MẸ ƠI, CON VỀ ĐÂY!

zzDù ngày nay nhạc sĩ Phạm Duy có thể có nhiều thay đổi về cuộc sống hoặc lập trường, thì không ai có thể phủ nhận những bản dân ca của ông thấm vào lòng người Việt.  Đằm thắm, da diết, nhất là những bài hát về hình ảnh “Bà Mẹ Quê”: vất vả trăm chiều, nuôi một đàn con chắt chiu…  Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già, Bà bà mẹ quê! Đêm sớm không nề hà chi…  Ngày tháng không ao ước gì. Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui”.  Hoặc khi con què cụt trở về từ chiến tranh: “Mẹ lần mò, ra trước ao, nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ.  Tiếc rằng ta đôi mắt đã loà, vì quá đợi chờ” (Ngày trở về).  Với mẹ, không đứa con nào là lớn cả, dù có làm đến ông nầy bà nọ, vẫn luôn cần đến những lời an ủi chia sẻ hay đơn thuần chỉ là bóng dáng còm cõi theo năm tháng của mẹ hiền. Mẹ luôn bênh vực che chở cho con.  Không ai không thấy lòng bồi hồi khi nghe những câu hát bài “Lòng Mẹ” của Y Vân.  Hôm nay chúng ta mừng lễ Mẹ lên Trời Vinh Hiển.  Ngày mai, rằm tháng Bảy, là lễ Vu Lan, khiến nhiều người nhớ đến tập sách mỏng của nhà sư Nhất Hạnh “Bông Hồng Cài Áo” và bài hát sáng tác dựa theo ý tưởng ấy: Bông hồng trắng cài lên áo cho những người không còn mẹ.  Bông hồng đỏ cho những ai còn mẹ.  Người Công giáo luôn cài bông hồng đỏ, vì Mẹ Maria linh hồn và xác vẫn luôn sống giữa con cái Mẹ.  Hạnh phúc ngập tràn ấy, nếu ai không ý thức từng phút giây để tận hưởng tình thương và sự chăm sóc vỗ về, mà chỉ sống như người mồ côi, thì quả là bất hạnh, quả thật đáng thương hại.  “Một bông hồng cho em. Một bông Hồng cho anh và một bông hồng cho những ai cho những ai đang còn Mẹ” (Bông Hồng Cài Áo).  Biết bao người Công giáo sống như những người mồ côi Mẹ.

Có người nói rằng giáo dân Việt Nam quá uỷ mị khi chỉ thích hát những bài ca về Mẹ Maria tha thiết, nỉ non, nhưng nhiều khi sai thần học.  Làm sao khác được!  Làm sao định nghĩa được tình yêu!  Có ngôn từ nào đủ hay, đủ đẹp, để diễn tả tình yêu của một người mẹ, của Người Mẹ trên mọi người mẹ là Đức Maria?  Những lúc nguy nan, Mẹ luôn hiện diện ngay bên, ở La Vang, ở Trà Kiệu, ở Tà Pao, ở Măng Đen…  Giáo Hội Việt Nam tồn tại và phát triển không nhờ những thần học rườm rà, cao xa, và chỉ dừng lại ở lý thuyết.  Tín hữu Công giáo Việt Nam bày tỏ lòng yêu mến, tôn sùng Mẹ bằng cử chỉ và hành động thiết thực: qùy gối, cầm chuỗi mân côi đọc, hát những lời ca tụng, cảm tạ, chan hoà nước mắt mừng vui và sầu buồn, nhưng tràn đầy tâm tình tri ân, tin tưởng và cậy trông.  Thấm thía hơn ai hết câu “xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp, mà Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời” (Kinh Hãy Nhớ).  Cái “gien” mà: Lòng yêu mến sùng mộ Mẹ Maria đã thành máu và di truyền!  Mẹ Maria gần gũi người dân Việt với hình ảnh tần tảo, âm thầm, quên mình, hy sinh cho hạnh phúc gia đình.

Tín điều “Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời” mà Đức giáo hoàng Piô XII đã định tín ngày 01.11.1950 chỉ xác nhận điều mà con cái Mẹ luôn xác tín.  Đối với tín hữu Công giáo, giấc miên-du (Dormition), giấc ngủ ngọt ngào của Mẹ, chỉ là một khoảnh khắc để xoá đi biên giới không gian và thời gian và trả về cho Mẹ con người thật mà Thiên Chúa dựng nên: tinh tuyền, không vướng tội truyền, khắc tinh của ma qủy và sự dữ.

Mẹ không chỉ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, mà còn là Máng Thông Ơn Thiên Chúa, nghĩa là mọi ơn sủng, phúc lành Thiên Chúa ban, đều qua Mẹ, điều mà Giáo Hội đã muốn tuyên bố thành một tín điều.  Trong niềm tin của mọi tín hữu, đó là điều không cần bàn cãi!

Khi nói “phía sau người đàn ông thành đạt, có bóng người phụ nữ”, người ta hay nghĩ tới người vợ. Thực ra, đó còn – và nhất là – người mẹ: sự hình thành nhân cách, nghề nghiệp, và thành công hôm nay, phần lớn đều do người Mẹ ngay từ tuổi thơ.  Điều đặc biệt mà chúng ta vui mừng cảm tạ hôm nay, ngày lễ Chúa cho Mẹ linh hồn và xác về trời, cũng tỏ rõ lòng hiếu thảo của Chúa Giêsu và vai trò quan trọng của Mẹ Maria trong chương trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa.  Đó là sự hiện diện của Mẹ, không chỉ như “một bóng dáng”, mà là một nhân tố không thể thiếu, hoạt động tích cực và đầy quyền năng bên cạnh Thiên Chúa.  Trong khi hầu như đằng sau hay bên cạnh các vĩ nhân trong các tôn giáo, trong giới kinh doanh, chính trị, đều không thấy bóng dáng các bà mẹ hoặc chỉ “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” (Cung Oán Ngâm Khúc).  Ngoài ra, tuyệt đại đa số ơn gọi tận hiến, ơn thiên triệu linh mục là do người mẹ, không chỉ ngày đêm gợi ý, khuyến khích, cầu nguyện, không chỉ khi chọn lựa, mà cả trong những giờ phút quyết định và suốt trong cuộc đời làm linh mục.  Người ta nhớ đến thân mẫu của Thánh Giáo hoàng Piô X, thân mẫu của Thánh Gioan Bosco.  Nhiều người hẳn chưa quên lời của Đức cố hồng y Nguyễn Văn Thuận khi nói về thân mẫu ngài: “Tôi nhớ những lời thân mẫu của tôi, vì đối với tôi như những lời khuyến cáo tôi trong cuộc đời linh mục”.

Nói về Mẹ Maria thì bao giờ cho đủ, bao nhiêu cho vừa!

Dù ở nơi đâu, bất cứ khi nào, trong an vui hay lúc sóng gió, những khi mệt mỏi trên đường lữ thứ trần gian, con nhìn về Mẹ, lòng ngập tràn hân hoan cảm mến và hét to lên rằng : “Mẹ ơi, con về đây!”.  Con muốn dùng những câu hát trong bài “Bông Hồng Cài Áo” của Phạm Thế Mỹ để thưa với Mẹ:

Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?”
– Biết gì ? “Biết là, biết là con thương Mẹ không ?”

CVK Nguyen The Bai

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *