Câu Phúc Âm của thánh Gioan: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (14,27) khiến tôi nhớ đến một câu chuyện. Xin chia sẻ với các bạn câu chuyện này nhé.
Có ông bác sĩ nổi tiếng tài giỏi, rất thương vợ và bà vợ cũng rất thương ông. Bỗng nhiên, người vợ qua đời. Người ta bảo rằng người chồng nào yêu thương vợ nhiều thì thường nói với vợ: “Em là linh hồn của anh”; bây giờ vợ ông chết rồi, tức là hồn lìa khỏi xác rồi, thì xác làm sao sống nổi? Ông bị suy sụp tinh thần trầm trọng, bởi vì đối với ông, bà vợ là tất cả ý nghĩa của cuộc đời ông; bây giờ bà không còn nữa, thì tìm đâu ra ý nghĩa để sống. Ông tìm đến với một nhà tâm lý học. Nhà chuyên viên tâm lý nghĩ thầm: “Ông này là một bác sĩ nổi tiếng, nên chẳng cần mình cho toa thuốc đâu. Ông ta thừa biết ông ta cần thuốc nào để ngủ được và lấy lại sức. Chỉ có một cách là dùng tâm lý trị liệu thôi”. Nhà tâm lý học bắt đầu gợi chuyện: “Thế bà vợ của ông có yêu ông không?” – “Yêu chứ! Bà yêu tôi tha thiết như tôi yêu bà vậy”, bác sĩ trả lời ngay. Nhà tâm lý hỏi: “Giả sử nếu không phải là bà mà là ông chết trước thì sao?”. Ông bác sĩ nghĩ một chút rồi nói: “Chắc chắn bà ấy cũng đau khổ lắm, đau khổ như tôi đang đau khổ bây giờ”. Nhà tâm lý học mới bảo: “Như vậy là ông gánh giùm nỗi đau cho bà rồi”.
**************************************
Đúng rồi, nỗi đau vẫn còn đấy, nỗi khổ vẫn như cũ, nhưng đã xuất hiện một ý nghĩa mới: ông không mất vợ, trái lại ông đã cứu được vợ, bởi vì do bà chết trước, bà không phải gánh nỗi đau buồn mất chồng, bà được thảnh thơi để được hạnh phúc. Nỗi đau khổ của cuộc đời vẫn y như cũ, nhưng một ý nghĩa mới đã xuất hiện để làm nên cái lý do để tiếp tục sống và sống vui.
Tôi hiểu rằng cuộc đời này luôn luôn có ý nghĩa để nó đáng sống, cho dù nó có cay đắng nghiệt ngã đến đâu, cho dù nó có khổ sở bất hạnh thế nào. Người ta vẫn có thể khám phá ra được ý nghĩa để sống, khi biết vượt lên trên bản thân để vươn lên một cái gì lớn hơn mình. Các nhà tâm lý học đưa ra một câu định nghĩa thật hay: “Làm người là biết tự vượt lên trên chính mình”. Tôi chợt nhớ tới câu nói của văn hào Pascal: “Con người siêu vượt chính mình đến vô hạn”.
Không có từ ngữ nào quen thuộc cho bằng hai chữ “Yêu thương”, nhưng có lẽ cũng không có từ nào bị lạm dụng cho bằng hai chữ này. Dù sao, những ghi nhận về Tình Yêu vẫn rất đẹp và rất cần cho cuộc sống mọi người. Cây Thập Giá của Chúa Giêsu vẫn còn đó như một lời nhắc nhở thúc giục ta tìm gặp và xây dựng một Tình Yêu đích thực. Nhìn ngắm cây Thập Giá của Đấng chịu đóng đinh, tôi hiểu rằng Tình Yêu chân thực trước hết phải là Tình Yêu biết cho đi. Không biết tôi có chủ quan không, nhưng tôi nhận thấy rằng thường nơi tình yêu của các bạn trẻ, các bạn nhấn mạnh đến cảm tình nhiều hơn, chứ không quan tâm đến vai trò của ý chí; đang khi đó, cái chữ “Tình Yêu” trong Kinh thánh mà thánh Gioan dùng để gọi Thiên Chúa có hàm chứa vai trò rất quan trọng của ý chí. Yêu là gì? Yêu không phải là cảm thấy tim mình rung động trước một vẻ đẹp, mà là hướng đến một đối tượng khác để dám làm tất cả, dám hy sinh tất cả cho đối tượng ấy được hạnh phúc. Yêu trong Kinh thánh là như vậy. Một Tình Yêu trọn vẹn như thế đã được thể hiện trọn vẹn nơi Đấng chịu đóng đinh bởi vì Người đã thực hiện câu nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Quả thật, Chúa Giêsu đã yêu thương nhiều nhất, không phải vì Người có thiện cảm lắm với con người, nhưng bởi vì Người đã cho đi hết tất cả, cho đi đến cả mạng sống mình.
Có một nhà tâm lý đã nói rằng, các bạn đừng có ảo tưởng là mình yêu khi tặng một món quà ngày sinh nhật, khi trao một cái bắt tay, kể cả một nụ hôn, đừng ảo tưởng, nhưng phải tự hỏi mình đã dám cho đi chưa, và nhất là cho đi chính bản thân mình. Một Tình Yêu biết cho đi, biết hy sinh thật sự, đó là tiếng gọi từ Thập Giá, một tiếng gọi hãy yêu thương trong chân lý.
**************************************
“Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương. Hãy sống trong tình bác ái… làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa, tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,1-2).
Lạy Cha, ước nguyện của con là nên giống Cha. Xin chỉ dạy con sống được đời yêu thương mà Cha đang mời gọi. Amen!
Têrêsa Hải Phượng