh khủng bố đang đe dọa.  Nơi đây trong những ngày trước, một phi cơ chở hàng bị bắn.  Nhưng với thái độ chuẩn bị sẵn sàng, và trong vòng bí mật nhất, Tổng Thống đã đến thăm những quân nhân Hoa Kỳ đang tham chiến tại đây, và phục vụ họ như một bày tỏ của yêu thương.  Sau đó, trên đường về, Tổng Thống tiếp tục tham dự Ngày Lễ Tạ Ơn của Dân Tộc Hoa Kỳ cùng với gia đình tại Texas.

Làm một việc gì, con người cũng cần tỉnh thức và cầu nguyện trong tư thế sẵn sàng.  Chuẩn bị một năm học mới, người học sinh và sinh viên cũng cần tỉnh thức và chuẩn bị.  Bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời, con người cũng cần chuẩn bị với tư thế tỉnh thức và sẵn sàng.

Chuẩn bị cho một kế hoạch hay một dự án, con người cũng cần tỉnh thức chuẩn bị và sẵn sàng.
Người thương gia khi buôn bán, cũng cần có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng để dấn thân vào thương trường.

Chuẩn bị đón Chúa đến trong mùa Giáng sinh năm nay, Giáo hội qua lời mời gọi của Đức Kitô, cũng tha thiết mời gọi và thúc giục chúng ta phải có thái độ tỉnh thức và cầu nguyện trong tư thế sẵn sàng: “Hãy tỉnh thức vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.”

Mùa Vọng là Mùa của tỉnh thức và cầu nguyện.  Một hai giòng lịch sử về Mùa Vọng để chúng ta hiểu rõ ý nghĩa Mùa Vọng và sống trong thái độ tỉnh thức và cầu nguyện để chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh.

Hằng năm, lịch sử dân gian bắt đầu bằng mùa xuân, thì Năm Phụng Vụ của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ bắt đầu bằng “Mùa Vọng.”

Mùa Vọng, La ngữ gọi là “Adventus”, Anh Ngữ gọi là “Advent.”  Do ý nghĩa nội tại, hai chữ Mùa Vọng “Advent” với ý nghĩa là thời gian chuẩn bị đón mừng Thiên Chúa Giáng Sinh.  Lễ Giáng Sinh là sự thể hiện Mầu Nhiệm Thiên Chúa Tình Yêu xuống thế cứu độ con người.

Giáo Hội Công Giáo Rô-ma chọn Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng làm ngày khởi đầu Niên Lịch Phụng Vụ.  Trong Phụng Vụ của Giáo Hội, Mùa Vọng kéo dài qua bốn Chúa Nhật để chuẩn bị Đại Lễ Giáng Sinh Mừng Chúa Giáng Trần, được mừng kính vào ngày 25 tháng 12.

Bốn Chúa Nhật của Mùa Vọng tượng trưng cho thời gian mấy ngàn năm các Thánh Tổ Phụ và các Ngôn Sứ trông đợi Chúa Cứu Thế đến.  Trong thời gian này, qua lời mời gọi của các sứ ngôn, người ta ăn năn sám hối và cầu mong Đấng Cứu Thế Giáng Sinh.

zzTrong Mùa Vọng, người ta chuẩn bị đón mừng Thiên Chúa Giáng Sinh, nên Mùa Vọng mang ý nghĩa tỉnh thức, cầu nguyện, và ăn năn sám hối để dọn đường Chúa đến.

Trong nghi thức Phụng Vụ, màu tím là màu sám hối ăn năn, được xử dụng trong ba Chúa Nhật thứ nhất, thứ hai, và thứ tư Mùa Vọng.  Trong Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, màu hồng được xử dụng để biểu lộ ý nghĩa “vui mừng đợi trông” Chúa đến.  Trong bốn Chúa Nhật Mùa Vọng, Thánh Lễ đều không hát kinh Vinh Danh.  Với ý nghĩa của sám hối ăn năn, những Lễ hội dân gian, đều không được cử hành cách trọng thể.

Ngoài ý nghĩa tỉnh thức, cầu nguyện, trông đợi, và sám hối, Mùa Vọng còn mang một ý nghĩa đặc biệt, đó là tâm tình tạ ơn.  Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa về biến cố vô cùng trọng đại là Mầu Nhiệm Thiên Chúa Giáng Trần.  Vì yêu thương nhân loại, nên từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã quyết định ban Ơn Cứu Độ cho chúng ta qua Mầu Nhiệm Giáng Sinh.  Để thực thi hồng ân này, Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài xuống thế làm người.  Nhờ Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, chúng ta được cứu độ và trở nên con cái thật sự của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy đến, chúng con đang tỉnh thức và mong chờ ngày Chúa đến cứu độ chúng con trong suốt Mùa Vọng năm nay.  Amen!

Lm Paul Văn Chi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *