Vào một bối chiều tối ngày 27 tháng 12 năm 1982, Jack Kelly, một vận động viên Olympic nổi tiếng, cùng vợ là Sandee ngừng xe tại trạm xăng trong thành phố Fort Lauderdale, tiểu bang Florida, Hoa Kỳ. Ông bước vào hộp điện thoại công cộng để hỏi người bạn về đường đi đến một buổi tiệc. Khi Ông Kelly vừa cầm điện thoại lên, ông cảm thấy ớn lạnh phía sau của mình vì một họng súng chỉ thẳng vào gáy ông. Kẻ cầm súng yêu cầu ông Kelly phải đưa hắn tiền. Kelly nói, “tôi bị lạc.” Giọng tên cướp nói nhỏ vừa đủ nghe, “Vợ của mày sẽ là người tiếp theo nếu mầy không đưa tiền cho tao.” Dĩ nhiên ngay sau đó, Kelly bị gây tổn thương và tên cướp bỏ đi. Kelly được đưa đi cấp cứu ngay sao đó; và trên đường tới bệnh viện Broward General Medical Center, Kelly thều thào với vợ mình, “Em hãy cứu lấy anh ta, vì anh ta đã cứu cuộc đời của anh.” [1]
***********************************
Kính thưa quí vị và các bạn, câu chuyện của ông Kelly hôm nay nhắc chúng ta thái độ nhận ra ân huệ của sự sống sẽ giúp chúng ta dễ dàng thực hiện sự tha thứ.
Làm thế nào ông Kelly lại dễ dàng bảo vợ mình hãy tha thứ và cứu lấy tên cướp, dù tên này đã bắn hại chính mình. Có lẽ ông Kelly nói một cách dễ dàng như thế, vì ông đã cảm nghiệm được giá trị của cuộc sống. Với ông sự sống là một quà tặng mà tự chính ông không thể có được. Dù bị hại, nhưng ông vẫn nhìn thấy sự may mắn vì còn sống sót và phải biết nói lời cám ơn đối với kẻ hại mình, vì kẻ hại mình chưa giết mình. Lòng quảng đại của ông Kelly dường như là một điều vượt quá khả năng của chúng ta. Nhưng thực ra, vẫn có những con người đã thực hiện như thế.
Vào ngày 13 tháng 5 năm 1983, Đức Giáo Hoàng John Paul II bị Mehmet Ali Agca ám sát. Sau khi bình phục, Đức Giáo Hoàng đã vào nhà tù để thăm người đã giết hại mình, và đồng thời Ngài đã tha thứ cho anh ta.
Các bạn thân mến, lòng quảng đại và sự tha thứ của ông Kelly và của Đức Giáo Hoàng John Paul II làm cho chúng ta phải cúi đầu suy gẫm, ngưỡng phục. Vậy nếu những con người xương thịt như chúng ta cũng đã tha thứ cho kẻ cố ý hãm hại mình – là những con người hoàn toàn xa lạ, thì chúng ta còn ngần ngại gì nữa mà không tha thứ cho những người thân của mình – những người mà chỉ xúc phạm đến chúng ta qua những lời nói vì thiếu suy nghĩ, dại dột, và vụng về? Chẳng lẽ chúng ta không thể tha thứ cho những người từng chung sống dưới một mái nhà, từng chia sẻ một bàn ăn, và có khi cùng chung một giòng máu hay sao?
Sự sống của mỗi con người là vô giá và không có gì có thể thay thế được. Nhận ra giá trị chân thật này sẽ giúp chúng ta yêu thích sự sống hơn. Những ai đã từng đối diện hay chứng kiến người thân mình trong giây phút lâm chung chắc đã hiểu rõ giá trị của sự sống. Chính giây phút lâm chung ấy, chúng ta đối diện với sự bất lực của con người. Trong giây phút lâm tử đó, không ai có thể níu kéo sự sống của người thân chúng ta lại được cả. Hiểu như thế, chúng mới thấy được giá trị của hạnh phúc, của sự xum họp, của tình anh em bạn hữu. Hiểu thân phận ngắn ngủi của chính mình để chúng ta có thể sống đại lượng hơn, bao dung hơn và sẵn sàng tha thứ dễ dàng hơn.
***********************************
Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra giá trị sự sống mà Chúa ban cho chúng con. Vì chính khi nhận ra giá trị này, chúng con sẽ dễ dàng tha thứ hơn cho chính mình và cho anh em mình. Amen!
Br. Huynhquảng
[1] G. Curtis Jones, 1000 Illustrationgs for Preaching and Teaching (Broadman Press, 1986), 223.