NỖI LÒNG CHA

Trong Phúc Âm thánh Luca, dụ ngôn Chúa bỏ chín mươi chín con chiên trong hoang địa để tìm một con chiên lạc, có lối kết luận nghịch với tiền đề. Chúng ta hãy đọc toàn bản văn:

zzAi trong các ông, giả sử có trăm con chiên và lạc mất một con, há người ấy lại không bỏ chín mươi chín con ngay nơi hoang địa, để đuổi theo một con chiên lạc, cho đến khi tìm được nó ư? Tìm được rồi, há người ấy lại không mừng rỡ, quàng nó trên vai mình, và về đến nhà, mà lại không gọi cả bạn bè hàng xóm, mà phân phô với họ thế này sao: Bà con hãy chia vui với tôi, nay tôi đã tìm thấy con chiên lạc của tôi! (Lc.15:4-6)

Tiếp đó dụ ngôn được kết luận như sau:

Tôi bảo các ông: Cũng vậy, trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn (Lc.15:7)

Bản văn được chia làm 2 phần. Ta có thể vẽ thành họa đồ sau đây

Phần một diễn tả câu chuyện, có bốn chi tiết:

– Nói về con chiên đi lạc,

– Người chăn chiên đi tìm,

– Tìm thấy rồi ôm trên vai,

– Vui mừng khoe với bà con,

Phần hai kết luận:

– Nước Trời vui mừng vì một người sám hối.

Xét qua bản văn ta thấy kết luận rất lạ với tiền đề câu chuyện, vì cả câu chuyện không hề nói tới lòng sám hối. Có một con chiên lạc, rồi Chúa đi tìm. Người chăn chiên đi tìm chứ đâu có phải con chiên tìm lối trở về, như thế làm sao mà gọi là lòng sám hối được?

Xem ra lối kết luận trên đây không hợp luận lý. Tuy nhiên, thinh lặng một chút ta sẽ thấy có điều phải suy nghĩ lại trong lối viết văn của Luca. Luca không trình bày rõ lòng sám hối của con người, nhưng làm nổi bật lòng xót thương của Chúa. Ở Luca tôi thấy dựa vào lòng xót thương của Chúa mà ta có thể về, chứ không phải sự tốt lành của ta. Lối kết luận này vẫn hợp lý, và chỉ hợp lý khi ta giả sử là người chăn chiên tìm thấy, rồi con chiên đồng ý trở về. Sự đồng ý trở về ấy Chúa coi như lòng sám hối.

Một đêm dừng chân trên lưng núi, Chúa thao thức vì một tâm hồn. Giờ này con tôi ở đâu? Tiếng lòng vọng về đáp trả giữa đêm đen vẫn chỉ là một khoảng không cô tịch. Cũng trong tiếng lòng ấy, vọng về nỗi thương, Người phải đi tìm vì đó là con của Ngài. Rong ruổi cho đến khi gặp, nhưng vì còn tự do của nó, Ngài chỉ có thể thương yêu hỏi:

– Cha muốn con về.

Ánh mắt người chăn chiên có nỗi đau thương vì Satan đã lừa gạt con của Ngài. Nhưng khổ tâm, Satan cũng đã không cưỡng bách được sự tự do của con cái Ngài. Ra đi vẫn là một lựa chọn tùy ý. Trở về cũng thế, Ngài chỉ có thể hỏi đứa con ấy:

– Con có muốn trở về?

Trong cái gật đầu mệt mỏi của con chiên lạc, Ngài mừng rỡ vác lên vai mà đem về. Chỉ ở điểm này, gọi đó là lòng sám hối, ta mới có thể chấp nhận kết luận kia hợp lý.

***

Lạy Chúa! Một lần ra đi, một quãng đời nào của con vương trong bụi gai chẳng còn lối thoát.  Chúa thương tìm con về.  Bụi đất làm con xơ xác.  Chúa chẳng ngại, Chúa bế con rồi ôm trên vai. Chúa không sợ dơ áo của Chúa vì những vết thương của con lâu ngày mưng mủ.

Lối trình bầy Tin Mừng của thánh sử Luca cho con thấy rực lên lòng thương xót của Chúa đi tìm con, hơn là con sám hối ăn năn.

LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J.
(Trích tập sách “Con Biết Con Cần Chúa”)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *